Sẵn sàng để thích ứng

Ngay từ đầu tháng 4-2020, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức triển khai dịch vụ nộp tiền gia hạn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đóng tiếp tiền BHXH tự nguyện trực tuyến đối với người tham gia và nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trực tuyến đối với đơn vị sử dụng lao động. Với việc thực hiện dịch vụ trên nền tảng ứng dụng eBanking của BIDV, cá nhân và đơn vị tham gia BHXH, BHYT không còn phải trực tiếp đóng tiền mặt như cách làm trước đây. Có thể nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi việc giãn cách xã hội cần được tăng cường, giải pháp này được xem là rất phù hợp.

Ngay từ đầu tháng 4-2020, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức triển khai dịch vụ nộp tiền gia hạn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đóng tiếp tiền BHXH tự nguyện trực tuyến đối với người tham gia và nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trực tuyến đối với đơn vị sử dụng lao động. Với việc thực hiện dịch vụ trên nền tảng ứng dụng eBanking của BIDV, cá nhân và đơn vị tham gia BHXH, BHYT không còn phải trực tiếp đóng tiền mặt như cách làm trước đây. Có thể nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi việc giãn cách xã hội cần được tăng cường, giải pháp này được xem là rất phù hợp.

Theo Hiệp hội An sinh xã hội thế giới (ISSA), cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đang làm thay đổi cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, các tổ chức an sinh xã hội (ASXH) cũng phải đối mặt với những thách thức lớn khi phải đáp ứng sự gia tăng về nhu cầu sử dụng dịch vụ để thụ hưởng lợi ích của người tham gia; đồng thời phải đối mặt với những hạn chế về nguồn nhân lực, quy trình vận hành và kênh cung cấp dịch vụ. Ðáng chú ý, với việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh được áp dụng tại nhiều quốc gia, nhiều dịch vụ ASXH vốn được thực hiện trực tiếp để đáp ứng các nhu cầu cá nhân đã bị hạn chế. Ðiều đó đòi hỏi các tổ chức ASXH phải thay đổi cách tiếp cận trong cung ứng dịch vụ, nhằm giảm tương tác cá nhân, thậm chí trong nhiều trường hợp còn phải loại bỏ các dịch vụ trực tiếp. Mặc dù những năm qua, nhiều tổ chức đã phát triển dịch vụ điện tử để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, nhưng đại dịch Covid-19 đòi hỏi phải có những biện pháp cải cách hệ thống và quy trình hiện có để nâng cao khả năng thích ứng với tốc độ và quy mô chưa từng có. Ðối với nhiều tổ chức, việc đóng cửa văn phòng đã tạo ra nhu cầu cấp thiết phải phát triển và mở các kênh dịch vụ điện tử mới trong thời gian rất ngắn.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 chính là một "phép thử" khốc liệt đối với các tổ chức ASXH trong việc sử dụng công nghệ để giải quyết những thách thức đang đặt ra, dù vấn đề này đã được các tổ chức thành viên ISSA quan tâm từ rất sớm và mới đây đã được "hệ thống hóa" tại Diễn đàn ASXH thế giới.

Là cơ quan được giao trọng trách thực hiện BHXH, BHYT - những chính sách trụ cột của hệ thống chính sách ASXH tại Việt Nam; đồng thời cũng là thành viên của ISSA, trong nhiều năm qua, BHXH Việt Nam đã luôn quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông vào quản lý cũng như các hoạt động nghiệp vụ. Từ cách làm việc thủ công, đến nay BHXH Việt Nam đã trở thành đơn vị hàng đầu về ứng dụng CNTT trong số các cơ quan nhà nước có dịch vụ công tại Việt Nam. Ngoài phương thức giao dịch trực tiếp, ngành đã triển khai giao - nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính và tại thời điểm này đã cung cấp được gần 30 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với hàng chục triệu hồ sơ giao dịch điện tử đã được xử lý; tiên phong triển khai cung cấp dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cũng trên nền tảng ứng dụng CNTT, ngành BHXH đã xây dựng hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ như tin nhắn (SMS); ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống hỗ trợ khách hàng tự động; thiết lập Fanpage truyền thông trên mạng xã hội…, qua đó thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức và người dân thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, tiết kiệm… Những giải pháp đó không chỉ được Ðảng, Nhà nước, người dân, các tổ chức quốc tế và khu vực đánh giá cao mà còn trở thành nền tảng quan trọng để BHXH Việt Nam sẵn sàng "thích ứng" với những yêu cầu từ thực tiễn, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Việc vận hành thông suốt hệ thống đã bảo đảm tốt quyền lợi của người tham gia; đồng thời góp phần tích cực bảo đảm ASXH trong giai đoạn khó khăn này.

Hoàng Hưng

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/44246302-san-sang-de-thich-ung.html