Sản phẩm độc hại tiếp tục “tấn công” trẻ em

Vụ 36 học sinh nhập viện vì nổ đồ chơi Trung Quốc vừa xảy ra tại Đắk Nông một lần nữa khiến dư luận sôi sục về trách nhiệm quản lý, giám sát các mặt hàng độc hại của những cơ quan chuyên trách, nhất là vào thời điểm cận Tết Nguyên đán 2014. Trên thực tế, thông tin hàng hóa nhiễm độc này không mới, được báo chí cảnh báo nhiều lần, nhưng kỳ lạ ở chỗ người tiêu dùng vẫn nhắm mắt mua liều, còn cơ quan chức năng chậm chạp phản ứng, giám sát hàng độc hại.

Cán bộ QLTT TPHCM kiểm tra một kho hàng đồ chơi trẻ em có chất độc hại thuộc diện cấm nhập khẩu trên địa bàn TPHCM.

Đụng đâu vi phạm đó

Trưa 18-1, Đội Quản lý Thị trường 6B, thuộc Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) TPHCM bất ngờ ra quân, kiểm tra mặt hàng đồ chơi trẻ em độc hại trên đường Trần Bình (phường 2, quận 6). Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ gần 100 bịch phao tiêm, xuất xứ Trung Quốc, chỉ cần bóp tay sẽ phát nổ. Một loại nổ bung có hình trái tim bên trong; một loại nổ văng dung dịch nước màu trắng, không mùi.

Trong số các mặt hàng đồ chơi này có nhãn hiệu Happy Birthday. Chủ hàng khai nhận, lấy sản phẩm từ người quen để bán nên không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Theo đánh giá của cán bộ QLTT TPHCM, nhiều khả năng các sản phẩm đồ chơi này được nhập lậu bằng đường tiểu ngạch. Thông tin từ một tay chuyên đánh hàng đồ chơi trẻ em từ TPHCM bỏ mối cho các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, cho biết đường dây buôn bán các mặt hàng này khá chặt chẽ. Nếu thấy động, bạn hàng sẽ điện báo cho nhau ngay nên không dễ gì bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

* Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, công tác tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, khuyến cáo, trẻ em thường rất dễ bị mẩn ngứa, dị ứng khi tiếp xúc với hóa chất, quần áo nhuộm màu sắc sặc sỡ… Do đó, người tiêu dùng nên giặt đồ mới mua, đem phơi kỹ lưỡng trước khi mặc; tuyệt đối tránh bôi lên da những dung dịch không rõ nguồn gốc; tránh hít, ngửi những hóa chất lạ… đề phòng ngộ độc, dị ứng.

Chúng tôi tiếp tục dò dẫm tìm mua đồ chơi “bom thối”, quả cầu gai, thú nhún… từng được khuyến cáo chứa chất độc hại, có khả năng gây ung thư. Ghi nhận của phóng viên, trên một số tuyến đường như Bà Hạt, Hòa Hảo, Vĩnh Viễn (quận 10, TPHCM), đường Trường Chinh (quận Tân Bình) vẫn bày bán mặt hàng này, nhưng rất dè dặt. Một chủ hàng cho biết: “Hàng mới hết cách đây 2 ngày. Bữa nay, lực lượng chức năng kiểm tra hơi gắt nên tụi này cũng sợ. Một tuần sau quay lại, chúng tôi sẽ bán cho”.

Ngày 10-1 vừa qua, lãnh đạo Chi cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam khẳng định, kết quả các mẫu đồ chơi trẻ em được lấy mẫu ngẫu nhiên trong đầu tháng 1 trên địa bàn TPHCM đều có chất độc hại phthalates (ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ nhỏ; nguy cơ gây ung thư…) vượt ngưỡng cho phép 300 - 400 lần.

