Sẵn sàng cho năm học mới

Những ngày này, ngành GD&ĐT cùng các địa phương đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ hè; các trường học trong tỉnh đã sẵn sàng bước vào năm học mới 2022 - 2023.

Để tạo môi trường sạch, đẹp, an toàn, Trường Tiểu học Tịnh Đông (Sơn Tịnh) đã tu sửa trường lớp, sắp xếp lại đồ dùng giảng dạy. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tịnh Đông Lê Thị Kim Hạnh cho biết, nhà trường đã kiểm tra lại cơ sở vật chất; đồng thời, rà soát lại đội ngũ giáo viên để đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM). Nhà trường cũng đã vệ sinh trường lớp, sắp xếp bàn ghế, phân công giáo viên trang trí lại lớp học, sẵn sàng cho năm học mới.

Trường học ở huyện Sơn Tây chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới 2022 - 2023.

Trường học ở huyện Sơn Tây chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới 2022 - 2023.

Để năm học mới diễn ra theo kế hoạch và đạt hiệu quả cao, trong dịp hè, ngành GD&ĐT huyện Minh Long đã tiến hành bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, bồi dưỡng cho học sinh có học lực yếu... Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Minh Long Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay, Phòng GD&ĐT huyện đã tiến hành kiểm tra các trường học về điều kiện công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, trường lớp, giáo viên đứng lớp. Đến nay, tất cả các trường học trên địa bàn huyện đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng khai giảng năm học mới vào ngày 5/9.

Trước khi bước vào năm học mới, Trường THPT Trà Bồng đã sửa chữa 6 phòng học. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng Võ Hồng Trường thông tin, cùng với việc tích cực chỉnh trang lại cơ sở vật chất, tu sửa bàn ghế, nhà trường đã hướng dẫn cho học sinh khối 10 đăng ký tổ hợp các môn học tự chọn. Nhà trường đã thực hiện rà soát, đánh giá đội ngũ giáo viên, xây dựng các giải pháp triển khai nhiệm vụ năm học và khắc phục những khó khăn, ổn định việc dạy và học ngay từ đầu năm.

Năm nay, ngành GD&ĐT huyện Sơn Tây được đầu tư gần 9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương cho 18 đơn vị trường học sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục, đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPTM. Trong đó, các trường tập trung sửa chữa, nâng cấp bếp ăn bán trú, các phòng học xuống cấp. “Ngoài nguồn ngân sách địa phương, các trường cũng chủ động trích nguồn kinh phí thường xuyên để sửa chữa một số hạng mục nhỏ. Đặc biệt là, từ khi thực hiện Chương trình GDPTM, nhiều trường đã dùng nguồn tự chủ để mua sách giáo khoa cho học sinh, giúp các em yên tâm học tập”, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Nguyễn Văn Hiến cho biết.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái, cơ sở vật chất của các trường học phần lớn chỉ đạt ngưỡng tối thiểu. Vì khi thực hiện Chương trình GDPTM đòi hỏi những tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cao hơn rất nhiều so với chương trình hiện hành. Sở GD&ĐT đã tham mưu tỉnh ban hành Đề án phát triển cơ sở vật chất của ngành giáo dục và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng, mua sắm theo lộ trình.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2027/202208/san-sang-cho-nam-hoc-moi-3132307/