Sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Kiểm soát nguồn gốc và chất lượng

Việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được chú trọng. Những khó khăn, bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này đã được đặt ra tại hội thảo khoa học 'Kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ' do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) tổ chức tại Đồng Tháp vừa qua.

Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm

Tại hội thảo, ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá: nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương và quốc gia, Nhà nước đã có những chính sách nhằm thiết lập cơ chế bảo hộ hữu hiệu nhất đối với các đối tượng này nói riêng và các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung. Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các địa phương và doanh nghiệp, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị thương hiệu lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Tính đến hết ngày 15/10/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã bảo hộ cho 852 đối tượng có dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 60 chỉ dẫn địa lý, 189 nhãn hiệu chứng nhận và 602 nhãn hiệu tập thể.

Tuy nhiên, xu hướng hiện nay, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi, yêu cầu khắt khe hơn đối với các sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe như nông sản, thực phẩm. Với mặt hàng này, yếu tố xuất xứ là rất quan trọng. Theo đó, bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc hàng hóa dần trở thành tiêu chuẩn quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Khó khăn và giải pháp

Tại hội thảo, ông Lưu Đức Thanh, Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm soát chỉ dẫn địa lý. Thứ nhất là chính sách, thể chế trong kiểm soát chỉ dẫn địa lý chưa có khuôn mẫu chung; Mô hình kiểm soát chưa rõ ràng, cụ thể như ai kiểm soát, kiểm soát gì, kiểm soát như thế nào? Hiện nay, các hoạt động kiểm soát chỉ dẫn địa lý này vẫn là Nhà nước, chưa có sự tham gia của cơ quan chứng nhận độc lập. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm soát đa phần mới ở trên văn bản, việc áp dụng vào thực tế còn hạn chế; chưa có sự kết nối giữa kiểm soát chỉ dẫn địa lý với hoạt động quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Chia sẻ thêm khó khăn này, đại diện Sở Khoa học Công nghệ Đồng Tháp cũng cho rằng, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh nông sản, nhất là người dân ở những vùng có chỉ dẫn địa lý gắn liền với đặc sản, về lợi ích của việc đăng ký còn chưa rõ ràng, thậm chí là hoài nghi. Một phần là do thói quen, một phần là do khâu quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, lợi ích sau khi đăng ký cũng còn hạn chế, nên không mặn mà với cái gọi là “sở hữu tập thể”.

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm đặc sản địa phương tại hội thảo

Trước những khó khăn, vướng mắc cụ thể này, các đại biểu đã cùng đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ. Ông Lưu Đức Thanh nhấn mạnh một số giải pháp như: Các địa phương cần lưu ý khi lựa chọn dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc và sản phẩm để đăng ký bảo hộ. Cụ thể, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định (theo khoản 2 Điều 79 Luật SHTT). Ông Thanh cho biết thêm, thời gian qua, một số hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Cục SHTT nhận được không thể hiện rõ hoặc không có các tiêu chí này như: sản phẩm gắn với địa lý không có danh tiếng; sử dụng địa danh hành chính mới để đăng ký mà không phải là tên gọi truyền thống (ví dụ Cừu Phan Rang hay Cừu Ninh Thuận?); sản phẩm mới, giống mới mà không phải là loại giống truyền thống (Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm sú nuôi theo quy trình công nghiệp?).

Ông Tạ Văn Tường - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội đưa ra giải pháp: hiện thành phố đang tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp theo chuỗi gắn với việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Cùng với đó là việc xây dựng, lồng ghép nhiều mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ làm tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu nông sản. Tuy vậy, ngoài sự hỗ trợ của thành phố, các chủ cơ sở, trang trại, hợp tác xã, người dân cần tuân thủ đúng quy trình sản xuất để có sản phẩm chất lượng cao. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản.

Đại diện Sở Khoa học công nghệ tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các đơn vị tư đại diện sở hữu công nghiệp, đơn vị tư vấn đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, chủ sở hữu thực hiện công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu theo hướng phát huy tính chủ động, trách nhiệm của của chủ sở hữu nhãn hiệu; thực hiện chuyển đổi các nhãn hiệu tập thể chưa được quản lý hiệu quả sang các nhãn hiệu chứng nhận; xem xét, lựa chọn các nhãn hiệu nông sản đặc thù đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ xét chọn tham gia Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020; đăng ký bảo hộ ra nước ngoài ở những thị trường tiềm năng;…

Nguyễn Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-pham-nong-nghiep-duoc-bao-ho-quyen-so-huu-tri-tue-kiem-soat-nguon-goc-va-chat-luong-112443.html