Sản phẩm gỗ Việt Nam: Tạo khác biệt nhờ nguồn nguyên liệu

Theo các chuyên gia, hiện thị trường đồ nội thất thế giới có giá trị sản phẩm khoảng 428 tỷ USD và được dự báo tăng 3,5% trong năm 2018 và tăng thêm trong các năm tới. Do đó, doanh nghiệp (DN) Việt hoàn toàn có thể xuất khẩu nhiều hơn con số 8 tỷ USD nếu sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh hình thức xúc tiến thương mại (XTTM).

Khách quốc tế đến tìm kiếm nguồn hàng tại các triển lãm đồ gỗ

Tận dụng nguyên liệu sẵn có

Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - cho biết, trong 15 năm qua, chỉ số phát triển ngành gỗ luôn duy trì tăng 8 -15%/năm, ngay cả lúc kinh tế toàn cầu biến động. Vấn đề lớn nhất của DN chế biến gỗ (CBG) Việt Nam là đang khai thác nhiều phân khúc khách hàng có giá trị gia tăng thấp, gia công vẫn chiếm đa số. "Để nâng tầm ngành gỗ Việt, DN CBG cần khai thác giá trị cao nhất là xuất bán cả không gian nội thất cao cấp, thay vì tăng gia công và bán sản phẩm như hiện nay" - ông Hạnh nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), muốn nâng cao giá trị cho ngành gỗ, Việt Nam cần tận dụng thế mạnh nguồn nguyên liệu trong nước, cụ thể là nguyên liệu gỗ cây keo (tràm bông vàng) để tạo sự khác biệt. Đây là loại gỗ hợp pháp mà Việt Nam đang chế biến nội thất xuất khẩu nhiều nhất.

Các thống kê của ngành gỗ cho thấy, hiện cả nước có hơn 3.000.000 ha keo, nếu sau tỉa thưa duy trì 500 cây/ha ở tuổi rừng 10 năm sẽ cho 150 m3 gỗ sản xuất. Chỉ cần khai thác 150.000 ha/năm rừng keo sẽ cho 22,5 triệu m3 gỗ đủ đáp ứng tổng nhu cầu nguyên liệu trong năm của toàn ngành cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu từ gỗ keo rẻ hơn so với gỗ nhập khẩu - là cơ sở hình thành chuỗi sản xuất khép kín cho gỗ Việt Nam với bản sắc riêng.

Đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại

Cùng với việc khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu, việc thực hiện các hoạt động XTTM để quảng bá, giới thiệu sản phẩm gỗ cũng là hình thức giúp DN nâng cao giá trị và gia tăng doanh số bán hàng. Ông Huỳnh Văn Hạnh cho hay, hiện nay kênh XTTM hội chợ, triển lãm được xem là hiệu quả và ít tốn tiền nhất. Vì vậy, trong năm 2018 HAWA đã thông tin đến các DN về lịch tổ chức một số sự kiện đồ gỗ ở nước ngoài, khi DN có nhu cầu tham gia HAWA sẽ tổ chức đoàn khảo sát hoặc trưng bày tại các sự kiện này để hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Tuy nhiên ông Hạnh cũng lưu ý, việc XTTM tại chỗ qua kênh hội chợ nội địa đang được nhiều DN, nhất là DN có quy mô nhỏ chọn lựa, bởi thời gian tham gia ít nhưng hiệu quả mang lại tức thời. Đơn cử với VIFA Expo, nếu như kỳ tổ chức năm 2017 chỉ thu hút trên 2.000 lượt khách quốc tế đến tham quan và thu về trên 20 triệu USD giao dịch tại chỗ thì đến kỳ VIFA Expo 2018 đã thu hút 4.528 lượt khách quốc tế tham quan, con số giao dịch tại chỗ cũng được ước tính tăng hơn. Do đó, hàng năm HAWA vẫn duy trì, mở rộng hai sự kiện VIFA Expo và VIFA Home nhằm tạo cầu nối giao thương thiết thực cho DN.

Ngoài XTTM truyền thống, phương thức Digital Marketing đa phương tiện đang được nhiều DN xuất khẩu đồ gỗ của Mỹ, Đức, Ý, Trung Quốc… ứng dụng. Tuy nhiên, rất khó để tìm thấy các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam trên mạng bởi DN Việt chưa khai thác tốt hình thức này.

Minh Long - Mai Ca

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/san-pham-go-viet-nam-tao-khac-biet-nho-nguon-nguyen-lieu.html