Sẵn sàng 'Ba trước, bốn tại chỗ'

Quảng Ninh có địa bàn rộng, địa hình đa dạng và phức tạp cộng với diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan dẫn đến nguy cơ cao xảy ra lũ lụt, sạt lở đất, đá. Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động phối hợp triển khai nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Qua đó, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân trên địa bàn.

Chủ động các phương án

Với chức năng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh coi công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt hàng năm của LLVT tỉnh và quán triệt nhiệm vụ của từng năm, từng giai đoạn đến từng cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh.

Thường xuyên làm tốt công tác tham mưu kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cấp tỉnh, huyện đúng cơ cấu theo quy định. Phân công trách nhiệm cụ thể trong chỉ đạo, điều hành các lực lượng khi có tình huống xảy ra. Cùng với đó, hiệp đồng chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thống nhất trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến cơ sở.

Các vận động viên tham gia tranh tài nội dung vượt vật cản, huấn luyện thể lực trong Hội thi cứu hộ, cứu nạn năm 2020. Ảnh: Văn Đảm (Bộ CHQS tỉnh).

Các vận động viên tham gia tranh tài nội dung vượt vật cản, huấn luyện thể lực trong Hội thi cứu hộ, cứu nạn năm 2020. Ảnh: Văn Đảm (Bộ CHQS tỉnh).

Để chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý có hiệu quả các tình huống có thể xảy ra, LLVT tỉnh duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực PCTT-TKCN từ cơ sở đến các đơn vị cơ sở. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, khảo sát, xác định các khu vực trọng điểm để có phương án phòng, chống khi có bão, lũ xảy ra, như: Hệ thống kho tàng, doanh trại, trụ sở làm việc, hồ, đập, các khu neo đậu tàu thuyền và những khu vực hay xảy ra lốc xoáy, lũ lụt, sạt lở đất. Từ đó, xây dựng các phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; di dời nhân dân trên các làng chài vào đất liền, các khu sạt lở đất đá và đảm bảo an toàn tuyến đê biển Hà Nam. Các phương án đều được triển khai đảm bảo có sự sáng tạo, linh hoạt sát với thực tế địa phương.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm địa hình, Bộ CHQS tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Sở Chỉ huy bổ trợ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ - cứu nạn tại huyện Tiên Yên, thị xã Quảng Yên; đội liên ngành trực cứu hộ cứu nạn trên Vịnh Hạ Long.

Không chỉ dừng lại ở đó, Bộ CHQS tỉnh còn chú trọng đến công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các đối tượng. Giai đoạn 2015-2020, tuy không tổ chức diễn tập riêng nội dung này song đã được triển khai lồng ghép vào diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện và diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã kết hợp với xử trí tình huống ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Sẵn sàng ứng phó mọi tình huống

Những năm qua, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, cực đoan đã làm thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn. Từ năm 2015 đến nay đã có 20 cơn bão đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh gây mưa to, gió lớn và ngập lụt cục bộ.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Hải Hà kiểm tra vật chất, thiết bị cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: Văn Đảm (Bộ CHQS tỉnh).

Phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp huy động gần 23.000 lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực; trên 18.000 lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, 605 lượt xe ô tô các loại, 174 lượt tàu, 397 lượt xuồng ứng phó với các tình huống. Qua đó, thông báo, kêu gọi gần 52.000 lượt tàu thuyền về nơi tránh, trú an toàn; thông báo di dời trên 14.500 lồng bè, lều chòi với trên 23.500 lao động nuôi trồng hải sản trên biển và ven biển; di dời trên 11.140 hộ với gần 37.000 nhân khẩu ra khỏi nơi nguy hiểm.

Riêng 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 65 vụ thiên tai, hỏa hoạn. Theo đó, Bộ CHQS tỉnh đã huy động trên 3.500 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ với nhiều phương tiện, trang thiết bị ứng cứu kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” (Chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện, vật tư chuẩn bị trước; lực lượng, chỉ huy, vật tư, hậu cần tại chỗ).

Theo nhận định, năm 2020 và những năm tiếp theo, thiên tai còn có thể diễn biến phức tạp với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đòi hỏi công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

Đại tá Khúc Thành Dư, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ CHQS tỉnh chú trọng xây dựng, bổ sung triển khai các phương án, kế hoạch sát tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị; duy trì nghiêm chế độ trực từ Bộ CHQS tỉnh đến các đơn vị, sẵn sàng ứng phó với các sự cố; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chỉ huy hiệp đồng giữa các lực lượng, nhất là những địa bàn dễ chia cắt, cô lập, xã trung tâm. Đồng thời, nghiên cứu phương án dự trữ vật chất, đảm bảo khai thác có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập và ứng phó với các tình huống thiên tai, thảm họa...

Với tinh thần tích cực, chủ động, Bộ CHQS tỉnh luôn chuẩn bị tốt mọi mặt từ lực lượng, phương tiện đến các phương án sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết có thể xảy ra.

Hoàng Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202011/san-sang-ba-truoc-bon-tai-cho-2509584/