Bên cạnh đó, theo tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) cảnh báo, không chỉ những mặt hàng đồ chơi, trang phục trẻ em “làng nhàng” được phát hiện có chức chất độc hại; mà ngay cả những mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới dành cho “thượng đế nhí”, như: Adidas, C&A, Nike, Puma… cũng dính nghi án này. Trong đó, nhiễm ít nhất một trong số các chất độc hại, như phthalates, NPE (có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản), PFC…

Cơ quan chuyên trách phản ứng chậm

Trước những thông tin sản phẩm độc hại dành cho trẻ em được bày bán rất nhiều trên thị trường, chúng tôi đã trao đổi với bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) TPHCM.

Bà Phan Thị Việt Thu cho biết, sản phẩm độc hại bán trên thị trường một cách công khai đã trở thành chuyện thường ngày, không có gì mới, được báo chí mổ xẻ, cảnh báo nhiều lần. Vấn đề ở đây là các cơ quan hữu trách đâu rồi, tại sao không đi trước một bước trong việc cảnh báo, ngăn chặn hàng độc hại vào thị trường, để bảo vệ người dân.

Theo bà Phan Thị Việt Thu, ngoài việc người tiêu dùng tự bảo vệ mình trước sự tấn công của hàng độc hại, thì cơ quan chuyên trách, cụ thể như QLTT, công an kinh tế… cũng cần phải quyết liệt, trách nhiệm hơn nhằm đẩy lùi hàng không xuất xứ, nguồn gốc, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Khi phóng viên hỏi, thời gian gần đây, Hội BVQLNTD TPHCM có tiếp nhận vụ khiếu kiện, khiếu nại nào liên quan đến những mặt hàng độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không, bà Thu khẳng định, đối với các trường hợp này, hội từ chối thẳng, vì lý do không thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục Trưởng Chi cục QLTT TPHCM thừa nhận, việc hàng độc hại len lỏi vào TPHCM, gây hoang mang, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng là một thực tế không thể chối cãi. Tuy vậy, QLTT TP cũng đang cố gắng làm hết trách nhiệm để ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi tiêu dùng cho người dân. “Bằng chứng là chúng tôi liên tục phối hợp với các lực lượng liên ngành như Công an kinh tế, Hải quan… để phát hiện, ngăn chặn hàng độc hại, không rõ xuất xứ thẩm lậu vào TPHCM”, ông Phan Hoàn Kiếm nói.

Dù nói gì đi nữa, có một thực tế dễ nhận thấy, đó là việc phản ứng khá chậm, đủng đỉnh của cả người tiêu dùng lẫn lực lượng chức năng chuyên trách. Chỉ đến khi xảy ra những kết cục đau lòng, điển hình như vụ 36 học sinh tỉnh Đắk Nông bị ngộ độc do nghịch đồ chơi Trung Quốc, lúc đó các đơn vị chuyên ngành mới kiểm tra. Rồi sau đó, có lẽ vụ việc cũng sẽ lại chìm xuồng như vô số các vụ việc nói về hàng hóa độc hại khác mà báo chí từng nêu trong suốt thời gian qua.

Nên chăng, ngoài việc “đeo bám” báo chí để bắt hàng độc hại, cơ quan chuyên trách cần phải chủ động duy trì thường xuyên, liên tục công tác hậu kiểm để lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ sức khỏe, tính mạng, kinh tế của người dân.

Hàng lậu, hàng độc hại gia tăng

Lãnh đạo Chi cục QLTT TPHCM vừa cho biết, hàng lậu, hàng độc hại đang diễn biến phức tạp trong thời điểm cận Tết Giáp Ngọ 2014. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, QLTT TP đã tịch thu gần 18.500 sản phẩm đồ chơi nhập lậu, đồ chơi có khả năng gây ung thư, như: thú, robo, ráp hình, máy bay, tàu thủy… trong đó, các sản phẩm phần lớn đều có xuất xứ Trung Quốc.

THI HỒNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thitruongkt/2014/1/338381/