Sản lượng sầu riêng của Cần Thơ tăng gấp 2,5 lần

Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, tổng diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đạt khoảng 4.521 ha, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, diện tích cho trái đạt khoảng 3.102 ha, sản lượng sầu riêng ước trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 18.640 tấn, tăng hơn gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Sản lượng sầu riêng của Cần Thơ ước trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 18.640 tấn. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Sản lượng sầu riêng của Cần Thơ ước trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 18.640 tấn. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Nguyên nhân sản lượng sầu riêng tăng cao là do diện tích trồng mới tăng nhanh và đây cũng là loại cây ăn trái có diện tích tăng nhiều nhất trên địa bàn, đồng thời diện tích bắt đầu cho trái cũng tăng mạnh kết hợp với năng suất sầu riêng trong những năm đầu cho trái tăng nên tổng sản lượng tăng cao.

Hiện nông dân Cần Thơ đang trong giai đoạn thu hoạch rộ vụ sầu riêng năm 2024 với giá bán sầu riêng giống RI 6 đạt từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Tuy giá bán sầu riêng hiện chỉ còn chưa được một nửa so với đầu vụ do bước vào thời điểm thu hoạch rộ, sản lượng dồi dào, giá sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sầu riêng của các nước cũng đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ, nhưng với giá bán này, sau khi trừ các chi phí, nông dân trồng sầu riêng vẫn đạt lợi nhuận bình quân từ 50 - 60%.

Riêng đối với nhiều hộ nông dân xử lý cho ra trái sớm, thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 4/2024 có giá bán rất cao, khoảng trên dưới 120.000 đồng/kg thì lợi nhuận từ cây sầu riêng rất lớn. Đây là loại cây trồng có lợi nhuận cao nhất trong các loại cây ăn trái hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Tuy diện tích và sản lượng sầu riêng năm nay tăng mạnh nhưng hầu hết sản lượng trên địa bàn đều được thương lái thu mua hết, ngay trong thời điểm chính vụ.

Theo ông Nguyễn Văn Sử, ngành nông nghiệp thành phố không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích sầu riêng ồ ạt, tự phát mà phát triển theo quy hoạch, có định hướng và đảm bảo liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, được quản lý về chất lượng, kỹ thuật. Tuy nhiên, do hiệu quả hiện tại của cây sầu riêng là rất cao nên nông dân vẫn tự phát đầu tư mở rộng diện tích từ đất lúa và các loại cây trồng khác để trồng sầu riêng.

Ngành nông nghiệp chưa có chế tài để xử lý tình trạng này nên việc có mở rộng diện tích sầu riêng chủ yếu dựa vào ý thức của người dân là chính. Với tình hình hiện tại thì nguy cơ nông dân tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng sầu riêng trong thời gian tới trên địa bàn là rất lớn.

Lo lắng lớn nhất hiện nay của nông dân trồng sầu riêng là tình hình thời tiết nắng nóng vẫn còn tiếp tục, trong khi cây sầu riêng rất mẫn cảm với thời tiết khô hạn. Do phải mang trái trong suốt thời gian nắng nóng và khô hạn nên có rất nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn hiện nay sau khi thu hoạch đều kiệt sức, rụng lá đọt, chết cành, thậm chí chết cả cây vì nắng nóng. Nông dân sau khi thu hoạch xong đang tích cực điều trị, chăm sóc để chóng lại sức cho cây.

Ngọc Thiện (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/san-luong-sau-rieng-cua-can-tho-tang-gap-25-lan-20240517153842371.htm