Saigonbank 'cài số lùi'

Là NHTMCP đầu tiên trong hệ thống NH Việt Nam, nhưng Saigonbank lại không thể phát triển vì không ổn định được nhân sự cấp cao. Kể từ năm 2012 đến nay, NH không thể tăng vốn, không có gì nổi trội và các năm gần đây đi lùi trong hoạt động khi lợi nhuận sụt giảm, không đạt mục tiêu đề ra.

Nhân sự cấp cao liên tục biến động

Đầu tháng 10-2019, Saigonbank tổ chức ĐHCĐ bất thường bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024. HĐQT của Saigonbank nhiệm kỳ cũ có 4 thành viên là ông Vũ Quang Lãm, ông Trần Thế Truyền, bà Trần Thị Việt Ánh và ông Trần Sỹ Đồng, nhưng khuyết vị trí Chủ tịch HĐQT. Tại đại hội lần này, ông Vũ Quang Lãm được cổ đông và HĐQT Saigonbank bầu vào ghế Chủ tịch.

Đây chỉ là một trong số nhiều lần thay đổi nhân sự cấp cao tại NH này. Vào cuối năm 2015, ông Nguyễn Phước Minh thôi chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017 để về hưu theo chế độ, ông Trần Quốc Hải đã thay thế đảm nhiệm ghế nóng tại Saigonbank. Cùng thời điểm, bà Trần Thị Việt Ánh, người đã gắn bó với NH hơn 20 năm, cũng thôi đảm nhiệm chức tổng giám đốc để về hưu. Ông Vũ Quang Lãm lúc đó là thành viên HĐQT Saigonbank kiêm cán bộ Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), được bầu làm tổng giám đốc thay bà Ánh.

Nhưng chỉ sau 2 năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, giữa năm 2017, ông Trần Quốc Hải đã rút khỏi vị trí này vì lý do sức khỏe. Ông Phạm Văn Thông được bầu làm Chủ tịch Saigonbank và đại diện Văn phòng Thành ủy TPHCM sở hữu hơn 56 triệu cổ phần Saigonbank (tương đương 18,18% vốn điều lệ). Giữa năm 2018, ông Thông bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đề nghị cho thôi chức Chủ tịch Saigonbank do sai phạm liên quan đến chuyển nhượng phần đất đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và một số dự án khác. Ông Vũ Quang Lãm đảm nhiệm chức danh quyền Chủ tịch HĐQT từ ngày 19-6-2018.

Đến cuối tháng 6-2018, Saigonbank tổ chức tại ĐHCĐ thường niên nhưng chưa thực hiện đề cử và bầu mới nhân sự Ban quản trị và Ban điều hành. Tháng 8 cùng năm NH tổ chức đại hội bất thường bầu nhân sự cấp cao, song không có kết quả mới. Ngày 26-11, ông Nguyễn Minh Trí lại từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT NH nhiệm kỳ 2013-2017 do không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức.

Lúc đó, Saigonbank đã gửi văn bản lấy ý kiến cổ đông về số lượng thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, dự kiến sẽ tổ chức họp ĐHCĐ bất thường bầu bổ sung nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên 2019, vấn đề nhân sự bầu thành viên HĐQT không được đề cập đến.

Cho đến đại hội bất thường diễn ra vào ngày 6-10 vừa qua, ông Lãm mới chính thức ngồi vào ghế nóng NH. Đồng thời trước đại hội bất thường này, nhà băng đã bổ nhiệm 3 nhân sự mới trong ban điều hành, gồm ông Trần Thanh Giang giữ chức danh Tổng giám đốc, ông Trần Quốc Thanh và ông Phạm Hoàng Hồng Thịnh giữ chức Phó Tổng giám đốc.

Hoạt động đi lùi

Nhân sự cấp cao thay đổi liên tục, hoạt động của Saigonbank cũng trở nên trì trệ. Nhiều năm qua Saigonbank không thể vươn lên sánh vai với các NH khác và đang là nhà băng có vốn điều lệ nhỏ nhất trong hệ thống NHTM Việt Nam. Giai đoạn từ khi thành lập (năm 1987) đến năm 2012, NH tăng vốn từ 650 triệu đồng lên 3.080 tỷ đồng. Nhưng cũng từ đó, vốn điều lệ đã dậm chân tại chỗ cho đến nay.

