Sẵn sàng đối phó với Zika

Trước tốc độ lây lan của dịch bệnh do vi rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ, chiều 2-2, Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến khẩn cấp giữa điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bàn các phương án đối phó với dịch bệnh này trong dịp tết Nguyên đán và mùa đông xuân.

Diệt muỗi là một trong những biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh Zika. Ảnh: Đức Nghiêm

Dịch bệnh có thể xâm nhập và lây lan

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (CDC US) tại Việt Nam, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Indonesia… đã ghi nhận các ca nhiễm vi rút Zika, vì vậy nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam không nhỏ. Đề cập đến tình hình dịch bệnh, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vi rút Zika được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes.

Đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu với thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác phòng dịch là khoảng 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Theo đại diện WHO tại Việt Nam, năm 2015 ghi nhận các vụ dịch lan rộng ở khu vực Trung và Nam Mỹ, đặc biệt tại Brazil, đồng thời ghi nhận rải rác tại một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và New Caledonia. Tính đến nay, đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang lây lan mạnh là Brazil, Colombia, Mexico...

Ngày 1-2, WHO đã tổ chức cuộc họp Ủy ban Tình trạng khẩn cấp và thống nhất rằng: Có một sự liên quan khá rõ ràng giữa việc nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai của người mẹ và chứng não nhỏ của trẻ sơ sinh dù chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ chứng minh. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch, do đó thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca bệnh.

Chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Zika tại Việt Nam, tuy nhiên, ông Anthony, Giám đốc CDC US tại Việt Nam cho rằng: Nguy cơ dịch có thể xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hằng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt người nhập cảnh và trên 170.000 lượt người xuất cảnh. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam đang lưu hành bệnh SXH. "Ngoài giám sát tại các cửa khẩu, cơ quan chức năng ở Việt Nam cần giám sát tại các điểm đang lưu hành dịch SXH, nhất là xét nghiệm các ca bệnh SXH xem có mối liên quan với vi rút Zika để xác định vi rút này có lưu hành trong nước hay không", ông Anthony khuyến cáo.

Tổ chức 30 điểm giám sát vi rút Zika

Tại khu vực phía Nam, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh Phan Trọng Lân cho biết: Hệ thống dự phòng đã triển khai 10 điểm giám sát Zika tại các tỉnh, thành phố phía Nam trên cơ sở lồng ghép với chiến dịch phòng chống SXH. Về chẩn đoán xét nghiệm, Viện Pasteur đang từng bước hoàn thiện việc chẩn đoán, xét nghiệm với hơn 1.000 mẫu, sẵn sàng ứng phó và phát hiện dịch kịp thời những ca bệnh đầu tiên.

Còn tại khu vực phía Bắc, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương nhấn mạnh: Việt Nam đủ khả năng xét nghiệm vi rút Zika và cho kết quả sau 6 tiếng đồng hồ. Miền Bắc cũng đã triển khai khoảng 20 điểm giám sát vi rút Zika. "Nguy hại nhất của dịch bệnh do vi rút Zika là các bà mẹ nhiễm vi rút này sẽ sinh ra con mắc chứng não nhỏ. Vì vậy, nếu Việt Nam xảy ra dịch bệnh này sẽ phải tiến hành siêu âm, kiểm tra những bà mẹ đang mang thai trong 3 tháng đầu", ông Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

Biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút này không rõ ràng, thách thức công tác chẩn đoán, vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo, việc phòng bệnh xâm nhập là quan trọng nhất hiện nay. Nếu không có nhu cầu cần kíp, người dân cần hạn chế đi đến vùng có dịch, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Các cửa khẩu hàng không cần kiểm soát chặt chẽ đối tượng xuất nhập cảnh từ vùng có dịch, cùng với đó là đẩy mạnh việc giám sát phát hiện ca nghi ngờ.

Người đứng đầu ngành Y tế cũng lưu ý, theo quy luật, thời điểm hiện nay dịch bệnh SXH đáng lẽ phải chấm dứt, thế nhưng trên thực tế, dù thời tiết chuyển lạnh nhưng dịch bệnh SXH vẫn gia tăng tại một số nơi. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu: Ngoài việc tăng cường việc giám sát các ổ dịch SXH đang lưu hành xem có mối liên quan với vi rút Zika hay không, các Viện phải tiến hành nghiên cứu vi rút Dengue gây bệnh SXH có sự biến đổi và các hóa chất phun diệt muỗi Aedes còn phát huy hiệu quả.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Nguyễn Văn Kính cảnh báo về một số dịch bệnh có nguy cơ gia tăng trong dịp Tết, trong đó đáng lưu ý là bệnh liên cầu khuẩn lợn do thói quen ăn tiết canh, thịt sống không bảo đảm vệ sinh. Trong năm 2015, ghi nhận 96 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 13 trường hợp tử vong. Ngay trong những ngày gần Tết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận 4 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/824074/san-sang-doi-pho-voi-zika