Sẵn sàng trước mọi diễn biến của bão số 6

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bão số 6 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 5 đến 10 km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 19 giờ hôm nay (9-11), vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 200 km về phía tây bắc, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 390 km về phía đông.

Hàng nghìn tàu cá neo đậu an toàn tại âu thuyền tránh bão Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh: THANH TÙNG

Hàng nghìn tàu cá neo đậu an toàn tại âu thuyền tránh bão Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh: THANH TÙNG

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Vùng nguy hiểm trên Biển Ðông trong 24 giờ tới do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh là phía bắc vĩ tuyến 10,5 độ vĩ bắc; phía đông kinh tuyến 110,5 độ kinh đông. Dự báo, đến 19 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Do ảnh hưởng của bão kết hợp không khí lạnh cho nên ở khu vực giữa Biển Ðông có gió mạnh cấp 8 đến 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 đến 12, giật cấp 15. Sóng biển cao 7 đến 8 m; biển động dữ dội.

Khu vực bắc Biển Ðông có gió đông bắc mạnh cấp 6 đến 7, giật cấp 9; biển động mạnh.

Chiều tối 8-11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1512/CÐ-TTg về việc ứng phó khẩn cấp bão số 6 gửi 11 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Lâm Ðồng, yêu cầu: Các tỉnh ven biển tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi và hoạt động của tàu thuyền; tập trung rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn. Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản. Sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu. Chỉ đạo, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa; chủ động tiêu nước đề phòng ngập úng, bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, công trình đang thi công, công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê, kè biển đã bị sự cố do bão số 5 vừa qua. Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi có tình huống xấu, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thủy điện nhỏ…

Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp triển khai công tác ứng phó bão số 6 với các bộ, ngành liên quan và họp trực tuyến với bảy tỉnh ven biển từ Ðà Nẵng đến Bình Thuận. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT Trịnh Ðình Dũng chủ trì. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh, mạnh nhất từ đầu năm đến nay, hướng đi phức tạp, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động các phương án ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Phó Thủ tướng chỉ đạo cần chú ý sơ tán người dân trên các lồng bè, khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương thông báo lệnh cấm biển và tổ chức cho học sinh nghỉ học. Các đơn vị liên quan phối hợp các địa phương kiểm tra, rà soát hồ đập, tuyến đê trọng yếu.

Trước mắt, đề nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ hai tàu cho tỉnh Bình Ðịnh để cứu hộ, cứu nạn. Cùng ngày, Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT đã thành lập hai đoàn công tác đến các tỉnh Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa để chỉ đạo, phối hợp các tỉnh phòng, chống bão số 6.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục thông báo và kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển. Ðồng thời tổ chức bắn pháo hiệu tại 18 điểm từ Ðà Nẵng đến Bình Thuận. Ðến nay, các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh đã ban hành công điện chỉ đạo ứng phó bão. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành lệnh cấm ra khơi từ ngày 8-11.

Bão số 6 có khả năng gây mưa lớn tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, trong khi đó, vẫn còn nhiều diện tích lúa chưa thu hoạch trong vùng ảnh hưởng. Cụ thể, tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích lúa chưa thu hoạch 62.685 ha; các tỉnh vùng Tây Nguyên: diện tích lúa chưa thu hoạch 23.409 ha.

Ngày 8-11, theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, tuyến quốc lộ 9C đã thông tuyến bước đầu sau hơn một tuần ách tắc do sạt lở. Trước đó, mưa lũ làm toàn tuyến xuất hiện sáu điểm sạt lở lớn với tổng khối lượng đất đá sạt lở hơn 9.500 m3, gây chia cắt giao thông. Mưa lớn cũng khiến quốc lộ 9B có năm điểm sạt lở, với khối lượng khoảng 2.000 m3 đất đá.

Tại tỉnh Quảng Nam, hiện có 21 tàu cá, với 544 lao động của tỉnh hoạt động trên biển. Nhằm giúp đỡ các tàu cá phòng tránh bão số 6, các cơ quan chức năng thường xuyên thông tin về hướng đi, diễn biến của bão để các tàu chủ động tìm nơi trú tránh an toàn.

Sáng 8-11, Ban Chỉ huy PCTT thành phố Ðà Nẵng có công điện yêu cầu các cơ quan chức năng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền trên biển. Ðồng thời, đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương di dời, sơ tán người dân.

Chiều 8-11, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp triển khai công tác ứng phó bão số 6. Theo đó, tập trung lực lượng chủ động sơ tán hơn 47.800 người dân đến nơi an toàn. Ðồng thời, phối hợp lực lượng quân đội, công an, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn. Toàn bộ 96 tàu cá của tỉnh ở vùng biển quần đảo Trường Sa đã được hướng dẫn di chuyển tránh bão. Tỉnh đã tạm dừng hoạt động tuyến giao thông đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn.

