Sẵn sàng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng với ngành giáo dục cả nước vì đây là thời điểm chuẩn bị thực hiện đổi mới sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông. Đối với tỉnh Lào Cai, công tác chuẩn bị đang được tiến hành khẩn trương. Phóng viên Báo Lào Cai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xung quanh nội dung này.

Nhiều trường đưa học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính học tập.

Phóng viên: Xin ông cho biết, tại tỉnh Lào Cai, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Ninh: Thực hiện Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông, chương trình tại Lào Cai được triển khai theo lộ trình như sau: Từ năm học 2020 - 2021, triển khai đối với lớp 1; từ năm học 2021 - 2022, triển khai đối với lớp 2, lớp 6; từ năm học 2022 - 2023, triển khai đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023 - 2024, triển khai đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; từ năm học 2024 - 2025, triển khai đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Năm học 2020 - 2021 là năm đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, toàn tỉnh sẽ có 836 lớp 1 với gần 17.000 học sinh được học sách giáo khoa mới.

Phóng viên: Trong thời gian qua, ngành giáo dục và đào tỉnh đã thực hiện những gì để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Ninh: Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh; kế hoạch biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; kế hoạch truyền thông; kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất; kế hoạch về đội ngũ, cán bộ quản lý, giáo viên để triển khai thực hiện.

Sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan đã tham mưu, chỉ đạo, triển khai một số hoạt động trọng tâm, đặc biệt là rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu đảm bảo số lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, đặc biệt đối với những môn học mới, những môn đang khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên; rà soát, bổ sung những thiết bị dạy học hiện đại; tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Chỉ đạo các hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021.

Phóng viên: Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh sẽ gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Ninh: Trước hết là thiếu giáo viên theo định mức; các cấp học phổ thông đều thiếu giáo viên chuyên biệt như giáo viên tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, THCS chưa đạt chuẩn chuyên môn theo quy định. Lào Cai chưa có giáo viên được đào tạo chính quy đối với môn học tích hợp ở cấp THCS (khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý) và môn học mới ở cấp THPT (giáo dục kinh tế và pháp luật, âm nhạc, mỹ thuật).

Cùng với đó, kinh phí thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới rất lớn, trong khi đó Chính phủ không có cơ chế hỗ trợ các tỉnh khó khăn, kinh phí thực hiện chủ yếu là ngân sách của tỉnh. Mỗi năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cho khoảng 3.000 giáo viên tiểu học, 3.000 giáo viên THCS với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều lớp học, học sinh tiểu học ở điểm trường lẻ (số lớp chiếm 38,6%, số học sinh chiếm 34,27%). Vì vậy, nếu không đầu tư thiết bị dạy học tối thiểu ở điểm trường thì không đảm bảo quy định; nếu đầu tư thiết bị dạy học ở điểm trường thì hiệu quả đầu tư không cao, kinh phí lớn, công tác bảo vệ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng rất khó khăn.

Phóng viên: Thưa ông, đối với lớp 1 ở khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới có gì thuận lợi, khó khăn?

Ông Nguyễn Anh Ninh: Thuận lợi là thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Tuy nhiên vẫn còn khó khăn trong việc đào tạo nâng chuẩn, đào tạo lại cho giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu.

Phóng viên: Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh có giải pháp gì để việc triển khai sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả?

Ông Nguyễn Anh Ninh: Cùng với công tác tuyên truyền, ngành giáo dục tỉnh quyết liệt thực hiện Đề án sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học, đặc biệt là giảm điểm trường lẻ cấp tiểu học ở những nơi có điều kiện khó khăn; đưa học sinh lớp 4, lớp 5 ở điểm trường lẻ về học ở trường chính (thực hiện ở lớp 3 với những nơi có điều kiện), thực hiện dạy học bắt buộc môn Tin học, Ngoại ngữ từ lớp 3; đảm bảo đến năm 2022, đưa 100% học sinh từ lớp 3 ở điểm trường lẻ về học tại trường chính. Quy hoạch mở rộng diện tích đất cho các trường học đảm bảo phát triển lâu dài.

Ngành giáo dục tỉnh cũng quan tâm tuyển dụng giáo viên, cử giáo viên đi đào tạo để đạt chuẩn; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; rà soát thiết bị dạy học hiện có; tham mưu đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho từng khối lớp, trước mắt là thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyên môn để cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận dần với chương trình giáo dục phổ thông mới, như xây dựng kế hoạch giáo dục trong nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực; triển khai các hoạt động giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học cho học sinh...

Phóng viên: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

TUẤN NGỌC (thực hiện)

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/san-sang-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-z5n20200112092340856.htm