Sẵn sàng trước mọi diễn biến

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong nước cũng như khu vực Đông - Nam Á đang ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam.

Với sức chứa 5.000 chỗ ngồi, nhà thi đấu TP Hạ Long sẽ là nơi tổ chức bộ môn bóng chuyền tại SEA Games 31.

Với sức chứa 5.000 chỗ ngồi, nhà thi đấu TP Hạ Long sẽ là nơi tổ chức bộ môn bóng chuyền tại SEA Games 31.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong nước cũng như khu vực Đông - Nam Á đang ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam.

Gấp rút hoàn thành nhiều hạng mục

Cuối tháng 4, Phó Tổng Cục trưởng Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn đã có buổi làm việc với Tiểu ban Chuyên môn kỹ thuật Ban tổ chức SEA Games 31, nhằm rà soát tiến độ chuẩn bị Đại hội cũng như các nhiệm vụ sẽ được triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, Tiểu ban đã kết nối với các Liên đoàn, Ủy ban Olympic Việt Nam và Trung tâm Điều hành SEA Games nhằm sẵn sàng tiếp nhận đăng ký số lượng các đoàn tham dự. Bên cạnh đó là việc dự trù kinh phí, thống kê chi tiết nhu cầu mua sắm trang thiết bị, cũng như phối hợp cùng TP Hà Nội và một số địa phương khác trong công tác chuẩn bị địa điểm thi đấu.

Theo ông Trần Đức Phấn, công tác tổ chức sự kiện về cơ bản vẫn theo tiến độ chung, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số công việc chuẩn bị ban đầu đã bị chậm tiến độ hơn ba tháng. Tuy nhiên, ngành thể thao đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Đại hội để làm việc với các địa phương và tự tin bảo đảm SEA Games 31 sẽ diễn ra thành công tốt đẹp.

Hiện nay, tất cả hạng mục phục vụ thi đấu tại Hà Nội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư. Tám công trình cải tạo nâng cấp đã được Thủ đô giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý tiến độ. Trong đó, nhà tập bắn cung sẽ hoàn tất vào tháng sáu. Khu nhà tập luyện và thi đấu bi sắt, sân vận động Hà Đông, nhà tập kiếm, judo, đá cầu là các dự án phải bàn giao trong tháng tám. Cung điền kinh, bể bơi và bể nhảy cầu cũng sẽ được nghiệm thu sau đó vài tuần.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội nghị Trưởng đoàn dự kiến diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 21-5. Ban Tổ chức SEA Games 31 đang lắng nghe ý kiến của Ban Chỉ đạo quốc gia trước khi gửi phiếu thăm dò bằng văn bản đến các đoàn. Ngoài phương án tiếp tục tổ chức như bình thường, giải pháp rút bớt số môn và nội dung thi đấu hoặc thậm chí lùi hay hoãn Đại hội sẽ được đưa ra xem xét sao cho phù hợp thực tế ở giai đoạn cuối năm.

Những câu hỏi bỏ ngỏ

Ở thời điểm hiện tại, Thủ đô Hà Nội - nơi đăng cai phần lớn các hoạt động của SEA Games 31, cùng các tỉnh lân cận như (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên...) tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tình hình dịch bệnh tại các quốc gia láng giềng như Lào, Cam-pu-chia, Thái-lan cũng diễn biến phức tạp không kém. Để tổ chức thành công Đại hội, cần lường trước các kịch bản khác nhau để ứng phó, cũng như nắm chắc thực tế trong nước, đặc biệt là các thành viên tham dự SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao, hàng loạt vấn đề được đặt ra nhưng chưa thể có câu trả lời. Từ giờ đến cuối năm, nếu tổ chức SEA Games 31, người hâm mộ trong khu vực có được quyền tham dự hay không? Việc di chuyển giữa các nước đã khả thi hay chưa? Với các cá nhân đã tiêm phòng Covid-19 có phải thực hiện cách ly khi nhập cảnh không và nếu có sẽ được bố trí cách ly ở đâu, bao nhiêu ngày? Nếu phải cách ly chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới việc tập luyện và thi đấu của vận động viên, trở thành bài toán khó cho cả nước chủ nhà lẫn các quốc gia tham dự.

Nhìn vào kinh nghiệm trên thế giới, các giải đấu đơn môn, nhất là hình thức đấu loại trực tiếp vẫn diễn ra, chủ yếu do Ban tổ chức có đầy đủ khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, với quy mô bao gồm 40 môn cùng 526 bộ huy chương, hàng trăm nội dung thi đấu cá nhân lẫn tập thể sẽ tạo nên áp lực khổng lồ. Quan điểm của Việt Nam là việc tổ chức chỉ diễn ra trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

SEA Games được xem như đấu trường thu nhỏ tương tự Olympic và nước ta cũng chờ đợi thực tiễn Thế vận hội để học hỏi thêm kinh nghiệm. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, ngay tại Thủ đô Tokyo, nhiều cuộc khảo sát cho thấy 85% số người được hỏi không đồng tình vì lo ngại nguy cơ bùng phát dịch Covid-19. Theo ông Trần Đức Phấn, Tổng cục đang rất lo lắng và sốt ruột vì dự kiến tháng 7 đã khai mạc Thế vận hội, nhưng đến thời điểm này Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn chưa đưa ra được phương án cụ thể nào để giúp các nước có kế hoạch chuẩn bị tốt nhất.

Về công tác chuẩn bị đăng cai SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: "Đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, cũng như đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Bộ luôn cập nhật diễn biến của tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trên cơ sở đó tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia tổ chức Đại hội sao cho phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh ở nước ta và các quốc gia trong khu vực".

HOÀNG DUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/the-thao/san-sang-truoc-moi-dien-bien-646155/