Sân chơi bổ ích cho thiếu niên, nhi đồng

Trải qua 13 lần tổ chức, Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình đã khơi dậy tiềm năng, tư duy sáng tạo của tuổi trẻ, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai. Đặc biệt những mô hình, sản phẩm dự thi ngày càng đa dạng, có tính mới, có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn.

Trao giải cho các tác giả tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng lần thứ XII. Ảnh: Anh Tuấn

Năm 2021-2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XIII với đối tượng dự thi là tất cả các em thanh, thiếu niên và nhi đồng trong toàn tỉnh có độ tuổi từ 6 đến 19 tuổi.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các trường học thường xuyên phải dạy và học online nên đã ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng, số lượng giải pháp tham gia ở Cuộc thi lần này. Song Cuộc thi tiếp tục nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên, phụ huynh và các em học sinh.

Theo Ban tổ chức, sau một thời gian tích cực tuyên truyền, phổ biến, đã có hơn 2.000 mô hình, sản phẩm tham gia dự thi, đến cuối tháng 5/2022, Cơ quan thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh đã tiếp nhận được 231 mô hình/sản phẩm từ Ban Tổ chức Cuộc thi các huyện, thành phố tham gia dự thi ở 5 lĩnh vực gồm: Các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; đồ dùng dành cho học tập; sản phẩm thân thiện với môi trường; phần mềm tin học. Nhìn chung các mô hình/sản phẩm tham dự Cuộc thi lần thứ XIII rất đa dạng, có khả năng ứng dụng cao vào thực tế cuộc sống.

Qua lựa chọn và chấm giải, Ban tổ chức Cuộc thi đã công nhận và trao giải cho 63 mô hình/sản phẩm. Các mô hình, giải pháp đạt giải đều đảm bảo các tiêu chí Cuộc thi là tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng trong thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Từ các vật liệu, nguyên liệu sẵn có, các phế liệu trong sinh hoạt hàng ngày, các em đã sáng tạo và tận dụng, cải tiến thành các vật dụng, mô hình hữu ích, thiết bị tự động hóa, mô hình thông minh. Trong đó có nhiều mô hình có tính ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Tiêu biểu là Mô hình "Hệ thống cảnh báo, giám sát giao thông thông minh tại các điểm giao cắt nguy hiểm" của em Phạm Thanh Tùng, Hoàng Tiến Đạt, học sinh lớp 12A, Trường THPT Hoa Lư A đã đạt giải nhất. Mô hình có khả năng phát hiện các phương tiện từ mọi hướng đi đến mà không bỏ sót, giúp cho người tham gia giao thông biết rõ sắp có xe từ các hướng đang đến để chủ động phòng tránh các nguy cơ xảy ra tai nạn.

Phạm Thanh Tùng đã cùng với người bạn của mình là em Hoàng Tiến Đạt có ý tưởng sáng tạo ra hệ thống cảnh báo, giám sát giao thông thông minh tại các điểm giao cắt nguy hiểm. Em Hoàng Tiến Đạt cho biết: Hiện số phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều, trong khi đó có một số người dân tham gia giao thông ý thức chưa cao nên thường xuyên xảy ra tai nạn tại các điểm giao cắt nguy hiểm. Xuất phát từ thực tế đó, hai em đã đưa ra ý tưởng xây dựng hệ thống cảnh báo giám sát giao thông thông minh tại các điểm giao cắt nguy hiểm để nhằm hạn chế tối đa việc xảy ra tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt nguy hiểm.

Mô hình được xây dựng bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin với các thiết bị cảm biến điều khiển tự động để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải. Mô hình kết cấu gồm các phần phát hiện phương tiện, thu thập dữ liệu về chuyển động; xử lý dữ liệu, cảnh báo giám sát.

