Sâm Lai Châu - 'Ngọc' quý nơi đại ngàn

Với phương châm phát triển kinh tế phải dựa vào thế mạnh vốn có của địa phương. Lai Châu đang đúng hướng với nhiều mô hình phát triển kinh tế đa dạng, hiệu quả. Phát triển Sâm Lai Châu - báu vật trời ban đang minh chứng quyết sách táo bạo, tự tin sẽ góp phần đưa kinh tế Lai Châu từng bước phát triển bền vững.

Hội chợ quảng bá Sâm Lai Châu

Vào 20h tối 11/11, Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa” chính thức khai mạc tại Trung tâm Thương mại tỉnh Lai Châu. Hội chợ được UBND tỉnh Lai Châu tổ chức từ ngày 11 - 13/11. Trong khuôn khổ sự kiện, Hiệp hội Sâm Lai Châu có kế hoạch kết nối với Hiệp hội Sâm Hàn Quốc để công bố chỉ số Sâm Lai Châu.

Là cây bản địa đặc hữu với nhiều dược tính quý hiếm bậc nhất, Sâm Lai Châu hứa hẹn sẽ là cây chủ lực để người dân làm giàu ngay trên đất rừng.

Là cây bản địa đặc hữu với nhiều dược tính quý hiếm bậc nhất, Sâm Lai Châu hứa hẹn sẽ là cây chủ lực để người dân làm giàu ngay trên đất rừng.

Hội chợ được tổ chức nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển, đồng thời quảng bá “báu vật” Sâm Lai Châu đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng quan tâm để phát triển sản phẩm. Đây là cơ hội quý báu để các nhà đầu tư tìm hiểu, tin tưởng xúc tiến hợp tác, liên kết với người dân bản địa cùng chung tay gây trồng, khai thác, kinh doanh, làm giàu từ các lợi ích to lớn của cây Sâm Lai Châu.

Trong Hội chợ này, UBND tỉnh Lai Châu sẽ chính thức công bố bản đồ quy hoạch phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu; cởi mở trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật trồng, sản xuất giống, phát triển vùng trồng và công nghệ chế biến các sản phẩm từ Sâm Lai Châu đến mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp đến từ nước ngoài.

Hội chợ Sâm Lai Châu lần này sẽ là bức tranh sinh động tổng thể về môi trường, cảnh quan, sự đa dạng sinh học của vùng rừng núi Lai Châu, môi trường sinh trưởng tuyệt vời của Sâm Lai Châu cùng các loại cây trồng thảo dược quý khác; lịch sử phát hiện, đầu tư nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen gốc quý hiếm, quá trình nhân giống và phát triển diện tích trồng Sâm Lai Châu dưới tán rừng; giá trị đặc biệt và những dược chất vượt trội so với các loài sâm nổi tiếng trên thế giới; sự quyết tâm lớn của UBND tỉnh Lai Châu và các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu để khẳng định Sâm Lai Châu thực sự là “báu vật” trời ban, bằng mọi cách phải gìn giữ và phát triển. Sâm Lai Châu phải là cây trồng chủ lực trong giải quyết xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt cho đồng bào sống nhờ đất, nhờ rừng, nơi phát tích Sâm Lai Châu; từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia cho Sâm Lai Châu, xa hơn là ghi danh bản đồ Sâm quốc tế.

Những đặc tính quý báu của Sâm Lai Châu

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Sâm Lai Châu thuộc chi Nhân sâm, họ Ngũ gia bì. Sâm Lai Châu là cây đặc hữu phân bố sinh trưởng ở độ cao khoảng từ 900 - 2.000m so với mực nước biển, dưới tán rừng già nguyên sinh, tập trung chủ yếu trên dãy núi Pu Si Lung cao 3.083m và vùng lân cận huyện Mường Tè (Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ); Tam Đường (Khun Há, Hồ Thầu, Bản Giang) và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ (Nậm Tăm, Pu Sam Cap).

Vườn Sâm Lai Châu đang được chăm sóc khoa học và phát triển tốt dưới tán rừng già tự nhiên.

Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var, fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai) có hình thái tương tự Sâm Ngọc Linh, thân củ có mắt đốt sole nhau, lá tròn không sẻ thùy hai mặt lá có lông, hạt có 1 chấm đen. Sâm có mùi thơm đặc trưng có vị đắng ngọt vị lưu lại rất lâu khi ăn. Tùy vào thổ nhưỡng, vùng miền địa lý mà ra nhiều hay ít đốt. Có cây sâm mọc củ, vài năm sau mới bắt đầu ra đốt, có cây mỗi năm củ mọc 2-3 đốt, có củ còn mọc thành nhiều nhánh, mỗi nhánh ra vài đốt một năm.

Theo đề tài nghiên cứu, đánh giá, kết luận của Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), Sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới, mới chỉ phát hiện thấy duy nhất ở tỉnh Lai Châu. Hàm lượng Saponin trong các mẫu Sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên đều vượt trội, trung bình khoảng 23% - 27%, hàm lượng Saponin toàn phần tăng dần theo số năm tuổi, cây càng lâu năm giá trị càng cao. Tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hóa, an thần.

Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm. Trong thân rễ Sâm Lai Châu có Saponin “MR2” đặc biệt quý chiếm tỉ lệ lớn, có trong Sâm Ngọc Linh. Chính vì vậy giá trị kinh tế trên thị trường của Sâm Lai Châu rất cao. Giá thu mua 1 kg sâm tươi hiện dao động từ 20 - 80 triệu đồng/kg. Với những củ sâm có tuổi đời trên 10 năm, trọng lượng đạt từ 200g trở lên, có giá bán cả trăm triệu đồng nhưng cũng rất khan hiếm, khó mua.

Cây “tỷ phú” kỳ vọng vươn xa

Là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, Lai Châu có diện tích tự nhiên trên 9.000 km2. Có khí hậu trung tính và ôn hòa, quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng là điều kiện lý tưởng để phát triển các loài nông, lâm, thổ sản có giá trị kinh tế cao. Với đặc thù trên 50% diện tích đất rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4%, rừng Lai Châu thuộc loại rừng nhiệt đới, có nhiều rừng già, nguyên sinh với quần thể động, thực vật phong phú, đa dạng.

Ông Phạm Văn Ngọc, chủ một cơ sở tiên phong trồng Sâm Lai Châu tại bản Xin Chải, xã Giang Ma đang trao đổi kinh nghiệm cùng cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Tam Đường, Lai Châu.

Qua khảo sát, đánh giá nơi đây còn bảo tồn được nhiều loài dược liệu tự nhiên phong phú, quý hiếm có tác dụng chữa bệnh và tăng cường sức khỏe cho người như: Thất diệp Nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa), Sâm Lai Châu, Lan Kim tuyến, Thảo quả, Tam thất hoang... Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để Lai Châu phát triển kinh tế bằng cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây Sâm Lai Châu với giá trị kinh tế rất cao.

Ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhận định: “Không còn nghi ngờ, Sâm Lai Châu được khẳng định là loài đặc hữu quý hiếm bậc nhất thế giới với nhiều thành phần dược chất Saponin vượt trội so với các loài sâm nổi tiếng. Sâm Lai Châu phát triển đồng nghĩa với kinh tế - xã hội phát triển, nhiều người dân sẽ thoát nghèo và làm giàu từ cây Sâm Lai Châu bản địa”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước sớm cùng người dân bản địa liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành những tổ chức kinh doanh có năng lực. Cùng đầu tư vốn, công sức, chú trọng áp dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong gây trồng và phát triển Sâm Lai Châu. Coi trọng nguồn giống gốc để sản xuất và cung cấp đủ cây giống đạt chuẩn chất lượng; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hệ thống chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa; chế biến sâu thành các sản phẩm tiêu dùng, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận độc quyền cho Sâm Lai Châu; tăng cường quảng bá để không ngừng nâng cao vị thế, giá trị của Sâm Lai Châu. Góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Từng bước nâng cao đời sống của người dân từ khó khăn, đến no ấm, làm giàu và đặc biệt biết coi trọng rừng, giữ rừng, phát triển rừng, biến rừng thành vàng.

Xuân Trường

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/sam-lai-chau--ngoc-quy-noi-dai-ngan-5701818.html