Sân khấu kịch TP.HCM: Bỏ thì thương vương thì tội

Thực trạng vắng khách, bù lỗ tại các sân khấu kịch nói TP.HCM đã được các nghệ sĩ than thở suốt nhiều năm qua. Khi bài toán chưa có lời giải thì các nghệ sĩ vẫn đang gồng mình mỗi ngày để giúp sân khấu sáng đèn.

Chỉ sống được vào mùa Tết

Trao đổi với PV, NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ TPHCM (sân khâú5B) tâm sự: “Sau 6 tháng mở cửa trở lại, sân khấu vẫn phải bù lỗ bằng cách vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau, kiếm tài trợ vì không bán được vé”.

“Thay vì diễn hằng ngày, sân khấu chúng tôi diễn định kỳ dịp cuối tuần. Trong mùa mưa này, những hôm thời tiết mưa gió thì lượng khách giảm hẳn. Đó cũng là những khó khăn chung của các sân khấu hiện tại”, bà bầu Mỹ Uyên cho biết.

Tình trạng này cũng là trăn trở của NSND Hồng Vân. Vì chi phí thuê mặt bằng quá cao và không bán được vé, suýt nữa thì NSND Hồng Vân phải đóng cửa sân khấu SuperBowl vào đầu năm nay. “Tôi cũng không biết cầm cự được đến khi nào thì phải đóng cửa”, NSND Hồng Vân cho hay.

Nghệ sĩ Mỹ Uyên và Quý Bình trong vở "Gương mặt kẻ khác"

Nghệ sĩ Mỹ Uyên và Quý Bình trong vở "Gương mặt kẻ khác"

Chọn một phong cách đặc trưng là tâm lý xã hội, sân khấu Hoàng Thái Thanh của NSƯT Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như cũng chịu cùng hoàn cảnh với đồng nghiệp. Nghệ sĩ Ái Như bày tỏ: “Sân khấu do NSƯT Thành Hội và tôi cùng nhau góp vốn thành lập và tồn tại được 8 năm. Suốt 8 năm qua, chúng tôi chưa lấy lại được số vốn bỏ ra. Chúng tôi quá đam mê nên vẫn cố gắng duy trì sân khấu, dù phải bù lỗ để sống với nghề”.

Đạo diễn Ái Như cho biết thêm: “Chi phí hàng đêm cho mặt bằng, cát-xê của nghệ sĩ, nhân viên sân khấu là những con số cố định. Nếu may mắn, chúng tôi có 140 khán giả mua vé đến xem thì sẽ không phải bù lỗ, chưa kể đến việc hoàn vốn. Tuy nhiên, một đêm diễn dưới 100 vé là thường xuyên. Còn dưới 50 vé chúng tôi không thể cho sân khấu sáng đèn nổi”.

Nghệ sĩ Ái Như trong vở "Bao giờ sông cạn"

May mắn hơn, sân khấu Idecaf với thương hiệu kịch thiếu nhi nên vẫn còn sức hút với khán giả, tình hình kinh doanh hòa vốn. Giới bầu sô sân khấu kịch nói TP.HCM nhận định, mỗi năm sẽ có 4 tháng rơi vào “điểm ế” là tháng 10, 11 và tháng 3, 4, tức là những tháng trước và sau Tết Dương lịch rồi âm lịch. Vì thế, sân khấu chỉ thực sự sống trong mùa kịch Tết. Chuyện cầm cự qua ngày đang được tính toán thế nào cho hợp lý, khi không ít sân khấu phải chịu cảnh trả vé vì không đủ khán giả.

Chờ được giúp không bằng tự mình thay đổi

Trước thực trạng ngày càng khó khăn đó, hội Sân khấu TP.HCM cũng bất lực khi tiếng nói đòi quyền lợi được quan tâm vẫn chưa được các cấp lãnh đạo lắng nghe và hành động.

Đạo diễn, biên kịch Huỳnh Tuấn Anh nhận xét: “Muốn vực dậy các sân khấu kịch nói TP.HCM, quan trọng nhất vẫn là sự đoàn kết giữa các bên với chiến lược rõ ràng. Chiến lược này cần chú trọng giải quyết từng khâu nhỏ như kinh phí, địa điểm biểu diễn, đánh giá nội dung vở diễn,…Thậm chí, nếu muốn kéo khán giả đến sân khấu thì công tác quảng cáo, marketing cần được thay đổi. Vì nếu TP.HCM không còn sân khấu kịch nói thì sẽ là sự bất hạnh, thiệt thòi cho đời sống văn hóa của người dân”.

Thạc sĩ Phạm Phương Thùy và đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh

Cùng quan điểm, thạc sĩ Phạm Phương Thùy, chuyên gia Marketing văn hóa nghệ thuật đánh giá chi tiết hơn: “Yếu tố đầu tiên để quyết định sự ăn khách của sản phẩm văn hóa nghệ thuật chính là chủ đề, nội dung. Khán giả sẽ đến xem vở kịch đó nếu họ thấy bản thân mình trong đó. Thứ 2 là giá vé. Suy đến cùng, người ta chỉ thưởng thức văn hóa khi đời sống vật chất được đảm bảo. Điều này đòi hỏi các sân khấu kịch phải tìm hiểu mức sống, khả năng chi trả của đối tượng khách hàng mà sân khấu hướng đến”.

Cũng theo bà Phương Thùy, hầu hết các tổ chức văn hóa nghệ thuật đều hạn chế trong việc phân phối sản phẩm. Muốn tạo điều kiện cho khán giả tiếp cận và mua vé, sân khấu cần mở rộng các hình thức phân phối như bán vé qua điện thoại, bán vé qua website,...

“Cuối cùng là khâu truyền thông. Các đơn vị văn hóa tư nhân đa phần có sự đầu tư cho hoạt động truyền thông. Tuy nhiên, sự đầu tư này vẫn chưa tương xứng và mang lại hiệu quả cao, chưa có tính lâu dài và chiến lược. Nói cách khác, với mỗi vở kịch, sân khấu chỉ làm hoạt động truyền thông cho vở diễn đó, thể hiện sự manh mún, không có tính chiến lược. Nên có những sản phẩm may mắn thì ăn khách, còn lại thì khán giả thờ ơ”, bà Thùy kết luận.

Thành Nhân

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/van-hoa/san-khau-kich-tp-hcm-bo-thi-thuong-vuong-thi-toi-16942.html