Năm 2014, HĐQT Saigonbank trình ý kiến cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng. Năm 2016, NHNN đã đồng ý cho Saigonbank tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng. Tuy vậy, nhiều năm liền, NH đã không thể tăng thêm đồng vốn nào.

Về hoạt động kinh doanh, Saigonbank trước đây thuộc nhóm các TCTD lành mạnh và được tự thực hiện cơ cấu lại theo phương án đã được NHNN chấp thuận từ năm 2013. Nhưng hoạt động của NH cũng không khả quan. Năm 2015, NH dè dặt đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 50 tỷ đồng, giảm 78% so với 230 tỷ đồng đạt được của năm 2014. Năm 2016, chi phí dự phòng trích lập đã giảm gần một nửa, trong khi chi phí hoạt động tăng cao, nên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 139 tỷ đồng.

Năm 2017, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 270 tỷ đồng, nhưng Saigonbank chỉ thực hiện được 71 tỷ đồng, giảm tới hơn 59% so với kết quả đạt được trong năm 2016, chỉ hoàn thành 26% kế hoạch. NH tiếp tục rơi vào bẫy tăng trưởng của chính mình, khi đặt kế hoạch lợi nhuận cao 150 tỷ đồng cho năm 2018, nhưng thực hiện được rất thấp. Cả năm 2018 lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 52,5 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2017.

Lợi nhuận năm 2017 và 2018 tuột dốc mạnh xuất phát từ việc trích lập dự phòng rủi ro rất lớn cho các năm trước. Năm 2017, chi phí dự phòng ở mức 281,6 tỷ đồng, chiếm hơn 72% lợi nhuận trước dự phòng. Trong 281,6 tỷ đồng này lại có hơn 72% dùng để trích lập cho nợ nhóm 5 của năm 2016 đã không được trích lập 100% trước đó. Năm 2018, chi phí dự phòng lên gần 343 tỷ đồng đã ăn mòn đến 87% lợi nhuận của NH. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay năm 2018 giảm từ 2,98% xuống còn 2,2% nhưng tính đến cuối năm, NH có gần 1.133 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, tăng 85% so với con số 613 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Đến cuối tháng 9-2019, lợi nhuận trước thuế của NH đạt 220,7 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận này chủ yếu đến từ việc giảm mạnh chi phí dự phòng. Cụ thể, 9 tháng năm 2019 dự phòng rủi ro chỉ đạt 54,9 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 2,2% xuống còn 2,03%, nhưng nợ nhóm 5 lên tới 211 tỷ đồng, chiếm 72% trong tổng nợ xấu.

Đồng thời, các khoản lãi, phí phải thu đến cuối tháng 9 tăng 39% so với cuối năm 2018, lên mức 219 tỷ đồng… Nhân sự cấp cao không ổn định được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động thụt lùi, không hiệu quả của NH này trong các năm qua. Đi cùng tình trạng đó, nhiều năm liền Saigonbank không chia cổ tức cho cổ đông.

Sau những biến động về nhân sự cũng như tình hình hoạt động như trên, cổ đông lớn của NH lần lượt rời đi. CTCP Điện tử Biên Hòa (Belco) mới đây đã đăng ký tổ chức bán đấu giá toàn bộ gần 1,5 triệu cổ phiếu Saigonbank (tương ứng 0,49% vốn điều lệ) vào đầu năm 2020. Trước đó, thực hiện quy định của Thông tư 36 về xử lý sở hữu chéo, 2 NH là Vietcombank và Vietinbank đã thoái bớt vốn tại NH này, sau đó đã tiến hành thoái toàn bộ vốn.

Hiện Saigonbank còn 4 cổ đông lớn nhất nắm đến 65% vốn gồm Văn phòng Thành ủy TPHCM (hơn 18% vốn), Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (cùng nắm hơn 16%), Saigon Petro (nắm hơn 14%). Tuy nhiên, dự kiến Văn phòng Thành ủy cũng sẽ thoái vốn khỏi nhà băng này.

Nhân sự cấp cao không ổn định được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động thụt lùi, không hiệu quả của NH này trong các năm qua. Đi cùng tình trạng đó, nhiều năm liền Saigonbank không chia cổ tức cho cổ đông.

Bảo Trân

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ngan-hang/saigonbank-cai-so-lui-75423.html