Sân Mỹ Đình: 400 tỷ đồng sửa chữa chỉ như muối bỏ bể, cơ chế nào cho đủ?

Dù mới được sửa chữa và nâng cấp với gói 408 tỷ đồng để phục vụ SEA Games 31, nhưng sân vận động quốc gia Mỹ Đình đang để lại hình ảnh nhếch nhác.

Lời tòa soạn: Các công trình nghìn tỷ, nơi tổ chức các sự kiện lớn, trang trọng như sân vận động quốc gia Mỹ Đình, gần đây được nhớ đến với hình ảnh xuống cấp, nhếch nhác, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Cơ chế nào để các công trình nghìn tỷ phát huy giá trị đầu tư, duy trì hoạt động hiệu quả phục vụ cho các sự kiện lớn của đất nước? VietNamNet khởi đăng loạt bài về vấn đề này.

Dù mới được sửa chữa và nâng cấp với gói 408 tỷ đồng để phục vụ SEA Games 31, nhưng sân Mỹ Đình đang để lại hình ảnh nhếch nhác. Cơ chế hoạt động của sân vận động Quốc gia này hiện ra sao, quá trình tu sửa, bảo dưỡng thế nào để giữ gìn công trình nghìn tỷ này thay vì để xuống cấp rồi chờ ngân sách rót sửa chữa?

Hiện trạng xấu xí

Tại SEA Games 31, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình là một trong bốn địa điểm được ngân sách trung ương rót tiền sửa chữa, nâng cấp quy mô lớn để phục vụ sự kiện này.

408 tỷ đồng là số tiền được Nhà nước rót để sửa chữa, nâng cấp và mua mới trang thiết bị, trong đó trọng tâm là sân Mỹ Đình.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, mọi thứ dường như lại trở về như cũ.

Sự cố bung nóc khung thành ở trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam và Dortmund hồi cuối tháng 11/2022

Sự cố bung nóc khung thành ở trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam và Dortmund hồi cuối tháng 11/2022

Sự xuống cấp của sân Mỹ Đình bắt đầu được dư luận quan tâm sau sự cố khung thành bị bật ra ở trận tuyển Việt Nam giao hữu với CLB Dortmund hồi cuối tháng 11/2022.

Đến AFF Cup 2022, những gì xấu nhất của sân vận động quốc gia mới được nhìn rất rõ. Ghế ngồi trên các khán đài sử dụng từ năm 2003 hiện vẫn chưa được thay mới trở nên cũ kỹ và bụi bặm.

Hình ảnh các phóng viên quốc tế tới sân Mỹ Đình tác nghiệp đã phải lắc đầu ngán ngẩm bởi không thể ngồi được trên những chiếc ghế bẩn, thực sự đáng xấu hổ.

Những hàng ghế cũ nhếch nhác trên sân vận động Mỹ Đình. Ảnh: Mạnh Nam

Phóng viên quốc tế tới sân Mỹ Đình tác nghiệp phải lắc đầu ngán ngẩm bởi không thể ngồi được trên những chiếc ghế bẩn. Ảnh: Mạnh Nam

Khu vực cống thoát nước, đường hầm, cảnh quan xung quanh sân và đặc biệt là khu nhà vệ sinh đều trong tình trạng rất tệ. Thậm chí, ngay cả phòng VIP cũng có tình trạng bị nứt, dột nước.

Riêng mặt cỏ sân Mỹ Đình luôn là đề tài nóng trong mỗi trận đấu trên sân nhà của tuyển Việt Nam. Do không được chăm sóc kỹ lưỡng, mặt cỏ trở nên xơ xác, ngả sang màu vàng úa và có nhiều chỗ đất bị lún.

Mặt cỏ sân Mỹ Đình trong những ngày diễn ra AFF Cup 2022

Nhìn mặt sân Mỹ Đình, nhiều CĐV Việt Nam đã phải thốt lên: “Tuyển Việt Nam đã cho chúng ta xem một trận đấu ở thập niên 60 thế kỷ trước”. Còn CĐV quốc tế so sánh sân Mỹ Đình với… mặt ruộng.

