Sầm Sơn (Thanh Hóa): Cả phường điêu đứng vì vỡ hụi

Hàng trăm người dân phường Quảng Cư (Sầm Sơn, Thanh Hóa) lâm vào cảnh khốn cùng khi chủ hụi Phạm Thị Tâm (Trú tại Khu phố Thành Thắng, P. Quảng Cư, TP. Sầm Sơn) bỗng dưng tuyên bố phá sản và rời khỏi nơi cư trú.

Cả phố tiêu điều sau câu tuyên bố phá sản

Con đường nhỏ xuyên giữa khu phố Thành Thắng (P. Quảng Cư, Sầm Sơn), hai bên đường những căn nhà thấp bé, cũ kĩ vốn đã lạc lõng giữa khu du lịch sầm uất, nay lại thêm tiêu điều vì “bão tín dụng”. Đi dọc khu phố, chúng tôi nhìn thấy những khuôn mặt hốc hác, hao gầy, ngồi túm tụm với nhau như chờ ai đó đến để cầu cứu.

Quả thật, người dân phường Quảng Cư (TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) những ngày qua đang sống trong cảnh bần thần, lo lắng, khi bà Phạm Thị Tâm (trú tại phố Thành Thắng, P. Quảng Cư, TP. Sầm Sơn) là chủ của hàng chục dây hụi đen bỗng tuyên bố phá sản. Đắng cay hơn, sau tuyên bố đó, bà Phạm Thị Tâm rời khỏi nơi ở, tránh né nghĩa vụ trả tiền, khiến những người đã gom cả gia tài giao nộp cho bà Tâm rơi vào cảnh khốn cùng.

Người dân phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang ghi danh sách những gia đình tham gia chơi phường họ với chủ hụi Phạm Thị Tâm

Người dân phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang ghi danh sách những gia đình tham gia chơi phường họ với chủ hụi Phạm Thị Tâm

Bà Phạm Thị Doan (Khu phố Thành Thắng, P. Quảng Cư, TP. Sầm Sơn) là một trong những “nạn nhân” của vụ vỡ hụi này cho biết: Do có dự định tích góp tiền để làm việc lớn cho gia đình, nên bà Doan và con gái (Trịnh Thị Hương) đã tham gia chơi phường hội với bà Tâm, do bà Tâm làm cái. Để có thể tích lũy được số tiền lớn, bà Doan và con gái liên tục đóng tiền trong 17 tháng.

Theo đó, tổng số tiền mà bà Doan và con gái đã nộp cho bà Tâm là 535 triệu đồng. Cụ thể, từ tháng 11/2017 đến tháng 03/2019. Mỗi tháng, bà Doan đưa cho bà Tâm 20 triệu đồng tiền mặt. Tính đến tháng 3/2019, tổng số tiền mặt tôi đưa cho bà Tâm là 340.000.000đ.

Còn con gái bà Doan, chị Trịnh Thị Hương dù đang làm việc xa nhà cũng cố gắng tích góp gửi về cho bà Tâm hằng tháng 15 triệu đồng. Tính từ tháng 02/2018 đến tháng 3/2019, chị Hương đã gửi cho bà Tâm 195 triệu đồng.

“Con gái tôi đi làm xa nhà đã nhiều năm, nhưng do thương tôi, thương các em nên mỗi tháng đều cố gắng dành dụm gửi 15 triệu đồng cho chị Tâm để khi sau này lấy tiền cho tôi dưỡng già. Thế mà giờ mất hết rồi! Không còn gì nữa…”, bà Tâm nói trọng nghẹn ngào.

Khu phố Thành Thắng, phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn hiện có khoảng 49 gia đình tham gia các dây hụi của bà Phạm Thị Tâm với số tiền vỡ hụi lên đến hàng tỷ đồng

Bà Doan cho biết thêm rằng, tháng 03/2019, khi gần đến lượt bà Doan và con gái lấy tiền gốc và lãi (lãi do lấy cuối cùng) thì bỗng dưng bà Tâm tuyên bố bể nợ. Cũng từ đó, cuộc sống của bà Doan trở nên bi đát, do tiếc số tiền “xương máu” tích lũy cả cuộc đời mà bà lâm bệnh, ốm đau triền miên. Khi gặp chúng tôi, mắt bà đã nhòe đi vì tiếc, vì thương các con lặn lội xa xôi, kiếm tiền gửi mẹ rồi bị mất trắng. Đớn đau thay, bà Tâm - người chiếm đoạt số tiền đó lại là họ hàng thân thiết.

Không chỉ riêng gia đình bà Doan, ở khu phố này, tại thời điểm chúng tôi ghi nhận có đến 49 gia đình tham gia các dây hụi của bà Tâm. Trong đó có nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi hụi vỡ đều lâm vào tình cảnh bi đát.

Trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Đua (phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cả hai vợ chồng đều làm lụng quanh năm ở bến đò chỉ đủ ăn, nên vợ chồng anh Đua đã tham gia chơi hụi với bà Tâm nhằm tích lũy tiền sửa nhà. Mỗi tháng, vợ chồng anh Đua đóng cho bà Tâm 5 triệu đồng với thời hạn 10 tháng. Tuy nhiên, khi gần đến hạn lấy tiền thì vợ chồng anh Đua bỗng nhận được tin bà Tâm phá sản, không thể trả nợ.

