Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó hiệu quả mọi tình huống thiên tai

Những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã chủ động, tích cực triển khai công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn (PCTT, TK, CHCN). Nhân Ngày truyền thống PCTT (22-5), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Trung tướng Ngô Quý Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM)-Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN về những kinh nghiệm, giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết khái quát về công tác PCTT ở nước ta thời gian qua?

Trung tướng Ngô Quý Đức: Trước sự biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu, những năm qua, tình hình thiên tai ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nhất là những cơn bão mạnh có xu hướng tăng, xuất hiện và kết thúc không theo mùa. Vì vậy, công tác PCTT ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn, khi thiên tai xảy ra vẫn còn gây ra thiệt hại lớn.

Mặc dù chúng ta đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra và cũngđã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong thực tế vẫn còn bộc lộ những hạn chế, như: Nguồn lực đầu tư cho các hoạt động PCTT còn ít; hệ thống công trình PCTT chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong điều kiện BĐKH hiện nay. Trang thiết bị CHCN còn thiếu và lạc hậu, có nơi trang bị không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Việc thực hiện lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các quy hoạch ngành của các địa phương còn những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Công tác dự báo, cảnh báo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt đối với các trận bão có diễn biến phức tạp, lũ quét trên các sông, suối ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên... Điều đáng nói là, nhận thức của cộng đồng về công tác PCTT còn hạn chế. Do vậy, khi có dấu hiệu của thiên tai, Trung ương và cấp tỉnh chỉ đạo quyết liệt, nhưng cấp dưới và một bộ phận nhân dân triển khai chưa tốt, thậm chí còn có tư tưởng chủ quan, trông chờ dẫn đến những thiệt hại không đáng có. Công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” ở một số địa phương, nhất là cấp huyện, xã và mỗi gia đình chưa thực sự chủ động, nên khi có tình huống thiên tai phức tạp xảy ra còn lúng túng, không ứng phó kịp thời.

PV: Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò nòng cốt trong PCTT, TKCN của quân đội?

Trung tướng Ngô Quý Đức: Thời gian qua các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã quán triệt và chấp hành nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, BTTM, xây dựng kế hoạch, dự kiến các phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, tổ chức luyện tập, phối hợp với các lực lượng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCTT, TKCN. Các đơn vị toàn quân đã tổ chức huấn luyện, luyện tập với các trang thiết bị, phương tiện trong biên chế, vừa làm nhiệm vụ SSCĐ, vừa tích cực PCTT và CHCN. Khi thiên tai, sự cố xảy ra, các đơn vị đã huy động và cơ động lực lượng thực hiện nhiệm vụ rất kịp thời, tham gia với tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, tổ chức kỷ luật chặt chẽ. Bộ đội được huấn luyện, rèn luyện cơ bản, có sức chịu đựng trong các tình huống khó khăn, phức tạp, nhất là có sự lãnh đạo, chỉ huy, công tác bảo đảm thống nhất, thông suốt từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị cơ sở, nên quân đội đã thực sự phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận PCTT, CHCN.

PV: Theo đồng chí, công tác ứng phó với thiên tai, CHCN trong thời gian tới cần chú trọng vấn đề gì?

Trung tướng Ngô Quý Đức: Tôi cho rằng, thời gian tới chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ huy các cấp và của toàn quân, toàn dân về công tác PCTT; xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Cần làm tốt công tác chuẩn bị, lấy phòng ngừa là chính, đồng thời nâng cao năng lực PCTT của các cơ quan, đơn vị toàn quân. Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCTT cụ thể, phù hợp với điều kiện từng cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Trong huấn luyện về PCTT, CHCN, cần chú trọng truyền thụ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và khả năng xử lý tình huống xảy ra. Nhà nước, các ngành, các địa phương tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; kịp thời sửa chữa, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu, thuyền trú tránh bão… đáp ứng yêu cầu PCTT; đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết hơn. Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, CHCN theo sự điều động của người có thẩm quyền, chủ động hiệp đồng, khảo sát, nắm chắc các địa bàn được giao và thực lực của địa phương. Cần thường xuyên làm tốt công tác chuẩn bị, phát huy hiệu quả lực lượng chủ lực, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” với lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên, sẵn sàng cơ động nhanh, ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai tại những nơi xung yếu, nguy cơ cao, địa bàn trọng điểm...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HÀ KHÁNH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/san-sang-luc-luong-phuong-tien-ung-pho-hieu-qua-moi-tinh-huong-thien-tai-574653