Sản phẩm thân thiện với môi trường: Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp

Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế các sản phẩm nhựa sẽ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Song hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm này đang gặp nhiều khó khăn từ cơ chế chính sách, nhận thức của người tiêu dùng…

Một số siêu thị đã bao buộc nhiều sản phẩm bằng lá chuối thay thế dùng túi ni lông. Ảnh: Đ.H.

Cần nhân rộng mô hình sản xuất sản phẩm thân thiện

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như nhiều quốc gia khác Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa gây ra cho môi trường. Tại Việt Nam, ước tính người dân sử dụng khoảng từ 30-40kg nhựa/năm và là một trong 4 quốc gia tại châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa, túi nilon/ngày. Số lượng bao bì nhựa và túi nilon sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Tỉ lệ chất thải bao bì, túi nilon không tái sử dụng, phải chôn lập khoảng 5-8%, tương đương khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đặc biệt, rác thải nhựa có tính chất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hệ sinh thái và tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Phát biểu tại Lễ ra quân toàn quốc “Phong trào chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND TP Hà Nội và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn... không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường”. Thủ tướng cũng đánh giá những sản phẩm được làm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường có tác dụng lớn trong bảo vệ môi trường. "Những mô hình sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường cần được nhân rộng ra cả nước và có nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa thay thế này”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đây cũng là động lực để các DN hướng tới sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho việc sản xuất các sản phẩm nhựa, túi nilon, góp phần giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa phát thải ra môi trường.

DN còn gặp nhiều khó khăn

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hiện nay, cả nước có 25 DN sản xuất bao bì đạt được cấp giấy chứng nhận túi nilon thân thiện với môi trường. Tại thị trường Việt Nam, những sản phẩm thân thiện với môi trường như: Túi sinh học phân hủy hoàn toàn; ống hút bằng được làm từ tre, giấy, cói… vẫn còn khá mới mẻ. Hơn nữa, thói quen của người dân vẫn sử dụng sản phẩm làm từ nhựa, túi nilon. Do đó, những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường cũng gặp phải không ít khó khăn.

Bà Nguyễn Lệ Hằng, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Phát triển bền vững Công ty An Thành Bicsol – Thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, có những thách thức lớn ở thị trường Việt Nam. Đó là, trong vài năm trở lại đây thị trường Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nhựa dán nhãn “tự hủy sinh học”, nhưng bản chất đó chỉ là những sản phẩm nhựa HDPE thông thường được thêm phụ gia để dễ phân rã thành vi nhựa - thành phần còn nguy hiểm hơn cả nhựa thông thường. Thế nhưng người dân lại chưa có đủ thông tin và đã tin vào khả năng “vô hại” đối với môi trường của loại sản phẩm này. Bên cạnh đó, việc sản xuất loại sản phẩm sinh học hủy hoàn toàn đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế rất cao. Hiện tại, với nguyên vật liệu 100% nhập khẩu từ Đức, quy trình sản xuất nghiêm ngặt và đạt tiêu chuẩn sinh học phân hủy hoàn toàn (Ok Compost Home và Ok Compost Industrial), giá thành của các sản phẩm AnEco của Công ty khá cao so với những sản phẩm nhựa thông thường. Hơn nữa, thị trường tràn lan các sản phẩm nhựa dùng một lần thông thường trôi nổi được gắn mác sinh học để tránh thuế môi trường với giá bán rẻ hơn rất nhiều nên sản phẩm sinh học rất khó cạnh tranh.

Đứng ở góc độ là cơ quan quản lý, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ ra những khó khăn mà DN đang gặp phải. Đó là, túi nilon và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa có giá thành rẻ, tiện lợi và nhiều ưu điểm khác nên được các DN sản xuất rất nhiều cung ứng ra thị trường. Mặt khác, DN sản xuất cũng có tâm lý e ngại khi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vào thời gian đầu khi mà việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường chưa trở thành bắt buộc. Trong khi đó, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, vay vốn… cho DN để sản xuất chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện môi trường; chưa có cơ chế khuyến khích các DN phân phối tiêu dùng chuyển đổi từ túi nilon khó phân hủy sử dụng một lần sang túi nilon dễ phân hủy, thân thiện với môi trường.

Từ thực tế trên, Bà Hằng nêu ý kiến: “Chúng tôi mong muốn sự vào cuộc của Chính phủ và các cấp ngành mạnh mẽ hơn để đưa vấn đề sử dụng tràn lan túi nilon và sản phẩm nhựa khó phân hủy vào luật định với chế tài nghiêm khắc, qua đó hạn chế và tiến tới cấm việc dùng này. Khi đó, vấn đề bảo vệ môi trường mới thực sự được giải quyết ngay từ phần gốc. Việc áp dụng chính sách thuế môi trường công bằng và triệt để đổi với DN, đơn vị sản xuất sản phẩm nilon và nhựa dùng một lần thông thường. Chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với phẩm thân thiện với môi trường mới phát huy được tác dụng".

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/san-pham-than-thien-voi-moi-truong-co-hoi-lon-cho-cac-doanh-nghiep-110284.html