Samsung đề xuất mua điện trực tiếp: Hoan nghênh

Ủng hộ cơ chế mua bán điện trực tiếp, song chuyên gia lưu ý cần thí điểm, có tính toán, tránh ồ ạt như giai đoạn đầu phát triển điện mặt trời.

Tại buổi gặp với Bộ Công thương mới đây, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã đề xuất Bộ Công thương hướng dẫn, hỗ trợ được thí điểm cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp).

Được biết, cơ chế này đang trong giai đoạn được Bộ Công thương lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn để thí điểm.

Theo dự thảo này, việc thí điểm mua bán điện trực tiếp được thực hiện trên phạm vi toàn quốc với tổng công suất các dự án phát điện năng lượng tái tạo được lựa chọn tham gia không quá 1.000 MW.

Dự thảo nêu rõ, nguyên tắc thí điểm mua bán điện trực tiếp là khách hàng được trực tiếp đàm phán, thỏa thuận mua bán điện với đơn vị phát điện thông qua việc ký kết một Hợp đồng kỳ hạn. Các giao dịch mua bán điện giữa các bên được thực hiện qua thị trường điện giao ngay theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công thương ban hành.

Ủng hộ thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo, chuyên gia năng lượng độc lập - TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho biết, theo thiết kế, thị trường điện cạnh tranh gồm 3 cấp độ: phát điện cạnh tranh; bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Hiện thị trường đã chuyển sang giai đoạn bán buôn điện cạnh tranh.

Ở thị trường bán buôn điện cạnh tranh, EVN không phải là người mua và người bán duy nhất, mà sẽ có nhiều người mua điện trực tiếp từ nhà máy sản xuất điện rồi bán bán cho khách hàng.

Sẽ thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp

"Xuất hiện 2 trường hợp ở đây: Thứ nhất, mua bán điện trực tiếp nhưng nơi nào không xây dựng được đường truyền tải thì phụ thuộc vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phải thuê truyền tải của EVN.

Thứ hai, mua bán điện trực tiếp mà không phụ thuộc vào đường truyền tải của EVN. Thời gian qua đã xuất hiện trạng thái mới, đó là nhiều nhà máy năng lượng tái tạo có khả năng xây dựng đường truyền tải. Họ có thể ở gần khu công nghiệp, được xây dựng đường truyền tải từ nhà máy đến nơi tiêu thụ (khu công nghiệp) nên không cần phải qua đường truyền tải của EVN nữa.

Theo Luật Điện lực, tất cả đường truyền tải do EVN quản lý. Tuy nhiên, trước tình hình mới, đã có nhiều kiến nghị cho phép nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời được quyền xây dựng đường truyền tải, nhưng cần có quy định khoảng cách giữa nơi phát với nơi mua ở mức độ bao nhiêu; xây dựng đường truyền tải thì nhà đầu tư chủ động quản lý luôn đường truyền tải ấy tới tận khu công nghiệp...", TS Ngô Đức Lâm nêu rõ.

Vị chuyên gia cho rằng, làm như vậy là theo đúng thị trường cạnh tranh. Tất nhiên, để thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp thì phải các quy định cụ thể để ràng buộc, chẳng hạn: công suất, phụ tải bao nhiêu cho phù hợp; vào ban đêm, khi điện mặt trời không sản xuất được thì EVN có phải cung cấp điện hay không...

"Tiến tới xóa bỏ độc quyền trong ngành điện là đúng, còn các vấn đề kỹ thuật khi thực hiện mua bán điện trực tiếp thì cơ quan quản lý nhà nước phải tính để khi thực hiện cơ chế này đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, kể cả chất lượng điện - tức đảm bảo hệ thống không xảy ra mất điện quá bao nhiêu giờ trong một năm...", TS Ngô Đức Lâm lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, theo tinh thần Quy hoạch Điện VIII, tiến tới giá điện không phải thống nhất trên toàn quốc nữa mà có khả năng phân theo vùng.

Chẳng hạn, nếu một khu vực hoàn toàn phát triển năng lượng mới tái tạo thì giá điện vùng đó sẽ khác những vùng khác. Người xây dựng nhà máy điện gió, điện mặt trời có quyền bán điện cho vùng đó và họ cũng yên tâm hơn vì bán cho phụ tải khu vực nào họ sẽ biết chắc chắn phải xây dựng nhà máy sao cho cân bằng.

Trở lại với đề xuất của Samsung, vị chuyên gia khẳng định Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp muốn tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện của cơ chế này.

"Rất nhiều nơi muốn mua bán điện trực tiếp, không chỉ các khu công nghiệp. Cần thí điểm từng bước cơ chế này để rút kinh nghiệm, những vấn đề kỹ thuật nảy sinh trong quá trình thí điểm sẽ được bàn cách giải quyết ổn thỏa. Qua cơ chế này, giá điện sẽ rẻ hơn nhờ cạnh tranh, thái độ bán hàng cũng được cải thiện so với khi EVN còn độc quyền.

Việc thí điểm cần phải có tính toán, tránh ồ ạt như khi các nhà đầu tư đổ xô làm điện mặt trời để cuối cùng phát sinh nhiều vấn đề", TS Ngô Đức Lâm lưu ý.

Theo dự thảo Thông tư quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện đang được Bộ Công thương lấy ý kiến nhân dân, đối tượng được lựa chọn tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp là Đơn vị phát điện và Khách hàng có hồ sơ đăng ký tham gia đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định như sau:

Khách hàng có cam kết mục tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo hoặc doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp có cam kết mục tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo;

Khách hàng có cam kết tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng năm mua từ Đơn vị phát điện so với tổng điện năng tiêu thụ cùng năm được cung cấp từ Tổng công ty Điện lực trong 03 năm đầu tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp đạt từ 80% trở lên;

Đơn vị phát điện có cam kết mốc thời gian đưa toàn bộ dự án nhà máy điện vào vận hành thương mại và tham gia thị trường điện không lớn hơn 270 ngày làm việc tính từ ngày được công bố lựa chọn tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp;

Đơn vị phát điện có văn bản của các tổ chức tài chính, tín dụng về việc hỗ trợ tài chính cho dự án nhà máy điện…

Việc đánh giá, lựa chọn các Hồ sơ đăng ký tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp được thực hiện thông qua một Đơn vị dịch vụ do Bộ Công Thương lựa chọn và thông báo trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/samsung-de-xuat-mua-dien-truc-tiep-hoan-nghenh-3431632/