Bà Nguyễn Thị Thất rơi vào hoàn cảnh khốn khổ khi dốc toàn bộ tiền lương hưu hằng tháng của hai vợ chồng tham gia chơi phường họ với bà Phạm Thị Tâm

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thất (P. Quảng Cư, Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã gần 80 tuổi cũng rơi vào hoàn cảnh khóc dở, mếu dở. Vợ chồng bà Thất đã cao tuổi, lương hưu hai vợ chồng chỉ được vài triệu đồng, nghĩ đến lúc ốm đau nên bà Thất tham gia chơi phường hội với bà Tâm trong vòng 12 tháng. Mỗi tháng bà Thất đóng cho bà Tâm 2 triệu đồng, tuy nhiên mới đóng được 9 tháng thì bà Tâm tuyên bố phá sản.

Nói với chúng tôi, giọng bà Thất mếu máo: “Vợ chồng tôi thì già rồi, tích góp được chút tiền đề phòng lúc ốm đau mà nó nó nỡ lừa lấy cả. Đến nhà đòi chẳng thấy nó đâu, chúng tôi chẳng biết hỏi ai bây giờ”.

Như vậy, các dây hụi do bà Tâm làm chủ gồm nhiều nhóm với các mức tiền đóng khách nhau. Có dây mỗi tháng vài chục triệu, có dây tháng vài triệu đồng. Tính tổng số tiền bà Tâm thu của các hộ gia đình lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này đều đã không cánh mà bay với 1 lý do phá sản?

Có dấu hiệu lừa đảo?

Theo bà Doan, sau 17 tháng đóng tiền phường cho bà Tâm, đến hạn trả tiền thì bà Tâm luôn tìm cách né tránh: “Khi tôi đến lấy tiền thì chị Tâm khất hết lần này sang lần khác. Chị ấy còn nói với tôi rằng: Mẹ con tôi là người nhà, có thể bùng với ai nhưng với mẹ con tôi thì sẽ thanh toán đầy đủ. Tâm còn hứa với tôi rằng, sẽ bán nhà để trả cho tôi.

Tuy nhiên, trong lúc chờ Tâm bán nhà thì tôi phát hiện, tất cả tài sản của Tâm đã được tẩu tán, sang tên cho người khác. Kể từ đó, tôi nhiều lần hỏi nợ nhưng Tâm trốn tránh và rời khỏi nơi cứ trú nhằm trốn tránh việc trả tiền”, bà Doan nói.

Bà Phạm Thị Doan là một trong những “nạn nhân” tham gia chơi hụi với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng

Tương tự, bà Viên Thị Trường (P. Quảng Cư, Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tham gia chơi phường hội với bà Tâm 12 tháng, mỗi tháng 5 triệu. Tuy nhiên, khi đến hạn lấy phường (tháng 2/2019), bà Trường đến nhà hỏi thì bà Tâm bảo sang tháng 3/2019. Thế nhưng, sang tháng 3, bà Tâm đến lấy tiền thì bà Tâm đã rời nơi cư trú.

“Chồng tôi thì mất sớm, một mình nuôi các con, tôi cố gắng theo phường hội của chị Tâm để dồn lấy khoản tiền lớn sắm sửa cho các cháu. Thế mà đến hạn lấy chị Tâm lại khất lên, khất xuống, bây giờ thì chị ấy cầm tiền của tôi bỏ đi đâu không biết? Tôi thì cũng không biết chữ, không biết làm đơn cầu cứu ai bây giờ”, bà Trường nói.

Bà Viên Thị Trường (P. Quảng Cư, Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tham gia chơi phường hội với bà Tâm 12 tháng, mỗi tháng 5 triệu nhưng đến nay vẫn không lấy được đồng nào

Điều đáng nói, có một số trường hợp vừa nộp tiền cho bà Tâm được vài ngày thì bà Tâm đã tuyên bố phá sản, không có khả năng trả nợ. Trong đó có trường hợp của anh Trần Ngọc Cẩn (Khu phố Cường Thịnh, P. Quảng Cư, TP. Sầm Sơn) tham gia chơi phường hội với bà Tâm từ ngày 20/3/2018 đến ngày 20/4/2019, mỗi tháng anh Cẩn đóng 5 triệu đồng, tổng số tiền đã đóng là 65 triệu đồng. Điều đáng nói, tại thời điểm thu tiền của anh Cẩn, bà Tâm đã tuyên bố phá sản, tuy nhiên vẫn tiếp tục thu tiền của anh Cẩn rồi mới thông báo phá sản.

Nghe thấy thông tin bà Tâm phá sản, ngày 15/4/2019 anh Cẩn hớt hãi tìm đến nhà bà Tâm đòi tiền thì được bà Tâm viết cho một giấy xác nhận nợ 65 triệu đồng tiền phường hội. Thế nhưng, sau khi xac nhận nợ, bà Tâm nhanh chóng dời khỏi nơi cứ trú.

Nhận thấy bà Tâm có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bà Phạm Thị Doan và một số hộ gia đình khác đã làm đơn tố cáo lên Công an phường, Công an TP. Sầm Sơn. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có kết quả điều tra và cũng chưa có thông báo nào với người tố cáo.

Để làm rõ việc này, ngày 12/7/2019, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã đến trụ sở Công an TP. Sầm Sơn liên hệ làm việc về sự việc nêu trên. Tại đây, sau khi tiếp nhận nội dung làm việc, bà Trương Thị Định - Trực ban Công an TP. Sầm Sơn cho biết: Do lãnh đạo bận họp trên tỉnh nên sẽ sắp xếp buổi làm việc sau. Tuy nhiên, kể từ đó cho đến nay, phóng viên không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Công an TP. Sầm Sơn.

Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.

Văn Hùng

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/sam-son-thanh-hoa-ca-phuong-dieu-dung-vi-vo-hui-5258/