'Sân chơi chữ' ư?

'Beat selection của em rất tốt'; 'Welcome to Rap Việt'; 'em có một cái background rất là thú vị'; 'vào team nào thì push team đó rất nhiều'; 'cái cách mà em delivery'…. và còn rất nhiều từ khác nữa như 'attitude'; 'commercial'; 'flashy'; 'flow'… là những thứ đang được thản nhiên nói ra trên sân chơi Rap Việt mùa 3.

Bất chấp những góp ý từ truyền thông suốt nhiều năm qua, nhà sản xuất chương trình đã thoải mái để các nhân vật giải trí muốn nói theo cách nào thì nói ở trên truyền hình. Mỉa mai thay, đó lại là một sân chơi mà họ đang giương cao ngọn cờ đầy ý nghĩa là “sân chơi của cộng đồng Rap Việt”, “đưa âm nhạc Việt Nam ra quốc tế” vv và vv…

Thực tế, trong ngôn ngữ thường ngày, có khá nhiều từ tiếng nước ngoài, đặc biệt là từ chuyên môn, chưa thể tìm ra cách dịch ngắn gọn, đủ ý nghĩa nhất, dễ hiểu nhất sang tiếng Việt nên do đó, việc sử dụng tiếng nước ngoài là bắt buộc. Nhưng các từ tiếng nước ngoài đang được chen vào một cách đầy “thuận miệng” trên các chương trình giải trí, đa số hoàn toàn có thể dịch ra tiếng Việt.

“Beat” là một từ chưa thể dịch một cách toàn ý nên nhiều người vẫn thừa nhận nó, và có thể sau này “beat nhạc” sẽ được xem như một từ Việt có yếu tố du nhập từ bên ngoài như kiểu “tuốc nơ vít” hay “cờ lê” ngày xưa. Nhưng “flow” thì hoàn toàn có thể dịch sang tiếng Việt, với từ “mạch”. Mạch văn, mạch thơ, mạch nhạc là những từ dễ hiểu. Vậy thì “Rap Flow” có thể được dịch là “mạch rap” quá đi chứ. Song, một khi ngay cả những từ có thể nói bằng tiếng Việt một cách dễ dàng như “thái độ” (attitude), “xuất thân” (background), “đội”/ “nhóm” (team), “thúc đẩy”/ “kích thích” (push)… còn được dùng một cách vô tội vạ thì việc tìm kiếm phương án dịch những từ chuyên môn như “flow” e rằng quá xa xỉ với những nhân vật giải trí hay nhà sản xuất chương trình - Công ty Vie Channel, đơn vị thuộc Tổ hợp truyền thông Đất Việt.

Đặc thù thú vị của Rap chính là khả năng chơi chữ và cách gieo vần theo phách của những nghệ sĩ Rap. Vần đôi, vần 3, nói lái, ẩn dụ… là cách mà mỗi nghệ sĩ Rap khẳng định khả năng, vị thế của mình. Trong bản “Nấu ăn cho em” mới ra mắt của Rapper Đen Vâu, câu “đội trên đầu là đóa mây trắng” có gieo vần đôi với câu “môi thì cười và má hây nắng” ở cặp “mây trắng” - “hây nắng”. Hay như ở “Lối nhỏ”, Đen Vâu cũng gieo vần ba với cặp “nhiều cây cối” - “chiều tay với”. Chính năng lực chơi chữ này là một phần không hề nhỏ trong việc một rapper được cộng đồng yêu mến đến nhường nào và được chính các đồng nghiệp có chuyên môn tôn trọng ra sao. Khi đã dõng dạc nhận mình là “Rap Việt”, khi đã tự hào rap bằng tiếng Việt, chơi chữ bằng tiếng Việt mới là thứ định hình cái chất Việt nhất đối với một nghệ sĩ rap.

Quay lại với “Rap Việt mùa 3”, chúng ta có thể ngờ vực về việc nó có đúng nghĩa là sân chơi chữ tiếng Việt hay không khi mà nhược điểm cố hữu của 2 mùa trước là “loạn xà ngầu” tiếng Anh trong đối đáp của huấn luyện viên với giám khảo, thí sinh cũng như MC vẫn chưa được giải quyết triệt để? Chắc chắn, sẽ có ý kiến bao biện cho rằng “văn hóa hip-hop nó thế” hoặc “giới trẻ ngày nay thạo tiếng Anh, nói tiếng Anh nhiều nên thành quen”.

Đúng, thế hệ trẻ được đầu tư tốt nên đã quen với ngoại ngữ hơn thế hệ trước rất nhiều và chuyện trẻ học trường quốc tế thậm chí không nói sõi tiếng Việt cũng dần phổ biến. Nhưng hãy nghĩ đến cái gốc gác văn hóa của dân tộc là gì để đừng thờ ơ với những thứ đang được tạo thành thần tượng trên sóng. Hôm nay, ta có thể ngạc nhiên, lạ lẫm khi thấy những đứa trẻ Việt nói tiếng Anh với cha mẹ ở một tiệm ăn nhanh nào đó nhưng nhiều năm nữa, ta sẽ đau lòng nếu như có những thế hệ người Việt không còn nói tiếng Việt nữa.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/san-choi-chu-u--i696096/