Sẵn sàng cho các giải đấu trở lại

Sau thời gian dài nghỉ thi đấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thể thao Việt Nam đã tập luyện trở lại, sẵn sàng cho các giải đấu sắp tới. Ngoài việc tích cực rèn tập, các vận động viên cũng phải thích nghi với trạng thái 'bình thường mới', để vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đạt thành tích tốt nhất khi các giải đấu được tổ chức.

Vận động viên đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia tích cực tập luyện, sẵn sàng khi các giải đấu được tổ chức trở lại. Ảnh: Ngọc Tú

Thích nghi với tình hình mới

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động tập luyện của vận động viên các đội tuyển trên toàn quốc đã chính thức trở lại. Mặc dù trong thời gian ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19, các vận động viên vẫn tập luyện, song khối lượng không thể như bình thường. Do đó, các vận động viên phải mất nhiều thời gian tập luyện khi tập trung trở lại mới có thể đạt phong độ như trước.

Đơn cử như đội tuyển cử tạ Hà Nội, để lấy lại nhịp tập luyện, các vận động viên phải mất ít nhất ba tuần. Vận động viên cử tạ Vương Thị Huyền cho biết, đối với bộ môn yêu cầu cao về thể lực như cử tạ, việc “tập chay”, không sử dụng tạ, không thể đạt thể lực tốt nhất. Theo Phó Trưởng bộ môn cử tạ Hà Nội Nguyễn Thị Tài, cùng với việc khôi phục hoạt động luyện tập, Ban huấn luyện còn động viên các tuyển thủ không lo lắng về thành tích, kiên trì bám giáo trình luyện tập, không nóng lòng đốt cháy giai đoạn, dẫn đến nguy cơ chấn thương, ảnh hưởng đến thành tích lâu dài.

Cũng với tinh thần đó, ở đội tuyển trẻ thể dục dụng cụ Hà Nội, huấn luyện viên Hoàng Cường cho rằng, các vận động viên cần ít nhất 2 tuần để cơ thể đạt tiêu chuẩn dẻo dai, mềm mại, trước khi bắt đầu vào các bài tập chuyên sâu, không thể ngay lập tức tiếp cận với các bài tập nặng, đòi hỏi thể lực, kỹ thuật cao.

Phương châm “không vội vã” cũng được áp dụng tại nhiều đội tuyển khác của Hà Nội, như: Điền kinh, wushu, bi sắt, bóng bàn, taekwondo, vật, pencak silat… Dù nhiều vận động viên rất nóng lòng khôi phục lại phong độ ban đầu, song các đội tuyển đều tập trung hướng dẫn tập luyện để dần lấy lại thể lực, hạn chế tối đa chấn thương, chuẩn bị cho các giải đấu trước mắt.

Riêng với bóng đá, sau khi được tập luyện trở lại, hầu hết các đội bóng của Việt Nam đã tiếp tục với guồng quay của trái bóng tròn. Đặc biệt là các đội hạng Nhất đều ráo riết rèn thể lực, tích cực liên hệ các đội bạn để thi đấu cọ xát nhằm chuẩn bị tốt nhất cho vòng 1, Cúp Quốc gia 2020.

Dồn lực cho những mục tiêu quan trọng

Ngay từ những ngày đầu tháng 5, không khí tập luyện của vận động viên tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia đã rất sôi nổi, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các giải đấu quốc nội và quốc tế sắp trở lại. Và một trong những ưu tiên hàng đầu, đó là dồn lực cho hai mục tiêu lớn của thể thao Việt Nam: Giành thêm những tấm vé tham dự Olympic Tokyo và chuẩn bị cho SEA Games 31 diễn ra vào năm 2021.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục, thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đức Phấn cho biết, dự kiến, các giải đấu thành tích cao được khởi động trở lại từ tháng 6-2020 và chỉ có các giải đấu chính, nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia được tổ chức. Còn các giải khác sẽ phải hủy hoặc gộp lại thi đấu chung. “Không thể dồn toàn bộ giải đấu của 6 tháng đầu năm tổ chức hết vào 6 tháng cuối năm 2020, vì còn rất nhiều vấn đề liên quan, như địa điểm thi đấu, kinh phí.và cả việc luyện tập của vận động viên”, ông Trần Đức Phấn cho biết thêm.

Cùng với việc chuẩn bị điều kiện để các giải đấu khởi tranh trở lại, thể thao Việt Nam luôn quan tâm bảo đảm an toàn cho các vận động viên. Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng, các quy định về phòng, chống dịch trong tập luyện của các vận động viên luôn được thực hiện nghiêm túc, nhằm tạo thói quen mới, văn minh và an toàn hơn cho chính người trong cuộc.

Hướng tới mục tiêu tham dự Olympic Tokyo 2021 và chuẩn bị cho SEA Games 31-2021, Tổng cục Thể dục, thể thao đã triệu tập các vận động viên của 42 đội tuyển quốc gia, 57 đội tuyển trẻ quốc gia, 42 bác sĩ, 28 chuyên gia; đồng thời, chỉ đạo các bộ môn, liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia phối hợp, triển khai kế hoạch tập luyện, tập huấn. Tổng cục Thể dục, thể thao cũng xác định rõ nhóm vận động viên trọng điểm đầu tư hướng tới SEA Games 31-2021 và xa hơn là trở thành lực lượng kế cận, tranh tài tại các giải đấu lớn, như: Asian Games, Olympic, Olympic trẻ... và phấn đấu hoàn thành mục tiêu giành 20 suất tham dự Olympic Tokyo 2021.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục, thể thao Vương Bích Thắng cho biết, Tổng cục đã điều chỉnh kế hoạch tổ chức thi đấu quốc gia, quốc tế, điều chỉnh chỉ tiêu thành tích thể thao năm 2020 và phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 61/2018/ TT-BTC quy định về chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao, đáp ứng yêu cầu ứng phó với tình hình mới nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Ngân Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/968246/san-sang-cho-cac-giai-dau-tro-lai