Mô hình được đánh giá có tính mới, tính sáng tạo, sản phẩm được tích hợp nhiều tính năng trên cùng một hệ thống. Hoạt động hoàn toàn tự động, thông minh, phát hiện được chính xác các xe đi đến điểm giao cắt và đưa ra được tín hiệu đèn cảnh báo an toàn. Tích hợp cả tính năng đo tốc độ để giám sát việc đi quá tốc độ bằng cách chụp hình ảnh gửi về trực ban. Sản phẩm được chế tạo từ những linh kiện có sẵn, giá thành rẻ, an toàn khi sử dụng. Đặc biệt mô hình có khả năng ứng dụng cao, áp dụng tại các điểm giao cắt nguy hiểm…

Hay như mô hình "Thư viện tự động thông minh 4.0" của nhóm tác giả Bùi Cẩm Vân, Nguyễn Thành Nam, học sinh Trường THPT Yên Khánh B đã đạt giải nhì tại cuộc thi.

"Thư viện tự động thông minh 4.0" quản lý chính xác các đầu sách hiện có trong thư viện, các đầu sách đã cho mượn hết trong thư viện. Lưu thông tin người mượn sách, ngày giờ cho mượn, hạn trả sách. Hệ thống mượn - trả sách vào ra kệ sách hoàn toàn tự động thông qua rô bốt, thay thế cho lao động thủ công, sử dụng mã barcode để quản lý thư viện. Sản phẩm có tính công nghệ tự động cao, ứng dụng được các sản phẩm công nghệ hiện có trên thị trường, giúp cho công việc thủ thư hiệu quả, chính xác, giảm thiểu sức lao động trong công việc.

Hiện tại công việc thủ thư tại các trường cần một số lượng lớn nhân công, nếu giải pháp được áp dụng sẽ giảm bớt được nhân công thư viện, giảm được sức lao động của thủ thư trong việc lấy sách ra cho mượn, trả sách vào giá khi hoàn tất việc mượn sách. Đồng thời, giải pháp giúp cho việc kiểm đếm số đầu sách, số lượng sách hiện có trong hệ thống một cách nhanh chóng, thuận tiện. Mô hình áp dụng công nghệ hiện đại, dễ dàng lắp đặt, sử dụng và cài đặt. Các trang thiết bị dễ dàng thay tháo, sửa chữa khi cần thiết.

Đây là 2 trong số 63 mô hình/sản phẩm được lựa chọn từ trên 2.000 sản phẩm để trao giải tại Cuộc thi lần thứ XIII. Đó là kết quả của quá trình dạy và học của các nhà trường, sự đam mê khoa học của các em học sinh.

Đặc biệt, để các em có được những giải pháp hoàn chỉnh tham dự cuộc thi, phải kể đến công sức của các thầy giáo, cô giáo đã hướng dẫn và sự giúp đỡ tạo điều kiện của nhà trường. Chính các thầy cô là người lắng nghe, nắm bắt ý tưởng của các em học sinh ngay từ đầu; từ đó hướng dẫn các em tìm tài liệu tham khảo, lên thiết kế mô hình và thực hiện hoàn chỉnh. Qua đó, cả thầy và trò đều có cơ hội trải nghiệm phương pháp giáo dục STEM, vận dụng lý thuyết khoa học vào thực tiễn cuộc sống; đào tạo rèn luyện thế hệ trẻ năng lực sáng tạo và có tư duy phản biện, độc lập trong khoa học.

Trao đổi về chúng tôi về kết quả cuộc thi, ông Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Cuộc thi cho biết: Cuộc thi năm nay cơ bản giữ được phong trào, số lượng tăng lên, các mô hình, sản phẩm có hình thức đẹp hơn. Nét nổi bật so với những cuộc thi trước là sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã được các em tiếp cận và vận dụng tốt, trong đó có một số mô hình liên quan đến công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đã thiết kế được một số trang web phục vụ cho phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh rất tốt.

Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình đã trở thành sân chơi bổ ích cho các em yêu khoa học, từ đó phát hiện và bồi dưỡng tài năng công nghệ trẻ, tạo ra các sản phẩm thực tế, giải quyết các vấn đề xã hội.

Tiến Đạt

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/san-choi-bo-ich-cho-thieu-nien-nhi-dong/d20220928152440365.htm