Sản phẩm OCOP Quảng Ngãi: Khát vọng vươn ra biển lớn

Quảng Ngãi định hướng phát triển các sản phẩm OCOP lên tầm cao mới, đi vào các Trung tâm thương mại không chỉ trên địa bàn mà ở nhiều tỉnh, thành, cạnh tranh với sản phẩm OCOP cả nước, kể cả các nước trong khu vực.

HTX Nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức) thành lập năm 2011, nơi đây được biết đến là cơ sở đầu tiên trồng nấm linh chi có quy mô lớn tại Quảng Ngãi.

Nấm linh chi được trồng ở HTX Nấm Đức Nhuận.

Nấm linh chi được trồng ở HTX Nấm Đức Nhuận.

Sản phẩm nấm linh chi được sản xuất với phương pháp hiện đại, đạt chuẩn 3 không: Không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng chất bảo quản.

Ngoài nấm linh chi, HTX còn trồng nấm bào ngư và đẩy mạnh chế biến nhiều loại sản phẩm từ nấm. Trải qua nhiều năm sản xuất, kinh doanh, HTX nấm Đức Nhuận đang sở hữu đến 7 sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm đạt OCOP của HTX Nấm Đức Nhuận.

Trong đó, nấm linh chi là sản phẩm OCOP 4 sao; 6 sản phẩm OCOP 3 sao là nấm bào ngư, bột nêm từ nấm bào ngư, khô sợi bào ngư, rượu linh chi và trà linh chi hạt sen, trà linh chi thảo mộc.

Theo Giám đốc HTX Nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong, khi được công nhận OCOP, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. “HTX liên tục nhận được lời mời hợp tác của các siêu thị, cửa hàng OCOP, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Các dòng sản phẩm của HTX được người tiêu dùng đón nhận khá tốt”, ông Phong nói.

Tại khu vực miền núi, sản phẩm chuối hột rừng sấy khô của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy (huyện Sơn Hà, tỉnh Quàng Ngãi) cũng mới được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Chuối hột rừng sấy khô được công nhận OCOP 3 sao.

HTX được thành lập năm 2019, và đến cuối năm 2022 đã nhận “quả ngọt” khi có sản phẩm OCOP được đánh giá 3 sao. Chứng nhận OCOP đã giúp người dân ở xã Sơn Thủy có cơ hội nâng cao được thu nhập từ sản vật quê hương.

Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy Đinh Văn Trun chia sẻ: “Chuối hột rừng được HTX thu mua lại của bà con. Mặc dù đây chưa phải là nguồn thu nhập chính nhưng cũng giúp bà con, nhất là người đồng bào có thêm đồng ra đồng vào”.

Chuối hột rừng tươi được mua từ người dân bản địa.

Hiện tại, huyện miền núi Sơn Hà sở hữu 7 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm được hỗ trợ liên kết, kí hợp đồng tiêu thụ, bày bán trong hệ thống siêu thị lớn như Big C, Coopmart hoặc cửa hàng OCOP và các nhà hàng trong tỉnh. Chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả kinh tế, thay đổi nhận thức và nâng cao thu nhập cho người dân.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 124 sản phẩm OCOP, các sản phẩm OCOP đều được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể và tạo được dấu ấn riêng trên thị trường.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 124 sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm OCOP được trưng bày và bán tại các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, các siêu thị, các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Voso.vn…

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, có 200 sản phẩm OCOP. Trong đó, có khoảng 3 đến 5 sản phẩm đạt 5 sao. 10% chủ thể OCOP có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên thực hiện mô hình theo chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Quảng Ngãi còn đưa sản phẩm OCOP để làm quà tặng phục vụ cho khách du lịch tham quan trong và ngoài tỉnh, các hội nghị, hội thảo... Bước đầu mang lại hiệu ứng tốt, giúp chủ thể bán được hàng hóa.

“Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Sở Công thương và các sở, địa phương có liên quan rà soát lại các sản phẩm OCOP được thị trường đánh giá cao để tiếp tục hỗ trợ, phát triển lên tầm mới, từ 3 sao lên 4 sao, đi vào các Trung tâm thương mại không chỉ trên địa bàn tỉnh mà cả nước. Từ đó, sản phẩm OCOP của Quảng Ngãi cạnh tranh với sản phẩm OCOP cả nước, kể cả các nước trong khu vực”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/san-pham-ocop-quang-ngai-khat-vong-vuon-ra-bien-lon.html