UBND tỉnh Quảng Ngãi dự kiến cho học sinh, sinh viên nghỉ học vào ngày 11-11 để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát và cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, các nhu yếu phẩm cần thiết, bảo đảm đủ số lượng để sử dụng ít nhất trong thời gian bảy ngày, riêng huyện Lý Sơn ít nhất 15 ngày.

Chiều 8-11, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Ðịnh đã đi kiểm tra kè bờ biển Nhơn Hải, chỉ đạo TP Quy Nhơn và xã Nhơn Hải khẩn trương hoàn thành việc hàn bờ kè bị sóng biển cuốn trôi do bão số 5; đồng thời sẵn sàng các phương án di dời toàn bộ các hộ dân sống bên chân sóng, dọc bờ biển lên vùng cao, trú ẩn an toàn. Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ sáng 11-11.

Chủ động đối phó bão số 6, tỉnh Bình Ðịnh dự kiến sơ tán hơn 14.500 hộ, với 68.000 nhân khẩu ở vùng xung yếu, cửa sông, cửa biển, vùng thấp trũng. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải sơ tán người dân xong trước 12 giờ ngày 10-11. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì tất cả quân số, đồng thời thành lập năm đoàn công tác, chuẩn bị phương tiện, trang bị cứu hộ, cứu nạn.

Tại Phú Yên, mọi công tác chuẩn bị đối phó bão số 6 đang được triển khai khẩn trương, kỹ lưỡng. Tỉnh huy động 6.200 người tham gia ứng cứu, đối phó với bão số 6. Hiện tỉnh có gần 10 nghìn người làm việc trên 91 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản ven biển các huyện Ðông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu. Trong trường hợp khẩn cấp, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh sẽ yêu cầu các lực lượng chức năng điều tàu để thực hiện cưỡng chế sơ tán dân, kéo các lồng bè về nơi an toàn. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Ðông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và TP Tuy Hòa thông báo cấm không cho tàu thuyền ra khơi từ ngày 9-11. Ðồng thời chủ động thông báo cho ngư dân hành nghề đánh bắt trên biển trở lại sau bão, có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, an toàn.

Chiều 8-11, Sở Giáo dục và Ðào tạo Phú Yên có văn bản yêu cầu cho học sinh trên toàn tỉnh nghỉ học vào ngày 11-11 để bảo đảm an toàn. Các phòng giáo dục - đào tạo và trường học nhắc nhở học sinh không được đến những nơi có vùng nước sâu, dễ sạt lở, không tụ tập khi có mưa, lũ.

Hiện nay, 60 hộ dân thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An đang bị triều cường, sạt lở đe dọa. Trước mắt, các cơ quan chức năng đề xuất UBND tỉnh Phú Yên hỗ trợ kinh phí xây dựng kè biển ở khu vực này, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, vươn khơi, bám biển.

Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người trên đảo, lồng bè ven biển. Tỉnh sẽ di dời người dân tại 88 điểm xung yếu, với 3.707 hộ đến nơi an toàn khi bão đổ bộ.

Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 2.000 tàu cá trên biển. Tất cả các tàu thuyền đều thông tin liên lạc thông suốt với bờ. Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận cũng đã thông báo cho các doanh nghiệp khai thác cảng biển, chủ tàu, thuyền trưởng biết thông tin về bão số 6 và đề nghị có phương án sản xuất phù hợp.

Ban Chỉ huy PCTT thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6 và kêu gọi tàu thuyền di chuyển tránh bão. Ðồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ và các hộ dân có nhà đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn.

Sáng 8-11, Lữ đoàn Công binh 7 điều động 50 cán bộ, chiến sĩ cùng với các phương tiện đến xã Kon Thụp, huyện Mang Yang (Gia Lai) để giúp địa phương khắc phục hậu quả bão số 5 gây ra. Lữ đoàn ngoài phối hợp cán bộ của các ban, ngành địa phương để giúp người dân sửa chữa nhà cửa, gặt lúa bị ngập, dựng lại 10 nghìn trụ tiêu bị gãy đổ.\

Cá mòi chết hàng loạt, gây ô nhiễm sông Đò

Theo UBND xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam), từ chiều 6 đến 7-11, trên sông Đò, đoạn chảy qua phường Cẩm Châu và xã Cẩm Thanh, xuất hiện tình trạng cá mòi chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cá nuôi lồng bè. Nguyên nhân ban đầu có khả năng là do ô nhiễm nguồn nước. UBND xã Cẩm Thanh đã huy động lực lượng tại chỗ vớt cá chết nhằm ngăn chặn ô nhiễm lây lan trên diện rộng, đồng thời, đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hội An lấy mẫu nước xét nghiệm để xác định nguyên nhân.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42181702-san-sang-truoc-moi-dien-bien-cua-bao-so-6.html