Sau trận thua tuyển Việt Nam 0-3 ở bán kết lượt về AFF Cup 2022, HLV Shin Tae Yong đổ lỗi cho mặt sân xấu khiến các cầu thủ Indonesia không thể chơi đúng sức. Dù phát ngôn của HLV này mang tính đổ lỗi nhưng nó vẫn khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Khoanh nợ thuế có giúp sân Mỹ Đình đẹp lên?

AFF Cup 2022 năm nay, LĐBĐ Việt Nam ký hợp đồng thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà của tuyển Việt Nam với giá 800 triệu đồng cho mỗi trận đấu, trong đó có 120 triệu đồng tiền phân bón chăm sóc cỏ.

Mặt cỏ bị "cháy" vì không được chăm sóc thường xuyên

Mới đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng giao Tổng cục TDTT chủ trì, phối hợp với Vụ kế hoạch - tài chính Bộ VH-TT&DL cùng các đơn vị liên quan, đối chiếu để đánh giá lại thực trạng về hệ thống cơ sở thi đấu thể thao thuộc Bộ.

Riêng sân Mỹ Đình đã sử dụng được 20 năm thì phải xác định được khấu hao để nắm rõ thực trạng để tìm cách giải quyết.

Việc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đang nợ thuế tới hơn 800 tỷ đồng và đã bị cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài sản dẫn đến khó khăn về nguồn thu.

Hiện tại, Ban quản lý sân cho biết họ không có nguồn chi phí cho các hoạt động cơ bản, thậm chí còn không đủ trả tiền lương cho nhân viên.

Vấn đề liên quan tới sân Mỹ Đình đang chưa có hướng giải quyết

Giải pháp cho tình trạng sân vận động quốc gia xuống cấp, mỗi lần cần tu sửa lại phải chờ đợi ngân sách, lãnh đạo Tổng cục TDTT cho rằng, chỉ còn cách kiến nghị ngành thuế cho khoanh nợ, giải phóng việc phong tỏa tài sản, cưỡng chế hóa đơn, để sân vận động Mỹ Đình hoạt động trở lại bình thường.

Như vậy, sân Mỹ Đình mới có thể có sự thay đổi về quản lý, sửa chữa, đầu tư mới khi có nguồn thu.

Cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài sản, sao sân Vận Động Mỹ Đình vẫn tổ chức được live show ca nhạc?

Lãnh đạo Tổng cục TDTT khẳng định, việc tổ chức sự kiện tại Mỹ Đình hiện nay đều là các sự kiện quốc gia đặc biệt, có sự chỉ đạo từ Bộ VH-TT&DL. Hoặc như live show của Mỹ Tâm tối 5/11/2022, đây là sự kiện đã có hợp đồng tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình từ trước, bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nên gần đây mới diễn ra.

Vị này cũng nói thêm về nghi ngờ live show ca nhạc liệu có góp phần làm mặt cỏ sân Mỹ Đình bị úa vàng.

Live show của Mỹ Tâm diễn ra trước AFF Cup 2022

“Sân Mỹ Đình được phép tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao. Tất nhiên trước khi tổ chức live show của Mỹ Tâm, Ban quản lý Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã xin phép không chỉ của Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL, mà còn với UBND TP Hà Nội. Sau khi sự kiện tổ chức xong, phía Ban quản lý sân Mỹ Đình cũng đã có báo cáo.

Tôi xin khẳng định live show của Mỹ Tâm không liên quan gì tới việc mặt cỏ sân Mỹ Đình xấu như hiện nay. Bởi cũng trên sân Mỹ Đình, chúng ta tổ chức khai mạc SEA Games, tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc nhưng không bị ảnh hưởng gì. Vấn đề mặt cỏ sân Mỹ Đình xấu nằm ở khâu chăm sóc và thời tiết”, lãnh đạo Tổng cục TDTT nói.

Bài tiếp theo: Cung Việt Xô thành trung tâm tiệc cưới: Không làm dịch vụ lấy đâu tiền trả lương!

Đại Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/san-my-dinh-400-ty-dong-sua-chua-chi-nhu-muoi-bo-be-co-che-nao-cho-du-2105086.html