Sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy rừng xảy ra

Hà Tĩnh là một trong những địa phương đang bước vào mùa cao điểm nắng nóng, khô hạn, gió Lào thổi mạnh, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Để chủ động phòng chống cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các lực lượng đang tích cực triển khai luyện tập các phương án, kế hoạch, sẵn sàng về phương tiện, lực lượng để ứng phó với các tình huống cháy rừng xảy ra.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh tham gia diễn tập cơ động tiếp cận vị trí cháy rừng. Ảnh: Minh Toàn

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh tham gia diễn tập cơ động tiếp cận vị trí cháy rừng. Ảnh: Minh Toàn

Những ngày đầu tháng 7/2022 vừa qua, tại xã Thuần Thiện, UBND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức diễn tập phòng chống cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện năm 2022. Cuộc diễn tập gồm 2 phần: vận hành cơ chế, xử trí tình huống và phần thực hành, thực binh chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn.

Tình huống cháy rừng diễn ra tại đồi Ông Cơ, thôn Liên Sơn, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc. Theo yêu cầu, cuộc diễn tập đã điều động hơn 800 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, BĐBP Hà Tĩnh, Kiểm lâm và người dân trên địa bàn huyện Can Lộc cùng các phương tiện như xe chữa cháy, máy bơm cao áp, máy thổi, dao, rựa và công cụ, vật dụng thô sơ để tham gia chữa cháy.

Chỉ đạo tại cuộc diễn tập lần này, đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Ban chỉ đạo, Tổ đạo diễn quán triệt và thực hiện theo đúng kế hoạch, phương án mà Ban chỉ đạo diễn tập tỉnh đã xây dựng và được Bộ Tham mưu Quân khu 4 thông qua, phê duyệt.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương và lực lượng tham gia diễn tập phải quán triệt và chấp hành nghiêm túc nội dung, phương án diễn tập đã được Ban chỉ đạo diễn tập tỉnh xây dựng; tham gia diễn tập phải bảo đảm đúng, đủ thành phần, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình và chấp hành nghiêm các quy định trong diễn tập.

Cuộc diễn tập được đánh giá thành công đảm bảo tuyệt đối an toàn về mọi mặt, qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân dân và các chủ rừng, đặc biệt là một bộ phận dân cư sống gần rừng hiểu rõ tầm quan trọng và những thiệt hại không thể đo đếm nếu cháy rừng xảy ra, đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, điều hành mọi hoạt động trong thực hiện tình trạng khẩn cấp về phòng chống cháy rừng, phòng chống lụt bão, thảm họa thiên tai của cả hệ thống chính trị, nhất là các cấp chính quyền trên địa bàn.

Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ những đợt cháy rừng xảy ra trên diện rộng những năm trước, bước vào mùa cao điểm nắng nóng năm nay, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu các địa phương, các lực lượng và các chủ rừng chủ động 4 tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống cháy rừng cho nhân dân.

Theo thống kê, hiện, tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 359.853ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, đất có rừng 335.485ha, đất chưa có rừng 24.368ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2021 là 52,25%. Diện tích rừng trọng điểm dễ cháy, có nguy cơ xâm hại cao, chủ yếu tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã: Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Hồng Lĩnh... Số lượng người dân sinh sống, dựa vào rừng chiếm tỷ lệ cao.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh sử dụng bơm cao áp khống chế, dập lửa trong diễn tập phòng chống cháy rừng. Ảnh: Minh Toàn

Năm 2021, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 143 vụ vi phạm, qua đó, khởi tố hình sự 2 vụ về tội hủy hoại rừng; tịch thu 127,1m3 gỗ các loại; 6.909kg lâm sản khác; 287,5kg động vật rừng; 16 phương tiện, tang vật; nộp ngân sách Nhà nước gần 1,1 tỷ đồng. Toàn tỉnh cũng xảy ra 29 điểm phát lửa, trong đó, có 4 điểm gây cháy rừng tại 4 huyện, diện tích rừng bị cháy không có khả năng phục hồi 3,05ha.

Để chủ động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy rừng, ngay từ đầu năm nay, BĐBP Hà Tĩnh cũng đã bổ sung, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch sát với tình hình, diễn biến của khí hậu, thời tiết, tăng cường tập huấn, huấn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị cho cán bộ, chiến sĩ.

Các đơn vị Biên phòng trên 2 tuyến biên giới đất liền và bờ biển cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ chặt chẽ biên giới, tập trung rà soát, xác định các vị trí xung yếu dễ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu chia cắt, cháy rừng, sẵn sàng các phương án khi có các tình huống xảy ra.

Đồng thời, BĐBP Hà Tĩnh cũng tích cực phối hợp với các địa phương, các lực lượng giám sát chặt chẽ các hoạt động vào ra cửa rừng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy rừng cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn biên giới.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Cùng với thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” tại các cơ quan, đơn vị Biên phòng trên 2 tuyến biên giới đất liền và bờ biển, khi có tình huống phức tạp, đột xuất xảy ra, BĐBP tỉnh luôn chủ động các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chi viện cho các hướng và các địa bàn trọng điểm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo này sẽ được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, khoa học, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Minh Toàn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/san-sang-ung-pho-khi-co-tinh-huong-chay-rung-xay-ra-post452852.html