Sai phạm trong quản lý, sử dụng đất của Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang

Sau khi Nhân Dân điện tử có bài 'Đất công viên quy hoạch thành nhà hàng', điều tra những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại công viên Lạc Hồng (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) của Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang (gọi tắt Công ty), nhiều bạn đọc gửi thư, nhắn tin đề nghị Nhân Dân điện tử tiếp tục điều tra, phản ánh những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất ở những nơi khác của doanh nghiệp này từ khi cổ phần hóa. Sau khi tiến hành điền tra, phóng viên đã phát hiện thêm nhiều sai phạm.

Nhà và đất số 137 Nguyễn Hùng Sơn trước đây Công ty cho Ngân hàng Sài Gòn Thương tín thuê 40 triệu đồng/tháng.

NDĐT- Sau khi Nhân Dân điện tử có bài “Đất công viên quy hoạch thành nhà hàng”, điều tra những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại công viên Lạc Hồng (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) của Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang (gọi tắt Công ty), nhiều bạn đọc gửi thư, nhắn tin đề nghị Nhân Dân điện tử tiếp tục điều tra, phản ánh những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất ở những nơi khác của doanh nghiệp này từ khi cổ phần hóa. Sau khi tiến hành điền tra, phóng viên đã phát hiện thêm nhiều sai phạm.

Thuê đất nhưng chưa trả tiền

Tiếp nối những sai phạm tại khu đất ở công viên Lạc Hồng là sai phạm tại khu đất công viên Bải Dương - vị trí đẹp nhất TP Rạch Giá. Theo tài liệu mà phóng viên có được, ngày 14-3-2008, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao hơn 5ha đất công viên Bãi Dương cho Công ty quản lý và khai thác. Khi đó, tại khu vực này chỉ có cây dương, loại cây có sức chống chọi với giông bão.

Sau khi nhận mặt bằng từ TP Rạch Giá, Công ty không thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định, mà phân đất thành các lô, ký hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân thuê lại kinh doanh nhà hàng, quán ăn, các tụ điểm hát với nhau…

Do thiếu quản lý dẫn đến mật độ xây dựng vượt quy định, xây bít cả lối đi cặp biển, nhiều cây dương bị đốn bỏ. Quá trình các hàng quán hoạt động, nước thải xả thẳng xuống biển gây ô nhiễm nguồn nước, không khí. Hằng đêm, các quán mở nhạc, ca hát gây ô nhiễm tiếng ồn. Tất cả nhưng sai phạm này đã có kết luận của cơ quan chức năng, tuy nhiên việc xử lý, khắc phục kéo dài và đến nay vẫn chưa xong.

Năm 2011, UBND tỉnh Kiên Giang thành lập Đoàn thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh và thu chi tài chính đối với Công ty và tại Kết luận số 02, ngày 19-3-2012, chỉ rõ: Công ty không lập các thủ tục để được giao đất, cho thuê đất; không nộp tiền thuê đất. Theo tính toán của Sở Tài chính Kiên Giang, tiền thuê đất tại công viên Bãi Dương mà Công ty phải nộp từ tháng 11-2009 đến tháng 5-2014 là hơn một tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, Công ty vẫn chưa nộp tiền cho địa phương.

Hơn nữa, khi chấm dứt hoạt động của các hàng quán tại công viên Bãi Dương để TP Rạch Giá đầu tư xây dựng công viên, Công ty đã bán một phần tài sản trên đất cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Rạch Giá nhưng doanh nghiệp không kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và theo tính toán tiền thuế mà Công ty phải nộp là gần 104 triệu đồng.

Xóa sổ các nhà hàng, khách sạn

Những người sống lâu năm ở Rạch Giá chắc hẳn khó quên những cái tên nhà hàng, khách sạn một thời nổi tiếng, như: Tô Châu, Một Tháng Năm, Thanh Bình, Hải Âu… Tất cả các cơ sở này đều nằm ở vị trí đắc địa và đều được tỉnh Kiên Giang giao cho Công ty sau khi cổ phần hóa. Nhưng hiện tại, những bảng hiệu này đã bị khai tử, nơi bỏ trống, nơi cho thuê lại.

