Sẵn sàng đánh thắng 'giặc lửa'

Nhắc đến lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) là nhắc đến sự vất vả, hy sinh lặng thầm. Hằng đêm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trực chiến giữa thời bình để khi có sự cố cháy, nổ, những tai nạn cần cứu hộ khẩn cấp là sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ đánh thắng 'giặc lửa', vì cuộc sống bình yên cho nhân dân…

Một ca trực của các chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân.

Một ca trực của các chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân.

Vì bình yên cuộc sống

Nằm trong khu dân cư đông đúc của phường Hạ Đình, doanh trại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân lúc nào cũng có lực lượng trực, sẵn sàng bảo đảm công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn quản lý, chi viện kịp thời cho các quận, huyện lân cận khi có “giặc lửa” hoặc yêu cầu cần cứu nạn, cứu hộ.

Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, từ 5h30 hằng ngày, 66 cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tập trung luyện tập thực hành nhiệm vụ triển khai lực lượng lên nhà cao tầng với trang thiết bị chữa cháy nặng hàng chục kilôgam trên vai. Đến 22h30 hằng ngày, nếu không xảy ra sự cố phải tác chiến, doanh trại tạm đóng cửa để cán bộ, chiến sĩ nghỉ ngơi, nhưng khi có hiệu lệnh của chỉ huy là tất cả sẵn sàng lên đường.

Nhiều ngày nay, bước vào cao điểm kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các quán karaoke nên cả doanh trại dường như không ngủ. Cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn trong tình trạng trực chiến. Có những chiến sĩ đang tắm, đầu còn nguyên bọt xà phòng, khi nghe hiệu lệnh vẫn nghiêm chỉnh cơ động ra tập hợp theo kíp trực. Có thời điểm mâm cơm vừa bày ra nhưng nghe qua bộ đàm thông báo xảy ra vụ cháy ở đâu đó, cả đơn vị lại bỏ dở bữa, nai nịt gọn gàng, mang theo đầy đủ thiết bị, sẵn sàng lao vào trận chiến đấu mới.

Là đơn vị thường trực chiến đấu, nên nỗi vất vả của người lính cứu hỏa khó sẻ chia cùng ai. Binh nhất Nguyễn Vĩnh Phát nhà ở phường Phương Liệt (quận Đống Đa), chỉ cách đơn vị chưa đầy 2km, nhưng 3 tháng nay chưa về. Nhiều lúc nhớ mẹ, nhớ nhà quá, Phát tranh thủ lúc tập luyện đứng trên chòi cao nhìn về phía nhà mình cho nguôi ngoai nỗi nhớ. Phát chính là đồng đội cùng trang lứa với liệt sĩ Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc (Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy) vừa hy sinh anh dũng. Khi nghe tin bạn nằm xuống giữa lúc cũng vào một ca trực chiến, Phát đã nén những giọt nước mắt lăn dài để hoàn thành nhiệm vụ. Tấm gương hy sinh của đồng đội chính là động lực để Phát quyết tâm hơn với công việc được giao.

Trong Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân, cán bộ, chiến sĩ đã coi nhau như anh em từ một lẽ tự nhiên là luôn xác định vì nhân dân phục vụ. Tự hào về những người lính của mình, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân tâm sự, trong bất cứ nhiệm vụ nào như vận động nhân dân loại bỏ “chuồng cọp”, tạo lối thoát hiểm, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn… người dân quận Thanh Xuân luôn tin tưởng, đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của các anh.

Điều này cũng được Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Đỗ Vân Long khẳng định, trong công tác phòng, chống cháy, nổ làng nghề truyền thống Triều Khúc, xã Tân Triều, người dân luôn biết ơn và cảm phục những người lính cứu hỏa lúc nào cũng thân thiện và tâm huyết.

