Sẵn sàng các phương án cho tiêu thụ vải

Dự kiến năm 2021, sản lượng vải đạt khoảng 340 nghìn tấn, tăng khoảng 30 nghìn tấn so với năm 2020. Ngay từ lúc này, các địa phương trọng điểm trồng vải đã và đang sẵn sàng các giải pháp xúc tiến thương mại cho tiêu thụ mặt hàng này.

Hiện nay, các địa phương trồng chủ lực đang sẵn sàng các giải pháp cho công tác tiêu thụ vải niên vụ 2021 (Ảnh minh họa: BT)

Dự báo niên vụ vải 2021 được mùa

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), do điều kiện thời tiết, khí hậu những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021 nhìn chung thuận lợi cho vải phân hóa hoa, ra hoa, đậu quả, do vậy, dự báo sản xuất vải phía Bắc năm 2021 tiếp tục được mùa.

Dự kiến tổng sản lượng vải đạt khoảng 340 nghìn tấn, tăng khoảng 30 nghìn tấn so với năm 2020. Trong đó, trà vải sớm ước đạt 90 nghìn tấn (chiếm khoảng 26,5% tổng sản lượng), vải chính vụ đạt 250 nghìn tấn (73,5%).

Cụ thể, tại tỉnh Bắc Giang, diện tích vải năm 2021 đạt 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15 nghìn tấn so 2020). Trong đó, đối với thị trường Trung Quốc, địa phương tiếp tục duy trì 149 mã số vùng trồng, với diện tích 15.856 ha (chiếm 56,4% tổng diện tích vải); sản lượng ước đạt 95.000 tấn (chiếm gần 52,8% tổng lượng sản lượng vải). Tổng số cơ sở đóng gói duy trì, cấp mới bổ sung là 300 cơ sở, đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

Đối với thị trường Nhật Bản, tổng diện tích mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường này trên địa bàn tỉnh đạt 219,45 ha, với 30 mã số vùng trồng, 260 hộ nông dân tham gia, sản lượng khoảng 1.860 tấn. Với thị trường này, địa phương duy trì 1 cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói đáp ứng nhu cầu phục vụ xuất khẩu.

Đối với thị trường Mỹ, Úc, EU,... Bắc Giang tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích 218 ha tại huyện Lục Ngạn, sản lượng 1.850 tấn.

Tại tỉnh Hưng Yên, diện tích vải năm 2021 có khoảng 1.400 ha, sản lượng ước đạt 15.000-16.500 tấn, cao hơn năm 2020 từ 10-20%. Địa phương tiếp tục duy trì 90 ha vải đã được cấp chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Dự kiến năm 2021 tiếp tục chứng nhận cho 27 ha vải, nâng tổng diện tích vải được chứng nhận đạt 117 ha.

Tại tỉnh Hải Dương, hiện có 9.168 ha vải, trong đó vải sớm chiếm khoảng 30% diện tích, vải chính vụ chiếm 70% diện tích. Dự kiến sản lượng vải quả 55.000 tấn, tăng khoảng 15 nghìn tấn so với niên vụ năm 2020.

Trên địa bàn tỉnh, có 45 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Nhật Bản, diện tích 500ha; 9 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Thái Lan, diện tích gần 100ha; 77 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, diện tích gần 1.000ha.

Sẵn sàng cho công tác tiêu thụ vải

Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay, Sở NN&PTNT các tỉnh sản xuất vải chủ lực đã và đang tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu vải năm 2021.

Tại tỉnh Bắc Giang, đối với thị trường Nhật Bản, Sở NN&PTNT địa phương đã phối hợp Cục Bảo vệ Thực vật, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn) tiến hành kiểm tra các điều kiện cần thiết về xông hơi khử trùng quả vải tươi phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đến nay công tác sơ chế, bảo quản, xông hơi khử trùng tại Công ty Toàn Cầu đã được chuẩn bị đầy đủ, các điều kiện cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản.

Về việc cần có chuyên gia giám sát công tác xông hơi khử trùng trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, thông tin của Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đến nay phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam về giám sát công tác xông hơi khử trùng. Đồng thời, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị hỗ trợ 2 chuyên gia của Cục để giám sát công tác xông hơi khử trùng và thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu, ở ngay tại Công ty Toàn Cầu (Lục Ngạn) trong suốt thời gian thu hoạch vải để đáp ứng cho việc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được thuận lợi.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã mời gọi được 5 doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, đến nay, phía Trung Quốc đã chấp thuận thêm 11 cơ sở đóng gói mới năm 2021 (huyện Lục Ngạn 7, Yên Thế 4) nâng tổng số cơ sở đóng gói toàn tỉnh hiện nay là 300 cơ sở, về cơ bản đủ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn nông dân cách thu hoạch, sơ chế, nhặt lá, cắt cuống theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

Với thị trường EU, Mỹ, Úc, Sở NN&PTNT phối hợp với huyện Lục Ngạn, Tân Yên tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát nông dân thực hiện đúng quy trình để đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu.

Dự kiến doanh nghiệp Chánh Thu sẽ là đơn vị xuất khẩu lô vải đầu tiên sang thị trường EU (vải sớm Tân Yên). Đến nay công tác chuẩn bị về sơ chế, đóng gói, xử lý lưu huỳnh phục vụ thị trường này được đặt tại công ty Toàn Cầu đang được các doanh nghiệp chuẩn bị.

Tại tỉnh Hưng Yên, để sẵn sàng cho công tác tiêu thụ vải, địa phương đã đặt sản xuất trên 10 nghìn bao bì đựng và trên 200 nghìn tem truy xuất nguồn gốc hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, địa phương sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021 theo Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 21/10/2020 của UBND tỉnh, trong đó có phiên chợ vải lai chín sớm năm 2021.

Với tỉnh Hải Dương, ngay từ đầu tháng 1/2021, địa phương đã làm việc với Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) về chương trình kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Hải Dương năm 2021. Đặc biệt, Hải Dương đã làm việc với một số sàn giao dịch thương mại điện tử như: Voso, Alibaba, Ladaza, VN Post,… để lên kế hoạch đưa vải và nông sản của tỉnh lên sàn và bán hàng ngay từ đầu vụ vải năm 2021.

Bên cạnh đó, từ đầu vụ đến nay, địa phương đã làm việc với trên 200 doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ vải trong và ngoài nước. Trong đó, một số công ty xuất khẩu đã đặt hàng thu mua trên 2.000 tấn vải để xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Singapore, EU,…

Một số tập đoàn bán lẻ cũng đã đặt hàng gần 5.000 tấn vải để bán vào hệ thống siêu thị và hệ thống cửa hàng nông sản sạch trên toàn quốc. Các đầu mối thu mua vải đã lên kế hoạch thu mua trên 40.000 tấn vải để xuất khẩu đi Trung Quốc và các chợ đầu mối trên toàn quốc.

Theo Cục Trồng trọt, để sẵn sàng cho công tác tiêu thụ vải, trước mắt, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển lưu thông vải vụ năm 2021 để đảm bảo tiêu thụ, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho nông dân. Đồng thời, cần chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ nội địa; giữ vững các thị trường xuất khẩu lớn, các thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường lớn./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/san-sang-cac-phuong-an-cho-tieu-thu-vai-580722.html