Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đối mặt với nguy cơ ngập nặng

Đến nay tại sân bay Tân Sơn Nhất, mới chỉ có nhánh số 1 của tuyến mương thoát nước Nhật Bản được đầu tư cải tạo, nâng cấp được hoàn thành, đưa vào khai thác.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng thoát nước chính. Trong đó hướng thoát về phía Bắc sân bay có nhiệm vụ thu nước mưa từ khu vực này chảy vào tuyến kênh Hy Vọng để thoát ra kênh Tham Lương.

Hệ thống thoát nước về hướng Đông Nam thu nước từ khu vực trước nhà ga của sân bay và xưởng sửa chữa máy bay A75, chảy ra 2 nhánh của tuyến mương Nhật Bản để chảy vào hệ thống cống thoát nước trên đường Nguyễn Kiệm, tải vào tuyến cống trên đường Phan Đình Phùng để thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Hệ thống thoát nước về hướng Nam sân bay thu nước mưa từ khu vực sân đậu máy bay ở ga quốc nội chảy theo 2 nhánh của tuyến mương A41, dẫn ra cống thoát nước trên đường Cộng Hòa, chảy vào tuyến cống trên đường Út Tịch để thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Đến nay, mới chỉ có nhánh số 1 của tuyến mương thoát nước Nhật Bản được đầu tư cải tạo, nâng cấp bằng tuyến cống hộp đôi có tiết diện 2x2,5m và 7 đoạn cống băng đường trên mương A41 được hoàn thành, đưa vào khai thác.

Phần còn lại của hệ thống thoát nước cho sân bay về cả 3 hướng vẫn chưa thể đầu tư mở rộng. Trong khi đó nhánh 2 của tuyến mương Nhật Bản hiện vẫn bị nhà dân xây dựng lấn chiếm thu hẹp dòng chảy, không đảm bảo thoát nước; tuyến mương A41 hiện cũng đang bị tình trạng xây dựng lấn chiếm nghiêm trọng.

Nước ngập ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sau một trận mưa.

Năm 2016, UBND quận Tân Bình đã đề xuất đầu tư nâng cấp nhánh 2 của tuyến mương Nhật Bản, nhưng đến nay dự án mới chỉ dừng lại ở bước phê duyệt.

Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Tân Bình hiện còn phải lo thiết kế bản vẽ thi công để trình UBND quận thông qua nên dự kiến phải đến cuối quý 4 năm nay mới có thể khởi công, việc hoàn thành nhanh nhất cũng phải sang đến cuối năm sau.

Với dự án cải tạo mương A41 đoạn nối từ tường rào sân bay đến đường Cộng Hòa, dù đã được HĐND thành phố thông qua từ tháng 4-2016, nhưng đến nay dự án cũng mới chỉ dừng lại ở bước vừa được phê duyệt đầu tư.

Hiện BQL đầu tư xây dựng công trình quận Tân Bình đang còn phải phối hợp với các đơn vị liên quan xác nhận tình trạng pháp lý bị ảnh hưởng của dự án nên việc khởi công dự kiến chỉ có thể tiến hành vào cuối năm nay.

Đối với tuyến kênh Hy Vọng, sau khi xác định tuyến kênh này thuộc gói thầu trong hợp phần cải tạo các kênh cấp 2 trong dự án đầu tư quản lý rủi ro ngập nước khu vực thành phố, UBND thành phố đã quyết định không dùng vốn vay WB để đầu tư cải tạo mở rộng kênh mà sẽ bố trí từ nguồn vốn khác.

Khi các dự án mở rộng hệ thống thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất chưa thể triển khai, Trung tâm chống ngập nước chỉ còn cách phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Nam thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các đơn vị được thuê tiến hành duy tu, nạo vét theo hiện trạng cũ. Đồng thời tăng cường việc vớt rác do người dân xả xuống lòng mương để tăng hiệu quả thoát nước của hệ thống.

Với thực trạng trên, việc thoát nước nhanh chóng cho sân bay Tân Sơn Nhất sau những trận mưa lớn hiện vẫn không đảm bảo chắc chắn. Bởi ngoài việc phải thoát chung với hệ thống cống thoát nước đô thị vốn đang bị quá tải, lại chảy vòng vèo thì việc không dự báo trước được lượng mưa hay mực nước triều cường để chủ động hạ thấp mực nước các tuyến kênh Nhiêu lộc - Thị Nghè, kênh Tham Lương cũng sẽ khiến nước mưa trong sân bay khó có thể chảy kịp.

Đ.Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/san-bay-tan-son-nhat-van-doi-mat-voi-nguy-co-ngap-nang-501679/