Sân chơi đỉnh cao của bóng đá phong trào

Hành trình chuyên nghiệp hóa sân chơi bóng đá phong trào ở Hà Nội thấm thoắt đã bước sang năm thứ 6. Khó có thể kể hết nỗ lực của những người trong cuộc để duy trì hệ thống giải một cách bài bản, tạo nên sân chơi bóng đá hấp dẫn và ý nghĩa.

Không phải ngẫu nhiên Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Nội Phan Anh Tú đã nhiều lần tỏ ý đánh giá rất cao hệ thống giải bóng đá phong trào do Công ty cổ phần Bóng đá Việt (Vietfootball) khởi xướng. Bước sang năm thứ 6, hệ thống giải đã hình thành 3 hạng đấu, gồm Giải Ngoại hạng (Hanoi Premier League), Giải hạng Nhất (Hanoi League 1) và Giải hạng Nhì (Hanoi League 2). Với tiêu chí chuyên nghiệp hóa nhưng vẫn bảo toàn tính chất, nét đặc sắc của bóng đá phong trào, hệ thống giải đấu này không chỉ là sân chơi đỉnh cao của bóng đá phong trào tại Hà Nội và khu vực phía Bắc, mà còn trở thành hình mẫu được nhiều địa phương học hỏi, áp dụng.

Nói về Giải Bóng đá phong trào Ngoại hạng lần thứ 6 - năm 2018, ông Phan Anh Tú nhấn mạnh: "Các cầu thủ tham gia giải đa phần là cầu thủ nghiệp dư, nhưng quy trình tổ chức giải thực sự rất bài bản. Giải có sự hỗ trợ về chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Liên đoàn Bóng đá Hà Nội. Các trọng tài đều do Ban Trọng tài bóng đá Hà Nội điều phối. Công tác an ninh được bảo đảm nhờ đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp. Đây là giải đấu phong trào đầu tiên ở Việt Nam có được bản quyền truyền hình".

Với sự vào cuộc của Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab), Giải Bóng đá phong trào Ngoại hạng năm 2018 được phát sóng trên các kênh sóng và nền tảng truyền dẫn của VTVcab. Mùa bóng này, App "On Sports" chính thức phát sóng các trận đấu của giải trên nền tảng di động.

Về công tác an ninh, ông Dương Thanh Liêm, thành viên Ban Tổ chức giải cho biết: "Ban Tổ chức chủ động thuê các đơn vị bảo vệ chuyên nghiệp. Giải đấu diễn ra vào các buổi chiều thứ bảy và chủ nhật tại Sân vận động Học viện An ninh (C500 - Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) từ ngày 13-10 đến cuối tháng 12-2018, mỗi vòng đấu có 6 trận, vì vậy, Ban Tổ chức đã đề nghị Ban Giám hiệu Học viện An ninh hỗ trợ công tác tổ chức, bảo đảm an toàn".

Theo ông Dương Thanh Liêm, vấn đề lớn nhất mà Ban Tổ chức phải đối mặt là... lượng khán giả quá đông, trung bình 5.000-7.000 người/trận, phần nào khiến sân C500 bị quá tải. Những năm qua, khó có thể kể hết khó khăn mà nhà tổ chức phải vượt qua, đặc biệt là về kinh phí tổ chức giải. "Một phần kinh phí do chúng tôi đóng góp, một phần do Ban Tổ chức huy động tài trợ, phần nữa do các câu lạc bộ dự giải đóng lệ phí thi đấu. Có khán giả đề nghị giấu tên đã bỏ tiền túi hàng trăm triệu đồng ủng hộ chi phí sản xuất, phát sóng trên YouTube để nhiều người được xem trực tiếp các trận đấu" - ông Dương Thanh Liêm cho biết.

Khó khăn lớn trong quá trình chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức là giải đấu càng phát triển thì yêu cầu về nguồn lực tài chính càng cao. Mùa giải Hanoi Premier League 2018, Ban Tổ chức đã nỗ lực thuyết phục hơn 20 doanh nghiệp đồng hành, nhờ vậy, hệ thống giải thưởng được nâng cao (giải Nhất 200 triệu đồng, giải Nhì 40 triệu đồng, giải Ba 20 triệu đồng, giải Phong cách 20 triệu đồng...).

Với việc cam kết đồng hành lâu dài cùng giải, VTVcab cũng chủ động đầu tư trang thiết bị sản xuất chương trình với kinh phí hàng tỷ đồng. Các trọng tài thì coi giải đấu là dịp để rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm trước khi tham gia điều hành tại các giải bóng đá chuyên nghiệp.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/V-League/915052/san-choi-dinh-cao-cua-bong-da-phong-trao