Sân cỏ nhân tạo - thử thách lạ lẫm với các đội bóng ở SEA Games

Tại SEA Games 30, các đội bóng phải thi đấu trên sân cỏ nhân tạo. Điều kiện thi đấu này không chỉ khiến xử lý bóng khó hơn, mà còn khiến cầu thủ dễ dính chấn thương.

Ở buổi trả lời phỏng vấn trước khi lên đường sang Philippines, HLV Park Hang-seo liên tục nhấn mạnh việc thi đấu trên sân cỏ nhân tạo là điều đáng ngại nhất của U22 Việt Nam. Nguyên nhân là các cầu thủ trụ cột từ đội tuyển quốc gia như Trọng Hoàng, Hùng Dũng, Quang Hải và Văn Hậu chưa có nhiều thời gian làm quen với điều kiện thi đấu này.

Khó khăn khi xử lý bóng

Trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Brunei cho thấy nỗi lo của HLV Park là có cơ sở. Các cầu thủ của chúng ta có một số tình huống không theo kịp bóng do chưa quen với tốc độ của nó. Điển hình là pha thoát xuống để đối mặt thủ môn đối phương của Trọng Hùng. Bóng đi hơi nhanh so với đà di chuyển của tiền đạo CLB Thanh Hóa và U22 Việt Nam mất đi một cơ hội ăn bàn.

Trong trận gặp U22 Lào, hậu vệ Hồ Tấn Tài cũng gặp bất lợi vì mặt sân cỏ nhân tạo. Sau đường phất bóng dài của Trần Thanh Sơn, bóng chạm đất rồi lăn nhanh khiến Tấn Tài chỉ kịp tiếp bóng ở sát đường biên ngang. Do đó, tình huống tạt vào trong của anh có chất lượng không tốt.

Trọng Hùng chạm bóng khi thủ môn của U22 Brunei đã băng ra kịp thời. Ảnh: Thuận Thắng.

Những khó khăn kể trên không xảy ra một cách ngẫu nhiên.

Trung tâm Khoa học California thực hiện một nghiên cứu về tốc độ quả bóng lăn trên sân cỏ nhân tạo và sân cỏ tự nhiên. Ở cùng điều kiện thời tiết và lực tác động, thời gian bóng lăn trên sân cỏ nhân tạo là gần gấp đôi. Độ nảy của bóng trên sân cỏ nhân tạo cũng nhiều hơn 10%. Sau đó, họ kết luận rằng các cầu thủ cần điều chỉnh lối chơi của mình để phù hợp với mặt sân cỏ nhân tạo.

"Bóng lăn trên mặt sân nhân tạo nhanh hơn rất nhiều nên khó kiểm soát được tốc độ. Ngoài ra, việc xoay xở cũng không đơn giản", trung vệ Đình Trọng chia sẻ trên sóng truyền hình.

"Phần nền của sân cỏ nhân tạo cứng hơn nhiều so với sân cỏ tự nhiên, do đó, cầu thủ rất khó điều khiển trái bóng theo ý muốn của mình", tiền vệ Thanh Bình của CLB TP.HCM nói. Anh là người có nhiều kinh nghiệm chơi ở mặt sân cỏ nhân tạo khi thi đấu 2 mùa SPL, giải đấu phủi quy tụ các đội mạnh nhất miền Nam.

Tiền vệ Nghiêm Xuân Tú, người nổi danh ở các sân chơi phủi Hà Nội trước khi bén duyên với bóng đá chuyên nghiệp, cũng có cùng nhận định với Thanh Binh. "Sân nhân tạo có mặt sân rất cứng, độ nảy cao hơn và đặc biệt là các đường bóng sẽ trôi hơn sân tự nhiên", cầu thủ của Than Quảng Ninh nói.

