Săn lùng tín hiệu sự sống ngoài hành tinh

Cuộc săn lùng các tín hiệu sự sống ngoài Trái đất đang phát triển thành ngành khoa học riêng.

Chương trình SETI săn lùng sự sống ngoài hành tinh.

Đây là tin vui đối với Viện SETI (Tìm kiếm sinh vật thông minh ngoài Trái đất - Search for Extra - Terrestrial Intelligence, thành lập năm 1984 tại California, Mỹ).

SETI cũng vừa thông báo về hợp tác với Chương trình Kính viễn vọng không gian TESS (tìm kiếm các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA.

Hai phát hiện quan trọng

Kính viễn vọng không gian TESS được NASA phóng vào vũ trụ năm 2018, trong khuôn sáng kiến của Breaktrough Listen – một dự án tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất do nhà tỷ phú Nga Yuri Mil tài trợ.

Lúc đầu, trải qua nhiều năm, việc săn tìm các tín hiệu từ vũ trụ không được giới khoa học đánh giá nghiêm túc. Sau năm 1995, thái độ đó dần thay đổi, khi các nhà thiên văn học phát hiện hành tinh đầu tiên ngoài Hệ Mặt trời (Hiện giờ, chúng ta biết tới hơn 4.000 hành tinh như vậy).

Cũng vào thời gian đó, các nhà khoa học phát hiện và bắt tay vào nghiên cứu cái gọi là những sinh vật ái cực (extremophile) trên Trái đất – những sinh vật có khả năng sống trong những điều kiện cực đoan như nhiệt độ cao, không có ánh sáng và dưới áp suất cao.

“Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã làm việc vất vả để phân biệt ngụy khoa học với các nhà săn lùng UFO (vật thể bay không xác định – đĩa bay). Chúng tôi đã công bố nhiều bài báo, mời các đồng nghiệp tại các tạp chí khoa học uy tín đánh giá.

Chúng tôi cũng phát triển phương pháp luận nghiên cứu, có tham khảo ý kiến đánh giá, phê bình của các nhà thiên văn học, vật lý học” – Bà Jill Tarter, Chuyên gia hàng đầu về tìm kiếm các tín hiệu ngoài Trái đất ở Viện SETI, cho biết như vậy.

Tìm chúng như thế nào?

Nếu biết rằng, trong vũ trụ có những khu vực đặc biệt, có thể sống được đối với các sinh vật ái cực Trái đất, thì chúng ta không thể không đặt câu hỏi, trong thực tế có những sinh vật như vậy ở những khu vực đó không.

Những công cụ khác nhau, trong đó có các kính viễn vọng quang học và kính viễn vọng điện từ, ngày đêm tìm kiếm những tín hiệu, dù là nhỏ nhất, chứng tỏ về nền văn minh ngoài Trái đất. Thật tiếc là các nhà nghiên cứu không biết tìm những nền văn minh ấy như thế nào.

Chính vì vậy, thay cho việc tìm những chứng cớ trực tiếp, chứng tỏ sự tồn tại của những nền văn minh ngoài hành tinh, các nhà nghiên cứu tập trung tìm kiếm dấu hiệu công nghệ - tức là tất cả các tín hiệu phi tự nhiên.

Những chứng cớ về sự tồn tại công nghệ ngoài hành tinh được ráo riết săn lùng. Đó có thể là tín hiệu tivi hoặc radio; những tín hiệu này được liên tục phát ra từ Trái đất.

Các nhà vật lý thiên văn không loại trừ khả năng phát hiện những thay đổi của một hành tinh nào đó, chứng tỏ sự hiện diện của những cấu trúc khổng lồ, chẳng hạn như trạm vũ trụ.

 Kính viễn vọng không gian TESS giúp tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất.

Kính viễn vọng không gian TESS giúp tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất.

Nhiệm vụ của những thế hệ mai sau

Trong tương lai, chúng ta dự định phân tích thành phần hóa học của khí quyển một hành tinh nào đó và tìm kiếm những dấu vết của các hiện tượng sinh học, tương tự như quang hợp hay khí phát thải từ số lượng lớn gia súc. Ngoài ra, cũng cần phải có sự kiên nhẫn, bởi việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh là cam kết đặt ra cho nhiều thế hệ.

“Không một nhà nghiên cứu nào dậy sớm với sự quả quyết: “Hôm nay mình sẽ phát hiện được tín hiệu về sự sống ngoài hành tinh”. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu dậy sớm với quyết định cải thiện dụng cụ và phương pháp nghiên cứu.

Ngoài ra, nếu có cái đũa thần như trong chuyện cổ tích, thì ta nên sử dụng nó để tài trợ cho đội ngũ các nhà khoa học, bởi các nghiên cứu buộc phải tiến hành thường xuyên”- bà Jill Tarter nói.

Nếu như một ngày nào đó, chúng ta phát hiện được tín hiệu từ một nền văn minh vũ trụ, ở cách chúng ta 100.000 năm ánh sáng, thì chúng ta cũng không thể giao tiếp với “họ”, bởi câu trả lời đến chỗ “họ” sớm nhất cũng phải sau 100.000 năm, với điều kiện được gửi đi cùng tín hiệu ánh sáng.

Theo Tuấn Sơn -Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/san-lung-tin-hieu-su-song-ngoai-hanh-tinh-4049681-b.html