Sản phẩm 'Made in Viet Nam': Người tiêu dùng cần gì?

Từ câu chuyện Asanzo hiện nay, theo các chuyên gia, có cả 'một rừng' quy định về khái niệm 'Made in'. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng sẽ quyết định chọn mua sản phẩm nào phù hợp với túi tiền, với điều kiện của mình mới là điều quan trọng.

Cả "một rừng" quy định…

Liên quan tới câu chuyện về Asanzo mới đây như Asanzo có đội lốt hàng Việt Nam, nhập khẩu giả dụ toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc về đây và chỉ gia công chế biến đơn giản rồi gắn mác "Made in Vietnam" thì có đúng không? Giả dụ cũng quy trình sản xuất đó, hàm lượng như thế nhưng chúng ta nhập khẩu từ Nhật Bản vậy về đây họ có gắn là Made in Japan không? Như vậy có lừa dối người tiêu dùng không?

Các câu hỏi này được ông Trần Ngọc Trung, Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie trả lời phần nào tại tọa đàm "Thế nào là Made in Vietnam?" vào ngày 17/7 tại Hà Nội.

Theo ông Trần Ngọc Trung, hiện có cả một rừng quy định mà không phải người tiêu dùng nào cũng có thể tiếp cận về khái niệm "Made in Vietnam" và ở góc độ người tiêu dùng thì nhận thức về xuất xứ hoàn toàn khác và "bản thân cơ quan quản lý nhà nước cũng rất khó tìm câu trả lời đúng 100%".

CEO Asanzo Phạm Văn Tam. Ảnh: báo Lao động

CEO Asanzo Phạm Văn Tam. Ảnh: báo Lao động

Theo phân tích của ông Trần Ngọc Trung, để đáp ứng tiêu chí xuất xứ và ghi được là "Made in Vietnam", các quy định về dán nhãn hiện nay không phải phải không có. Các quy định này trao cho nhà sản xuất và phải tuân thủ quy định pháp luật và các FTA Việt Nam tham gia.

"Tôi nghĩ rằng, đánh giá ở góc độ người tiêu dùng, vấn đề cuối cùng của xuất xứ là chất lượng hàng hóa. Chúng ta không tin vào chất lượng hàng Trung Quốc nên chúng ta phản ứng"- ông Trần Ngọc Trung nói và nhấn mạnh: Ở góc độ người tiêu dùng vẫn là vấn đề chất lượng. Do vậy, thay vì quản lý câu chuyện xuất xứ có lẽ quản lý chất lượng là việc quan trọng hơn.

Theo ông Trần Ngọc Trung, trong quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam dành quyền cho các nhà sản xuất tự kê khai tuân thủ các quy định của FTA. Như vậy doanh nghiệp có thể dựa vào quy định của FTA hoặc pháp luật hiện hành, không thể dựa một lúc vào cả 2 vì nó khác nhau. Trường hợp có xung đột bao giờ cam kết quốc tế cũng được ưu tiên áp dụng.

Đơn cử chúng ta có Hiệp định thương mại FTA Việt Nam - ASEAN, nếu bây giờ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam lắp ráp đánh giá theo FTA thì sản phẩm này không được là "Made in Vietnam", nhưng nếu áp dụng theo FTA ASEAN- Trung Quốc thì lại có thể được.

"Theo nguyên tắc cộng gộp cho phép coi tất cả các nguyên liệu nhập khẩu từ các nước thành viên, thì toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có thể coi là có xuất xứ từ Việt Nam. Vấn đề là dán nhãn cho phép nhà sản xuất tự chịu trách nhiệm, tự ghi. Giờ nếu nhà sản xuất ghi theo hiệp định thương mại ASEAN- Trung Quốc thì có thể ghi là Made in Vietnam được chứ"- ông Trần Ngọc Trung nói.

"Việc ghi xuất xứ ở đâu nó có thể nói là muôn hình vạn trạng, rất đa dạng và là cái tùy biến. Bản thân quy định các nước khác cũng cho thấy sự tùy biến cao và ở Việt Nam cũng như vậy"- ông Trần Ngọc Trung nêu.

Theo một chuyên gia kinh tế, lâu nay mọi người quen nghe là sản phẩm này được "Made in" ở một quốc gia nào đó, nhưng nền kinh tế hiện nay là chuỗi cung ứng giá trị cho khu vực và toàn cầu, điều này đã được thực hiện khá hoàn hảo trong nhiều lĩnh vực, nhiều sản phẩm. Do đó, có thể nói một sản phẩm mà đi qua nhiều công đoạn sản xuất khác nhau, tại một số quốc gia thì đúng ra phải nói là "Made in toàn cầu" mới đúng.