Nhiều danh thủ trên thế giới như David Beckham, Frank Lampard, Andrea Pirlo, Zlatan Ibrahimovic, Didier Drogba từng từ chối chơi bóng trên mặt sân cỏ nhân tạo vì nó khiến họ không thoải mái. Mặt cỏ tự nhiên cho phép các cầu thủ kiểm soát tốc độ khi cần thiết. Khi đó, họ có thể tập trung vào việc kiểm soát bóng, dẫn đến việc chuyền hoặc sút xa chính xác hơn. Trên mặt sân cỏ, quả bóng sẽ có độ nảy tự nhiên và giúp cầu thủ dễ khống chế sau một đường chuyền dài.

Những mảnh cao su trên mặt sân cỏ nhân tạo cũng có thể gây ra chấn thương cho các cầu thủ. Ảnh: Thuận Thắng.

Tăng nguy cơ chấn thương

"Nỗi lo lớn nhất khi thi đấu trên sân cỏ nhân tạo là chấn thương. Đặc biệt là các chấn thương liên quan đến cổ chân", tiền vệ Huỳnh Như, đội trưởng tuyển nữ Việt Nam chia sẻ.

Phần nền đất của sân cỏ nhân tạo cho phép các cầu thủ thoải mái dừng và chuyển hướng đột ngột để đánh lừa đối phương. Nhưng với sân cỏ nhân tạo, họ phải thận trọng khi thực hiện những tình huống tương tự. Một chấn thương dây chằng hoặc lật cổ chân có thể đến bất cứ lúc nào. Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chấn thương dây chằng tăng 45% trên sân cỏ nhân tạo.

"Tăng tốc hay chuyển hướng vẫn được, nhưng nếu thực hiện nhiều thì cổ chân và gối phải sử dụng nhiều những lần trụ phanh gấp, xoay cổ chân đổi hướng nên sẽ rất khó. Cầu thủ đá sân này sẽ bị mỏi gối, cổ chân và lưng. Do đó, đá sân cỏ nhân tạo xong phải tích cực hồi phục tránh việc bị mỏi ở các trận sau", tiền vệ Nghiêm Xuân Tú nói.

Đây có thể là lý do để HLV Park Hang-seo chọn Hùng Dũng và Trọng Hoàng cho 2 suất trên 22 tuổi dự SEA Games 30. Họ đều là mẫu cầu thủ có thể lực và khả năng phục hồi tốt.

Những vết trầy xước của các cầu thủ U22 Campuchia sau trận đấu với đội chủ nhà U22 Philippines. Ảnh: Liên đoàn Bóng đá Campuchia.

Các mảnh cao su trên sân cỏ nhân tạo cũng dễ gây ra các vết trầy xước cho các cầu thủ. Sau trận hòa 1-1 với U22 Philippines, nhiều thành viên của U22 Campuchia gặp phải tình trạng này. Những vết thương như thế này sẽ không ảnh hưởng đến khả năng thi đấu nhưng nó cũng khiến họ không thoải mái.

Những mảnh cao su cũng khiến nhiệt độ trên sân cỏ nhân tạo tăng lên. So với nhiệt độ ngoài trời, nhiệt độ trên mặt sân cao hơn khoảng 10 độ C. Điều đó có nghĩa là các cầu thủ U22 Việt Nam phải chơi trên mặt sân có nhiệt độ từ 40 độ C.

Để chơi tốt trên mặt sân cỏ nhân tạo, các cầu thủ cần chuẩn bị thật tốt về các dụng cụ hỗ trợ thi đấu như băng quấn gối, giày đinh tròn... HLV Park cũng chia sẻ rằng ông dặn dò các học trò rất kỹ về vấn đề này trước khi lên đường chinh phục tấm HCV SEA Games.

U22 Việt Nam tập luyện ở mặt sân màu xanh nước biển 10h sáng 27/11 (giờ địa phương), U22 Việt Nam có buổi tập chuẩn bị cho trận gặp U22 Lào tại SEA Games 30 tại sân tập Circuit Makati.

Nguyên Khang

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/san-co-nhan-tao-thu-thach-la-lam-voi-cac-doi-bong-o-sea-games-post1018126.html