Sân nhà

Lần này thì đích thị là 'sân nhà', chứ không còn mờ như khái niệm 'sân sau' đang thời sự. Đó là trường hợp những tài sản, dự án 'khủng' mà vợ, các con, người nhà ông Trần Bắc Hà đang sở hữu trong và ngoài nước.

Ngay sau khi vị cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV này bị khởi tố, bắt giam, báo chí bắt đầu công khai khối tài sản ngàn tỷ của gia đình ông.

Ngoài resort sang trọng, dự án khu đô thị, thương mại, bất động sản “khủng” trên đất vàng ở quê nhà Bình Định, là các dự án rộng 5 ngàn cho tới 50 ngàn hecta từ Hà Tĩnh tới nước bạn Lào, dự án khoáng sản, luyện kim ở Bắc Kạn,… Mới chừng đó, đã có thể thấy tầm mức, quy mô “sân nhà” của một người nắm chữ ký, con dấu cho vay tiền của một ngân hàng nó… bao la đến mức nào!

Nếu không có “sức mạnh” của một chữ ký có thể nhanh chóng “bơm vốn” cho 12 công ty sân của Phạm Công Danh số tiền tới 4.700 tỷ đồng, thì dễ gì diện tích “sân nhà” của ông Hà có thể bành trướng đến mức ấy? Dễ gì những khu đất ngon lành nhất ở quê hương đều thuộc về vợ con ông? Kể cả ngôi trường mẫu giáo nơi ông chôn nhau cắt rốn, điểm trường ấy cũng được ghi tên người cha của ông! Quyền sinh sát trên đồng tiền mồ hôi nước mắt của hàng triệu người khác đã đẻ ra một “ông trùm” tài chính không theo thông lệ quốc tế nào, như thế.

Sân sau, công ty gia đình, công ty bạn bè, công ty bình phong,… hàng loạt khái niệm mới, là biến tướng của hình thức “móc ngoặc” sơ khai thời bao cấp. Không phải lạng thịt, cân đường hộp sữa được tuồn ra cửa sau của những cửa hàng mậu dịch, mà thời bây giờ là vô biên đất đai, tiền bạc, chức tước được chia chác cho nhau.

Nói về “sân sau”, nếu để ý, thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hơn một lần nhắc đến hai chữ “sân trước”. Như phát biểu nổi tiếng của Thủ tướng mới hôm 21/11 vừa rồi: “Không những 1 sân trước mà 4,5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết”. Cho thấy người đứng đầu Chính phủ đã hiểu rất rõ nguồn gốc của các loại “sân sau” chính là từ “sân trước”. Một sân trước nếu không quản lý, giám sát tốt có thể đẻ ra vô vàn sân sau.

Sân trước, chính là quyền năng và vốn liếng của các bộ ngành, tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Là bộ máy chính quyền địa phương. Là tất cả thiết chế kinh tế, xã hội hiện hành.

Sân trước là nguồn đất công khổng lồ, là tài nguyên, là những bãi biển, núi non, danh thắng thiên nhiên có thể “giao trắng” cho các đại gia chiếm giữ. Sân trước là kẽ hở chính sách, luật pháp, là sự chồng chéo nhưng mơ hồ về giám sát, quản lý và trách nhiệm đối với tài sản, tài nguyên đất nước. Là đặc quyền đặc lợi, là cơ chế xin phổ biến mọi ngõ ngách, mọi quan hệ.

Sân trước chính là cả bóng lẫn còi, nhưng lại giao cho một người, một tổ chức cùng lúc sử dụng.

Và đến lúc sân sau sẽ biến thành sân trước. Như biến tướng của những công ty bình phong, qua vụ Vũ nhôm, vụ đánh bạc nghìn tỷ đang xét xử. Là “trước” đấy, nhưng cũng chính là “sau” đấy, rất khó lường, và gây hậu quả nặng nề nếu buông lỏng giám sát.

Rất nhiều hình thức và biện pháp đã được Chính phủ đưa ra để “khóa” các sân trước, tách “bóng” với “còi”. Dấy lên hy vọng đường về sân nhà của các quan, các “trùm” sẽ khó khăn hơn nhiều, ngăn chảy máu tài sản của nước của dân.

Trí Quân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/san-nha-1351718.tpo