Săn cua đá nơi biển Tây

Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ tháng 5, tháng 6 nhiều ngư dân ở vùng ven biển Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… lại bắt đầu bước vào mùa săn cua đá. Nếu như cua biển thương phẩm được bày bán khắp nơi và quen thuộc với nhiều người thì cua đá hiếm hơn, gần như chỉ đánh bắt trong tự nhiên. Tuy nhiên, đó cũng là nguyên nhân khiến nghề săn cua đá được nhiều người chọn lựa bởi đem lại nguồn thu nhập khá cao.

Đặc sản nơi đảo gần

Chỉ cách đất liền hơn chục cây số, ngồi uống cà phê ở thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), người ta cũng có thể nhìn khá rõ đảo Hòn Tre, tức xã Hòn Tre (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) như một ngọn núi khổng lồ nhô lên mặt biển. Cùng với các đảo Hòn Nghệ hay Bà Lụa, đây là những đảo gần ven bờ, cư dân nhiều nơi sinh sống đông đúc. Hàng ngày, hàng chục chuyến tàu ghe từ đất liền ra vào đảo, mang theo nhu yếu phẩm phục vụ cư dân trên đảo. Từ tàu cao tốc phục vụ khách du lịch cho tới ghe tàu nhỏ của ngư dân nghề biển. Ở chiều ngược lại, gần như các ghe quay vào bờ đều mang theo một đặc sản nổi tiếng của Hòn Tre, đó là cua đá. Ông Trần Văn Hoành, 63 tuổi ngụ tại xã Hòn Tre, người làm nghề bắt cua đá lâu năm cho biết, đây là loài cua có rất nhiều ở đảo. “Mùa bẫy cua thường bắt đầu từ tháng 5, tháng 6 khi mưa bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, cua ngon nhất là tầm tháng 8, tháng 9 vì lúc này chúng lớn nhất, chuẩn bị thay vỏ. Cua đá đảo Hòn Tre được người dân trong vùng ưa chuộng bởi chúng to, béo và thịt thơm. Mấy ngày nay tôi cùng thằng con út đã đi đặt bẫy cua rồi. Nhiều con nhỏ mình thả lại biển, qua tháng bắt tiếp. Cua lớn chưa nhiều, mỗi ngày cha con kiếm được chừng 5-6 kg thôi. Thương lái họ mua cua ở đây giá chỉ 70 ngàn đồng/kg. Nếu chạy ghe vào Rạch Giá thì giá bán được 100 ngàn/kg”, ông Hoành kể. Theo ông Hoành, cua đá vừa là tên gọi, vừa là đặc thù của loại cua sinh sống ở biển này. Chúng chỉ sống ở các khe đá, hang đá nằm sâu dưới đáy biển, khi mùa mưa mới ra ngoài đi kiếm ăn.

Cũng theo người ngư dân này, có nhiều cách để săn bắt cua đá như đặt lọp bẫy, lặn tìm bắt hay lưới. Trong đó bẫy là ngư cụ được ngư dân ở Hòn Tre chọn lựa nhiều nhất là lọp bẫy. Đây là loại ngư cụ thiết kế dạng hình hộp, nhìn như chiếc bẫy chuột cỡ lớn có khung bằng thép và lưới đan kín, có cửa để cua di chuyển vào. Trong lọp thường đặt sẵn một chút mồi là cá nhỏ để dụ cua vào. Lọp cua thường được đặt cố định ở một vài khu vực mà ngư dân quen thuộc địa hình. “Cua đá ở Hòn Tre này nhiều lắm nhưng đặc tính của chúng là hay sống ở nơi gềnh đá, sóng lớn. Những nơi bờ biển có bãi cát êm thì cua không bao giờ ở. Chính vì thế đặt bẫy cua cũng phải chọn các gềnh đá dựng đứng, có nhiều khe và sóng lớn. Mà những chỗ này thì lại nguy hiểm, nếu không quen rất khó tiếp cận. Ngay cả cách đặt và ghim lọp cho chúng không bị sóng cuốn cũng cần có kinh nghiệm. Thường mỗi lọp chỉ có 1 con cua thôi, bởi khi thấy cua trong lọp rồi thì con khác sẽ không chui vào nữa”, ông Hoành chia sẻ thêm.

