Sẵn sàng hàng hóa phục vụ Tết Canh Tý 2020

Nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa dịp Tết cổ truyền của dân tộc, một trong những giải pháp hàng đầu của ngành Công Thương Hà Nội là chú trọng tập trung công tác theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường mặt hàng phục vụ Tết, trong đó đặc biệt quan tâm đến mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm có thể thay thế được thịt lợn về giá cả, nguồn cung, tình hình nhập khẩu mặt hàng để kịp thời điều tiết, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân.

Nguồn hàng dồi dào

Năm nay, Tết Nguyên đán đến khá sớm, nên việc chuẩn bị hàng hóa Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch triển khai tương đối đầy đủ. Ngay từ tháng 11, hàng loạt các chương trình như: Tháng khuyến mãi Hà Nội, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam… đã được thành phố tổ chức nhằm cung cấp thêm nhiều đặc sản và hàng hóa cho người tiêu dùng Thủ đô.

Các sản phẩm này đều có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận VietGAP, xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn… Tất cả các thông tin liên quan đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm được niêm yết công khai và giữ nguyên giá sau khi sản phẩm được kết nối, tiêu thụ tại Hà Nội.

Hà Nội sẵn sàng hàng hóa phục vụ Tết Canh Tý 2020.

Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết gồm: 191.400 tấn gạo; 44.600 tấn thịt lợn; 14.800 tấn thịt gia cầm; 12.306 tấn thịt bò; 260 triệu quả trứng; 247.400 tấn rau, củ; 12.800 tấn thực phẩm chế biến; 11.364 tấn thủy, hải sản; 3.500 tấn nông, lâm sản; 3.000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 200.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy. Như vậy, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.

Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ Tết; các chuyến bán hàng lưu động tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội… để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo nguồn cung không bị thiếu hụt, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố khác để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn; triển khai hiệu quả chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu và chương trình dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai.

Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn và doanh nghiệp dự trữ hàng hóa phòng, chống lụt bão chủ động về hàng hóa, giá cả để góp phần ổn định thị trường trong dịp Tết, bảo đảm cung ứng cho người dân trong trường hợp xảy ra mưa bão, úng ngập những tháng cuối năm.

Không để thiếu thịt lợn

Báo cáo của Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho thấy, dịch tả lợn châu Phi đã làm chết khoảng 543,7 nghìn con lợn, trong khi đó nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn rất cao nên việc tái đàn còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu của người dân trong dịp Tết là khoảng 22.300 tấn lợn hơi/tháng, tăng khoảng 18% đến 20% so với các tháng khác, điều này khiến nguồn cung thịt lợn ngày càng khan hiếm, thêm vào đó Tết Nguyên đán năm nay đến sớm nên giá tăng cao từ quý IV năm nay.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nguồn cung mặt hàng thịt lợn đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Cụ thể, sản lượng thịt lợn xuất chuồng của tháng 12/2019 tăng so với tháng trước, do số lượng lợn đến lứa xuất chuồng và nhu cầu của người dân tăng cao nên các đơn vị giết mổ tăng cường thu mua lợn từ các nguồn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng khẳng định sẽ bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết, qua đó góp phần ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý.

Căn cứ kết quả thực hiện Tết năm 2019, cũng như dự báo mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng của Hà Nội, từ các tỉnh, thành phố và dự trữ hàng hóa với mức tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc tình trạng tồn kho hàng hóa sau Tết.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến. Cùng với đó, nhiều đơn vị cũng đã lên phương án để sẵn sàng vận chuyển một lượng lớn thịt lợn từ thị trường phía Nam đưa ra tiêu thụ tại Hà Nội.

Ngoài ra, cũng trong dịp đón Tết nguyên đán cổ truyền, Hà Nội cũng đã lên kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua website thương mại điện tử, mạng xã hội... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp có biện pháp vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động nhằm ổn định thị trường, giá cả.

Đặc biệt, để tránh tình trạng người chăn nuôi, tiểu thương kinh doanh găm hàng, đẩy giá, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.

Anh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/san-sang-hang-hoa-phuc-vu-tet-canh-ty-2020-101619.html