Quan trọng là người tiêu dùng

"Tôi coi Asanzo là "Made in Vietnam". Cơ quan quản lý nhà nước cần ra những nghị định, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thế nào là "Made in Vietnam" đối với từng mặt hàng khác nhau. Đó là cái thiếu và theo quan điểm cá nhân của mình khi chưa có một định nghĩa hợp pháp, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn để thể nào dãn một nhãn hoặc được ghi, dán nhãn "Made in Vietnam" thì cơ quan quản lý đang nợ người dân, doanh nghiệp một văn bản như vậy. Khi đang nợ thì Asanzo đã đang làm một việc mà pháp luật đang chưa có quy định"- vị chuyên gia này nói.

Cùng quan điểm với ông Trần Ngọc Trung, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, việc cần quan tâm nhất là chất lượng hàng hóa như thế nào. Việc dán nhãn "Made in Vietnam" là tự nguyện, nhiều quốc gia chưa thống nhất và là tùy biến. Chúng ta cũng đừng quan trọng bao nhiêu nguyên liệu mà chỉ cần công đoạn cuối cùng ở Việt Nam.

Dẫn một ví dụ về hạt điều, vị chuyên gia trên cho hay, "tôi đang làm với một doanh nghiệp, họ tìm giống điều tốt nhất ở Bình Phước và Phuket (Thái Lan), nhưng giống điều đó phải trồng ở Lào thì mới cho hạt điều chất lượng tốt nhất bởi đó là vùng trồng hiệu quả nhất với cây điều. Sản phẩm được thu hoạch về nhà máy ở Việt Nam chỉ chế biến, bóc vỏ lụa, rồi tẩm sấy… Như vậy rõ ràng đối chiếu với các quy định về hàm lượng giá trị gia tăng thì không thể nói đó là sản phẩm của Việt Nam, nhưng hàm lượng chất xám mà người Việt đổ vào đó lại rất nhiều".

Các chuyên gia cho rằng, những sản phẩm như là tivi, điều hòa của Asanzo, về mặt lý thuyết, nếu họ có nhà máy sản xuất ra tivi, điều hòa trên cơ sở lắp ráp từ toàn bộ các yếu tố đầu vào là nhập khẩu thì chỉ cần có công đoạn gia công diễn ra trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam thì họ được dán tem Made in Vietnam. Sau đó Hội Tiêu dùng hàng Việt Nam cấp chứng chỉ để Asanzo có thể dán nhãn Hàng Việt Nam chất lượng cao.

"Tôi cho rằng, Asanzo còn có hàng chục các sản phẩm khác như bình đun nước siêu tốc, nồi cơm điện… nếu không gia công, lắp ráp tại Việt Nam tức họ nhập khẩu nguyên chiếc, bóc tem cũ, dán tem mới thì hành vi ấy mới là hành vi lừa dối người tiêu dùng và hiện đã có văn bản hướng dẫn về vấn đề này"- vị chuyên gia cho biết.

Cũng theo quan điểm của các chuyên gia thì doanh nghiệp sai tới đâu xử tới đấy, chứ không thể trong 10 việc người ta sai 2 việc, đúng 8 việc mà lại xử lý doanh nghiệp sai là không đúng.

"Từ góc độ người làm chuyên môn, chuyên gia kinh tế thì việc một doanh nghiệp có hàng ngàn công nhân, sản phẩm nhập khẩu 100% nguyên liệu từ nước ngoài, người ta gia công thêm, lắp ráp tại Việt Nam và phủ tới 95% thị trường ở Việt Nam. Nếu xét về góc độ kinh tế thì việc này tốt hơn việc một người làm được 100% sản phẩm ở Việt Nam nhưng chỉ phủ được 5% thị trường Việt Nam"- chuyên gia này nêu quan điểm.

Và quan trọng nhất, theo các chuyên gia, câu chuyện ở đây không có gì nghiêm trọng khi doanh nghiệp bán hàng giá rẻ, bán cho khách hàng chỉ có ngần ấy tiền. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm nào mà người ta thích, phù hợp túi tiền của họ./.

Thái Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/san-pham-made-in-viet-nam-nguoi-tieu-dung-can-gi-20190718082521612.htm