Cũng gắn bó với nghề săn cua đá là vợ chồng chị Liên, 31 tuổi. Chị Liên kể, hai vợ chồng chị ở trong xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang nhưng ra đảo này sống từ hồi dịch Covid-19. “Trước kia vợ chồng em đi làm công nhân nhưng hồi dịch nghỉ ở nhà, ra thăm người quen ở Hòn Tre này. Thấy cuộc sống ở đây dễ chịu nên mướn nhà ở lại luôn. Tùy theo mùa biển mà đánh bắt thôi, mùa này thì đi săn cua đá như người ta. Cua giờ bán giá cao hơn cá, mực. Có ngày hai vợ chồng gỡ được hơn chục ký cua, bán kiếm vài trăm ngàn nên cũng dễ sống. Tối đi thả lợp, sáng bắt đầu gỡ lên. Mà cua đá dễ bán lắm. Thương lái ngày nào cũng đi tàu cao tốc ra đây gom. Cua đá không bự như cua nuôi thương phẩm nhưng chất lượng ngon hơn nhiều”, chị Liên so sánh. Theo chị Liên, bẫy cua đá bằng lọp không vất vả nhưng lại tốn chi phí mua bẫy. Mỗi chiếc bẫy giá tới 60 ngàn đồng. Chừng hai năm là phải thay bẫy một lần vì lưới dễ mục rách khi ngâm dưới nước hoặc bị cua phá rách. Ngoài ra, ngư dân cũng có thể bắt cua đá bằng cách lặn xuống các vách, khe đá ven đảo. Tuy nhiên việc này nguy hiểm, ít người đủ kinh nghiệm để lặn cua. Vừa nghe chị Liên kể, chúng tôi vừa quan sát kỹ những chú cua đá đang nằm im, chồng lên nhau trong chiếc thùng nhựa cũ. Với kích cỡ bằng nắm tay người lớn, cua đá có lớp vỏ bề ngoài thô ráp và chiếc càng bự, ngắn cụp lại. So với cua biển thương phẩm, cua đá nhỏ hơn nhưng không bị lẫn. Cua có màu xám như màu đá đặc trưng.

Vợ chồng chị Liên đang chèo ghe đi gỡ lọp cua.

Tạo sinh kế cho ngư dân nghèo

Vùng biển Tây Nam của Tổ quốc dài chừng 300km ven biển, từ vùng mũi Cà Mau chạy ngược lên phía Tây tới mũi Hà Tiên, với đặc thù địa hình nhiều đảo nằm gần ven bờ và cửa sông. Những năm gần đây, nghề biển, nhất là nghề đánh bắt xa bờ đang ngày càng khó khăn vì chi phí nhiều. Chính vì thế, với những ngư dân nghèo ở các đảo nằm gần bờ và vùng ven bờ cửa sông, việc săn cua đá hay một vài hải sản có giá trị khác đang là cứu cánh của nhiều người. Với thu nhập vài trăm cho tới nửa triệu đồng mỗi ngày, công việc săn cua đá được nhiều người chọn lựa.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi thì không chỉ có ngư dân ở Hòn Tre, thời gian này rất nhiều ngư dân ở vùng Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang) hay U Minh, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời (Cà Mau) cũng tham gia đánh bắt cua đá. Nếu những ngư dân ở ngoài đảo săn cua đá nơi ghềnh đá thì những ngư dân trong đất liền tìm kiếm cua ở vùng cửa biển, ven sông. Những nơi có gốc trang, gốc bần… nhiều rễ, hang là nơi cua rất hay tập trung về. Dù địa điểm có sự khác biệt nhưng cách đánh bắt cua đá cũng không thay đổi, hầu hết sử dụng bẫy lọp có mồi để dụ cua. Rất nhiều cánh rừng ngập mặn ven biển ở xứ U Minh Thượng và U Minh Hạ là “thế giới” dành cho những người săn cua đá. Thậm chí so với cua đá sống trong hang, ghềnh dưới đáy biển thì cua đá ở rừng ngập mặn còn lớn hơn, có giá trị kinh tế cao hơn. Tất nhiên việc săn bắt cua đá trong rừng ven biển khó khăn và vất vả hơn, chủ yếu là phương pháp thủ công thay vì đặt bẫy như ngoài đảo.

Ông Hoành gỡ lọp cua đá ở Hòn Tre.

Anh Hai Tèo, 51 tuổi, một chủ thu mua cua đá ở thị trấn Ba Hòn (huyện Kiên Lương, Kiên Giang) cho biết, mỗi ngày anh thu mua khoảng hơn trăm ký cua. “Nhiều ngư dân ở Bình An, Ba Hòn họ mang cua tới vựa của tôi bán. Mùa này chưa nhiều đâu. Qua tháng nữa có ngày tôi thu tới 200 kg cua. Nhiều nhà hàng quán ăn trên Rạch Giá, Cần Thơ hay TPHCM cũng đặt mua. Gần đây nhiều mối hàng có nhu cầu chỉ mua càng cua, thế nên tôi phải sơ chế, chỉ lấy đôi càng cua đóng gói gửi cho khách. Riêng thân cua thì bán cho mấy chủ nuôi tôm càng, nuôi cua thương phẩm xay ra làm thức ăn hoặc có vựa làm mắm cua. Mắm cua đá ngon hơn mắm ba khía”, anh Hai Tèo cho biết.

Là đặc sản bình dân và được nhiều người biết tới, cua đá vùng ven biển miền Tây Nam bộ đang trở thành một đặc sản được người dân, khách du lịch ưa chuộng. Và đằng sau đó cũng giúp cho nhiều cư dân nghèo ven biển nơi đây có thêm sinh kế gắn liền với vùng biển quê hương.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/san-cua-da-noi-bien-tay-5718387.html