Sân khấu trong bối cảnh dịch Covid-19: Dồn sức sáng tạo tác phẩm mới

Cũng như các lĩnh vực hoạt động văn hóa, giải trí khác, giới sân khấu phải tạm dừng tổ chức biểu diễn phục vụ công chúng, nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, công việc sáng tạo của họ không ngừng lại, nhiều nghệ sĩ và đơn vị nghệ thuật lặng lẽ dồn sức cho những tác phẩm mới, sẵn sàng ra mắt khán giả khi mùa dịch qua đi.

Vở tuồng “Tình mẹ” đang được các nghệ sĩ trau chuốt để sẵn sàng phục vụ khán giả.

Bắt tay thực hiện nhiều tác phẩm chất lượng

Những ngày này, khu vực luyện tập của Đoàn Xiếc thú, Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn không ngừng hoạt động chăm sóc và huấn luyện động vật. Nghệ sĩ Bùi Kim Cương vừa say sưa huấn luyện chó, dê… thực hiện động tác đá bóng, nhảy vòng lửa, leo thang một cách thuần thục, vừa chia sẻ, đây là những nhân vật chính trong các tiết mục xiếc mới của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Gần đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có chủ trương thay thế dần xiếc động vật hoang dã bằng xiếc thú nuôi. Vì vậy, các nghệ sĩ khá hào hứng và tích cực luyện tập để những động vật quen thuộc với mọi người có thể thực hiện được nhiều màn biểu diễn bất ngờ, thú vị.

Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, thời gian này, các đoàn biểu diễn đều dừng phục vụ. Song, do đặc thù của nghệ thuật xiếc, những con thú phải được chăm sóc và huấn luyện thường xuyên để thành nếp nên các nghệ sĩ vẫn duy trì luyện tập... Ban lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam cố gắng sắp xếp lịch để nghệ sĩ luyện tập và huấn luyện động vật xen kẽ, tránh đông người, đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn.

Cũng theo Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam đang bắt tay thực hiện dự án “Huyền sử Việt”. Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật, giải trí tổng hợp đưa những truyền thuyết, tích truyện trong kho tàng văn hóa Việt Nam lên sân khấu hiện đại. Dự án bắt đầu với kịch bản về Chử Đồng Tử và Tiên Dung, dự kiến ra mắt vào tháng 9 tới.

Còn Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa dàn dựng xong vở tuồng “Tình mẹ” về cuộc đời cách mạng của đồng chí Lê Viết Thuật, người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đấu tranh của công, nông, binh Vinh - Bến Thủy, góp phần vào thắng lợi của phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931). Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết, thời gian này, các nghệ sĩ tham gia vở diễn đang trau chuốt lại một số cảnh diễn, các diễn viên cũng tích cực tự luyện tập vai thật nhuần nhuyễn để sau khi hết dịch, sẵn sàng biểu diễn phục vụ khán giả, nhất là trong dịp diễn ra các sự kiện chính trị của đất nước trong năm 2020.

Đầu tháng 3-2020, Nhà hát Chèo Việt Nam khai trương vở mới “Thần giữ của” lấy cảm hứng từ tích truyện dân gian, do tác giả Toàn Thắng viết kịch bản, Nghệ sĩ ưu tú Lê Thanh Tùng đạo diễn. Theo Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, do tính chất của bộ môn chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung là cần liên tục luyện tập, trau dồi chuyên môn, nên thời gian này, nhà hát dựng vở mới để nghệ sĩ phát huy. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, ê kíp thực hiện lịch tập riêng từng cảnh, nhằm tránh tình trạng tập trung nhiều người trên sàn diễn.

Tương tự, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ… cũng dành thời gian này để các nghệ sĩ trau dồi chuyên môn, chuẩn bị các tác phẩm mới phục vụ khán giả, nhất là phục vụ thiếu nhi trong mùa hè sắp tới.

Các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn duy trì huấn luyện và tập luyện tiết mục mới. Ảnh: Thúy Hiền

Phát huy tinh thần sáng tạo

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị nghệ thuật sân khấu và bản thân các nghệ sĩ đều tránh tổ chức làm việc đông người, mà phát huy tinh thần sáng tạo riêng. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền chia sẻ, hầu hết thời gian ông đều ở nhà, dồn sức cho việc sáng tác. “Tôi và nhiều đồng nghiệp tận dụng thời gian này để tập trung hoàn thiện các kịch bản dang dở. Bản thân tôi thấy mình làm việc khá hiệu quả, có nhiều thời gian chỉnh sửa, gọt giũa để các kịch bản tốt hơn. Các đơn vị đặt hàng và tác giả cũng có thêm thời gian để xây dựng những tác phẩm chất lượng đem đến cho khán giả”, nhà viết kịch Lê Quý Hiền chia sẻ.

Cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và công cuộc “chống dịch như chống giặc” đầy cam go, thử thách, quyết liệt của toàn dân tộc, là chất liệu quý cho những người sáng tạo sân khấu, nhà viết kịch Lê Quý Hiền tiết lộ, ông đang hình thành ý tưởng sáng tác hai kịch bản về đề tài nóng hổi này, trong đó có kịch bản về những tấm gương tận tâm, hết lòng vì sức khỏe và an toàn cho người dân của các lực lượng.

Trong khi đó, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn thông tin, các đơn vị nghệ thuật không bao giờ đứng yên mà luôn hoạt động theo những cách thức khác nhau. Chẳng hạn, thời gian này, bên cạnh việc hoàn thiện vở “Tình mẹ”, nhà hát cũng đặt hàng sáng tác các kịch bản mới, lên kế hoạch dàn dựng những vở diễn tiếp theo trong năm, tiêu biểu là vở tuồng lịch sử “Khúc Thừa Dụ”. Ngoài ra, đơn vị cũng vận động các nghệ sĩ tích cực tự luyện tập, sáng tạo tiết mục để tham gia cuộc thi “Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020”, dự kiến diễn ra trong tháng 9 tới.

Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng cũng chia sẻ, bên cạnh những dự án dài hơi, đầu tư công phu và huy động lực lượng lớn tham gia, Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn xây dựng các chương trình biểu diễn xiếc, tạp kỹ để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, giải trí của công chúng khi dịch Covid-19 được đẩy lùi.

Với nỗ lực âm thầm sáng tạo của các đơn vị và nghệ sĩ sân khấu, chắc chắn, khi mùa dịch qua đi, khán giả sẽ được đón nhận những tác phẩm mới mẻ và chất lượng.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/962623/san-khau-trong-boi-canh-dich-covid-19-don-suc-sang-tao-tac-pham-moi