Khu nhà và đất 854,4m² của nhà hàng Hải Âu, tọa lạc số 2 đường Nguyễn Trung Trực giờ được gắn biển hiệu Viettel. Khu đất này nằm cặp Kênh Nhánh, đây là trục đường có giá thành thuộc hàng cao nhất TP Rạch Giá.

Năm 2007, khi thực hiện phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, đất và tài sản trên đất tỉnh Kiên Giang bàn giao cho Công ty. Năm 2009, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Kiên Giang tham mưu cho UBND tỉnh Kiên Giang cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty, nhưng thời hạn thuê được nâng từ 20 lên 50 năm. Ngày 25-6-2014, Công ty chính thức ký hợp đồng với “ông lớn” Viettel, cho thuê với giá 90 triệu đồng/tháng để bán hàng điện tử viễn thông.

Năm 2017, Sở TN-MT Kiên Giang tiến hành kiểm tra và kết luận “Công ty cho Viettel thuê lại nhà đất để kinh doanh mua bán hàng điện tử viễn thông là không đúng quy định. Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tham mưu cho Giám đốc Sở ký tờ trình UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất có thời hạn sử dụng đất 50 năm là không đúng với Quyết định giao đất. Yêu cầu Công ty chấm dứt hành vi cho thuê nhà đất trái quy định”. Mặc dù kết luận của Giám đốc Sở TN-MT Kiên Giang có hiệu lực một năm qua nhưng đến nay, tại địa điểm này vẫn tồn tại biển hiệu của Viettel.

Còn lô đất và nhà tại nhà số 12 đường Lê Lợi, trước kia là nhà hàng Tô Châu có diện tích 85,2m2, Công ty được chính quyền tỉnh Kiên Giang bàn giao năm 2007, nhưng doanh nghiệp không làm các thủ tục và nộp nghĩa vụ thuế theo quy định. Từ năm 2015 đến nay, Công ty cho ông Lâm Tấn Thành thuê bán vịt quay giá 7,5 triệu đồng/tháng. Hai thửa đất 137, 139 đường Nguyễn Hùng Sơn (trước là nhà hàng khách sạn Tô Châu) có tổng diện tích đất hơn 450m2, nhà đúc ba lầu. Năm 2007, Công ty được tỉnh Kiên Giang giao đất thời hạn thuê 20 năm. Nhưng đến năm 2009, chính quyền cấp đổi thời hạn thuê nâng lên 50 năm. Từ tháng 3-2009 đến tháng 3-2015, Công ty cho Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín thuê với giá trung bình mỗi thửa là 40 triệu đồng/tháng. Hiện nay, tại số 137, Công ty làm trụ sở; số 139 làm nhà kho.

Còn căn nhà và đất số 28 đường Lê Lợi, từ năm 2014 đến nay, Công ty cho ông Tân Triều Vinh thuê bán bánh kem, giá 13 triệu đồng/tháng. Còn nhà đất tại số 16 Lê Lợi (bốn lầu, trước kia là nhà hàng Tô Châu), đóng cửa nhiều năm qua, Công ty đăng bảng tìm đối tác hợp tác.

Khu nhà đất 11 Lý Tự Trọng, diện tích 159m2 (trước khách sạn Thanh Bình). Năm 2012, khu đất này chính quyền đã “bán rẻ” cho doanh nghiệp, hiện là trụ sở chính của Công ty.

Chuyển nhượng đất hưởng chênh lệch

Ngoài ra, còn có ba thửa đất tại thị xã Hà Tiên, trước đây nhà nước cho Công ty thuê đất sản xuất kinh doanh nhưng sau đó “bán” lại với giá hời, để doanh nghiệp này chuyển nhượng cho bên thứ ba hưởng chênh lệch hàng tỷ đồng mỗi thửa.

Đầu tiên là khu đất 264m2 trên đường Trần Hầu, thuộc khu phố 1, phường Đông Hồ (trước là khách sạn Đông Hồ). Năm 2005, tỉnh Kiên Giang giao khu đất này cho Công ty. Năm 2012, Công ty xin chuyển hình thức giao đất từ thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất. Ngày 27-7-2012, Công ty nộp tiền sử dụng đất hơn 1,87 tỷ đồng. Đến ngày 9-7-2013, Công ty chuyển nhượng cho CTCP đầu tư Tín Việt với số tiền 4,6 tỷ đồng.