Để mỗi tuyến phố, nếp nhà được an toàn

Được ví như “ông Ngâu, bà Ngâu” trong lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, câu chuyện của vợ chồng Thượng úy Trình Thanh Dũng (Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân) và Thượng úy Lê Thị Hường (Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Đống Đa) được nhắc đến như tấm gương vượt khó hoàn thành nhiệm vụ. Không nói về bề dày thành tích 11 năm công tác của hai vợ chồng, chỉ riêng việc trong lúc cả xã hội giãn cách vì dịch Covid-19, Thượng úy Hường một mình trở dạ sinh con trong khi chồng phải ứng trực ở chốt bảo vệ khu cách ly đã thấy những người lính phải hy sinh hạnh phúc cá nhân như thế nào.

Đó là thời điểm năm 2021, ngõ 328 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) trở thành ổ dịch Covid-19 lớn. Ròng rã gần 2 tháng làm nhiệm vụ trong khu cách ly, được tin vợ “vượt cạn” một mình khi không có chồng ở bên, thương vợ ứa nước mắt nhưng Thượng úy Trình Thanh Dũng cũng chỉ biết động viên bằng những dòng tin nhắn và nhờ gia đình hai bên cùng đồng chí, đồng đội lo toan giúp.

Trung thu năm nay cũng vậy, hai vợ chồng hẹn nhau cùng đưa con đi chơi đêm rằm nhưng vì địa bàn xảy ra sự cố cháy, Thượng úy Trình Thanh Dũng nhận lệnh tăng cường của đơn vị nên anh đành lỗi hẹn, khoác vội bộ quân phục lao từ nhà riêng ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông tới hiện trường. Kết thúc trận đánh “giặc lửa” cũng là lúc thành phố đã đi ngủ từ lâu. Thượng úy Trình Thanh Dũng lúc này mới mỉm cười hạnh phúc khi vợ gửi những bức ảnh vui với con trẻ đón Trung thu ấm áp cùng đồng đội và bà con khu phố. Những hình ảnh giản dị đó cũng được đồng đội cùng kíp trực truyền tay nhau sẻ chia...

Cùng với tâm thế trực chiến 24/24h, càng đến Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4-10), phòng làm việc, nơi nghỉ ngơi của 3 liệt sĩ: Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc ở Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy lại có thêm nhiều bó hoa tươi. Hoa trải ngát thơm một góc phòng là nơi đặt những chiếc mũ cứu hỏa sạm khói, chiếc đèn pin cháy đen và những di vật các anh để lại.

Trung tá Trương Tuấn Vinh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy nghẹn lời khi nhắc về những người ngã xuống. Phúc và Việt đều còn rất trẻ, nhiệt tình, luôn chan hòa với anh em đồng đội. Phúc bảo em yêu công việc của người lính cứu hỏa, muốn trải nghiệm và cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho lực lượng.

“Đồng chí Đặng Anh Quân là người chỉ huy mẫu mực, luôn yêu thương và quan tâm đến cấp dưới, nhất là cán bộ trẻ. Anh để ý từ bữa ăn, giấc ngủ của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Lúc nào anh cũng cười rất tươi. Nụ cười của anh như còn mãi…”. Mới chỉ nhắc đến vậy, nước mắt Trung tá Trương Tuấn Vinh đã trào ra. Các anh cũng thầm hứa sẽ noi gương đồng chí, đồng đội để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, bảo đảm cho mỗi tuyến phố, nếp nhà được an toàn.

…Những ngày này, khi mùa hanh khô sắp bắt đầu, nắng thu vẫn hầm hập hắt lửa và thông tin về cháy xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở nhiều nơi thì cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội càng nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu với "giặc lửa". Khi có lệnh từ Trung tâm chỉ huy, Công an thành phố Hà Nội báo có cháy, tai nạn cần cứu nạn, cứu hộ là họ lập tức lên đường, vì bình yên cuộc sống. Hình ảnh đó sẽ luôn im đậm trong lòng mỗi người dân Thủ đô…

Triệu Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/1042285/san-sang-danh-thang-giac-lua