Sản phẩm của Con Cưng bị nghi hàng giả, cổ đông lớn nói gì?

Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn nói không bao che hoặc kiếm giải pháp không đúng sự thật để xử lý.

Lực lượng chức năng đang vào cuộc điều tra vụ việc sản phẩm của Con Cưng bị nghi hàng giả, lừa khách hàng

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa ký văn bản hỏa tốc chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra, làm rõ thông tin cắt tem nhãn, gắn mác ngoại, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng của Công ty Cổ phần Con Cưng (kinh doanh các sản phẩm cho trẻ em, phụ nữ có thai với hệ thống 311 cửa hàng toàn quốc) trên cơ sở phản ánh của khách hàng.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng cho biết, sẽ thu thập thông tin để làm rõ vụ việc.

Trước đó, chiều 22/5, anh Trương Đình Công Vĩnh (39 tuổi, Q. Tân Bình, TP HCM), đến cửa hàng Con Cưng tại số 788 Âu Cơ, P. 14, Q.Tân Bình (TP HCM) để mua hàng với tổng giá trị hóa đơn gần 1,5 triệu đồng. Trong đó có một bộ quần áo thun bé gái dài trị giá 329.000 đồng.

Khi mang hàng về, anh Vĩnh phát hiện bộ quần áo thun nói trên bị cắt tem nhãn và thay thế bằng tem mác CF (Con Cưng Fashion) được ghi xuất xứ là “Made in Thailand”.

Nghi vấn cửa hàng tráo nhãn hàng hóa, anh Vĩnh đã tới Công ty để yêu cầu làm rõ sự việc ngày 30/5. Tại buổi làm việc thứ hai ngày 6/6, Công ty đã thừa nhận sản phẩm đã có dấu hiệu bị cắt tem nhãn cũ và thay tem nhãn mới và cho biết đã thu hồi khoảng 4.000 sản phẩm trong tổng số 9.000 sản phẩm cùng lô hàng này. Còn về số lượng có bao nhiêu sản phẩm lỗi vẫn chưa có con số thống kê.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, từ góc độ là cổ đông lớn của Con Cưng, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) tỏ rõ quan điểm: “Một trong các quỹ đầu tư do Công ty quản lý quỹ SSI quản lý hiện là cổ đông lớn của Con Cưng nhưng không vì thế mà bao che hoặc kiếm giải pháp không đúng sự thật để xử lý truyền thông”.

Tem dán nhãn trên các sản phẩm khác tại Con Cưng rất sơ sài và dễ bóc khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi về việc hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng

Theo một số nguồn tin, doanh nghiệp này có thể bị khép vào tội làm hàng giả, hàng nhái, trốn thuế khi lộ hàng loạt dấu hiệu như mác “Made in Thailand” nhưng chú giải Tiếng Việt; mã vạch sản phẩm Made in Thailand nhưng lại bắt đầu bằng 0012 (mã vạch Thái Lan bắt đầu 885); biên lai bán hàng cho khách hàng ghi chú có thuế giá trị gia tăng (VAT) trong đơn giá nhưng không xuất trả hóa đơn VAT khi khách hàng yêu cầu...

Ông Hưng cho biết, hàng thay mác tức là hàng giả. Đây là điều không tranh cãi. “Người tiêu dùng phải mua hàng giả là không chấp nhận được. Con Cưng chỉ có một giải pháp duy nhất là công khai bản chất các công đoạn hình thành sản phẩm này. Nếu đây là lỗi cố tình vi phạm thì phải khởi tố hình sự. Nếu đây là lỗi của nhà cung cấp thì Con Cưng phải khởi kiện nhà cung cấp tội lừa đảo và cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm rõ vụ này”, ông Hưng nêu quan điểm.

Vụ việc đang gây chú ý của dư luận bởi không chỉ lừa dối khách hàng về xuất xứ, chất lượng sản phẩm mà còn ở vấn đề niềm tin đối với người tiêu dùng khi vụ việc Khaisilk vẫn chưa lắng xuống. “Tiền rất quý nhưng không thể làm như vậy!”, Chủ tịch SSI cũng cho rằng quan điểm này không có ngoại lệ.

Tổ công tác chuyên trách 334 được giao xử lý vụ việc này đang điều tra để và sẽ có kết luận chính thức.

C.Sơn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/san-pham-cua-con-cung-bi-nghi-hang-gia-co-dong-lon-noi-gi-d265467.html