Kế đến là thửa đất tại số 14 đường Phương Thành, khu phố 2, phường Đông Hồ có diện tích 395m2 (trước đây là khách sạn Kim Dự). Năm 2005, Công ty được tỉnh Kiên Giang giao đất kinh doanh khách sạn bằng hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm. Tháng 3-2012, tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận cho Công ty, nhà nước giao đất có thu tiền. Tháng 5-2013, Công ty chuyển nhượng khu đất này cho ông Dương Văn Hòa, với số tiền 5,8 tỷ đồng.

Thửa đất 5.740m2 tại Mũi Nai, khu phố 3, phường Pháo Đài (trước đây là nhà hàng Kim Dự) cũng tương tự. Năm 2005, khu đất này được tỉnh Kiên Giang giao cho Công ty sản xuất kinh doanh. Ngày 12-11-2015, Công ty được tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Và cũng trong năm 2015, Công ty chuyển nhượng cho Doanh nghiệp tư nhân Thu Đại Thành, với số tiền 1,12 tỷ đồng.

Mất vốn nhà nước

Trước đây, Công ty du lịch Kiên Giang 100% vốn nhà nước, nhưng sau khi dính đến nhiều vụ tai tiếng, năm 2006 đã bị giải thể nhập vào Công ty Thương mại Kiên Giang trở thành Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang. Đến năm 2007, CTCP du lịch Kiên Giang (gọi tắt là Công ty) được thành lập theo Quyết định số ll7l, ngày 3-7-2007, của UBND tỉnh Kiên Giang, ngành nghề kinh doanh gồm: nhà hàng, khách sạn, karaoke; dịch vụ đại lý vận tải đường biển; dịch vụ du lịch, cho thuê mặt bằng; đại lý vé máy bay…

Khi đăng ký lần đầu, vốn điều lệ của Công ty là 50 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước góp bằng tài sản là 21,67% do Công ty TNHH thương mại Kiên Giang làm đại diện. Nhưng qua chín lần đăng ký thay đổi, đến 26-7-2017, vốn điều lệ của Công ty là 86,745 tỷ đồng, vốn Nhà nước còn 14,44%; ông Trịnh Quang Tiến giữ 44,2%; Công ty THNN Hải Vân, 11,53%; Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, 10,14%; cổ đông khác, 19,71%.

Tuy nhiên theo kết luận thanh tra số 02, ngày 5-3-2018, của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, do kinh doanh thua lỗ, lũy kế đến nay là 68,2 tỷ đồng, vốn sở hữu của Công ty còn trên sổ sách chỉ 18,47 tỷ đồng (chủ yếu tài sản nhà, đất), vốn Nhà nước chỉ còn 2,667 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra số 02, ngày 5-3-2018, của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Thái Hùng, nguyên Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, nay là Phó Chi cục trưởng Quản lý đất đai thuộc Sở TN-MT Kiên Giang là người chịu trách nhiệm chính về việc thực hiện và thẩm định hồ sơ điều chỉnh thời gian cho thuê đất từ 20 năm lên 50 năm đối với nhiều khu đất của Công ty. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xử lý rất “tình cảm”, giao Giám đốc Sở TN-MT Kiên Giang tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Còn đối với ba lô đất tại thị xã Hà Tiên mà tỉnh Kiên Giang đã bán cho Công ty với giá hời để doanh nghiệp này sang bán lại hưởng chênh lệnh nhiều tỷ đồng có vi phạm quy định pháp luật hiện hành hay không? Nếu có, ai là người chịu trách nhiệm? Rất cần có câu trả lời từ UBND tỉnh Kiên Giang.

Khu nhà và đất của nhà hàng Tô Châu trước đây phải đóng cửa nhiểu năm qua.

Khu nhà và đất của nhà hàng Tô Châu trước đây phải đóng cửa nhiểu năm qua.

Khu nhà và đất trước đây là nhà hàng Hải Âu, nay Công ty cho Viettel thuê 90 triệu đồng/tháng.

Trụ sở của Công ty cổ phần Du lịch Kiên Giang.

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37951002-sai-pham-trong-quan-ly-su-dung-dat-cua-cong-ty-co-phan-du-lich-kien-giang.html