Sẵn sàng ứng phó, phòng chống sâu keo mùa thu

FAO khuyến cáo: mặc dù khả năng gây hại lớn, lây lan nhanh, nhưng các quốc gia không nên hoảng sợ, cần có các giải pháp 'sống chung' lâu dài với sâu keo mùa thu. Trong khi đó, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) khẳng định Việt Nam hoàn toàn có khả năng kiểm soát loài sâu hại đặc biệt nguy hiểm này.

Như NNVN đã đưa tin, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đã chính thức xác nhận, loài sâu keo mùa thu (tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperd) đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam và đã gây hại tại nhiều địa phương trên cả nước.

Không nên hoảng sợ

Theo Cục BVTV, mới đây, Cục đã tham dự Hội thảo quốc tế do FAO tổ chức về kiểm soát sâu keo mùa thu tại Bangkok, Thái Lan. Thông tin tại hội thảo, xác định loài sâu keo mùa thu có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Châu Mỹ, lần đầu tiên phát hiện ở Châu Phi vào tháng 1/2016, trong 2 năm từ 2016-2017 chúng đã nhanh chóng xâm nhập, lây lan ra khắp Châu Phi và gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là trên ngô. Tại Châu Á, loài sâu này được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 5/2018 và tiếp tục xâm nhập, lây lan sang các nước khác như Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan. Chúng lây lan vào tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tháng 1/2019.

Tổng hợp từ các nguồn tài liệu của CABI UK, FAO, Trung Quốc và các quốc gia tham dự Hội thảo cho thấy thông tin loài sâu keo mùa thu thực sự gây hại nặng khi mật độ cao, khả năng lây lan nhanh và khó phòng trừ. Loài sâu keo mùa thu có khả năng di trú xa, nhất là di trú theo gió với khoảng cách rất xa nên rất khó kiểm soát, ngăn chặn sự xâm nhập của chúng. Bằng chứng là trong một thời gian ngắn, từ 2016-2019 chúng lây lan, xâm nhập khắp các châu lục trên thế giới. Tuy nhiên, các quốc gia chỉ biết và ghi nhận sự xuất hiện khi được FAO cảnh báo. Thực tế, loài sâu này đã xâm nhập từ trước, phân bố nhiều nơi nhưng khi mật độ thấp, gây hại nhẹ nên chưa gây sự chú ý của cơ quan chuyên ngành.

FAO khuyến cáo, các quốc gia cần có giải pháp "sống chung" với sâu keo mùa thu

FAO khuyến cáo: mặc dù khả năng gây hại lớn, lây lan nhanh nhưng các quốc gia không nên hoảng sợ, chấp nhận “sống chung” và áp dụng biện pháp IPM để quản lý. Trong đó, tập trung sử dụng biện pháp vật lý (bẫy đèn, bẫy bả), cơ giới (bắt tay, làm đất kỹ diệt nhộng) và biện pháp sinh học (các loài ong ký sinh, bắt mồi ăn thịt) để kiểm soát sâu dưới ngưỡng gây hại; chỉ sử dụng thuốc BVTV khi mật độ cao, nguy cơ gây thiệt hại năng suất; ưu tiên sử dụng chế phẩm, thuốc BVTV sinh học.

Bên cạnh đó, thành phần thiên địch của sâu keo mùa thu khá nhiều, có mặt ở hầu hết các quốc gia nên có thể lợi dụng chúng kiểm sâu keo mùa thu, nhất là nhân thả số lượng lớn ong ký sinh góp phần kiểm soát hiệu quả hơn.

Cũng tại hội thảo, kịch bản phòng chống sâu keo mùa thu của Việt Nam đã được trình bày và được các chuyên gia đánh giá cao. Thông qua Hội thảo, FAO cho biết sẽ nhanh chóng xây dựng dự án vùng để hỗ trợ các nước phòng chống sâu keo mùa thu để đảm bảo an ninh lương thực. Trong đó tập trung vào cơ chế chính sách, nghiên cứu giống kháng, biện pháp phòng trừ sinh học.

Có thể kiểm soát

Theo Cục BVTV: Thực tế các nước đã bị nhiễm sâu keo mùa thu (Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ...) vẫn phun trừ bằng các thuốc BVTV cho hiệu quả cao. Tại Việt Nam, một số Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh đã khảo sát một số thuốc phun trừ sâu cũng có hiệu quả cao khi sâu tuổi nhỏ. Sâu non có thể gây hại từ khi ngô 2-3 lá đến bắp non, hạt đông sữa nhưng tập trung giai đoạn ngô 3-7 lá, cây ngô còn thấp dễ dàng phun trừ. Bên cạnh đó, sâu non có tập tính cạnh tranh thức ăn mạnh, sâu tuổi lớn cắn chết sâu tuổi nhỏ.

Một vạt đồi ngô bị sâu keo mùa thu phá hoại tại huyện miền núi tỉnh Quảng Bình

Trứng của sâu keo mùa thu được đẻ thành ổ chủ ở mặt trên lá nên dễ dàng điều tra phát hiện bằng mắt thường và tiêu hủy. Việc áp dụng các biện pháp sinh học thông qua thiên địch như nhân thả ong mắt đỏ và bọ đuôi kìm để tiêu diệt sâu keo mùa thu cũng rất khả thi trong điều kiện Việt Nam hiện nay (Trung Quốc đang nhân nuôi quy mô công nghiệp ong mắt đỏ kiểm soát sâu đục thân mía). Các Trung tâm BVTV vùng (thuộc Cục BVTV), một số Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh và nhiều nông dân Việt Nam hiện nay cũng đã nuôi bọ đuôi kìm kiểm soát rất tốt bọ cánh cứng hại dừa, sâu hại rau…).

Mặc dù vậy, theo quan sát tại Thái Lan, trên cùng một khu ruộng ngô sâu có nhiều pha phát dục gồm cả trưởng thành, trứng, sâu non các tuổi. Đây là nguyên nhân hiệu quả phun trừ thấp, bởi thuốc BVTV chỉ hiệu quả cao khi phun sâu đa số tuổi nhỏ (tuổi 1-3) nên số sâu tuổi 4-6 không chết, nông dân phun nhiều lần cũng không hiệu quả và làm sâu nhanh chóng kháng thuốc.

Cục BVTV khẳng định với hệ thống BVTV của Việt Nam có nhiều kinh nghiệm như hiện nay, hoàn toàn có thể kiểm soát tốt loài sâu này khi chúng xâm nhập.

Trước tình hình sâu keo mùa thu xâm nhập vào nước ta, Cục BVTV đã có văn bản báo cáo Bộ NN-PTNT có các biện pháp chỉ đạo phòng chống.

Theo Cục BVTV, thời gian tới, các địa phương cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu cho cán bộ trong các cơ quan chuyên ngành trồng trọt, BVTV, khuyến nông từ trung ương đến địa phương và nông dân. Tổ chức điều tra sự phân bố, mật độ, tỷ lệ hại của sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác.

Đồng thời, ban hành tài liệu, quy trình phòng chống sâu keo mùa thu để hướng dẫn các địa phương áp dụng cho chỉ đạo phòng trừ và tuyên truyền; tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông trung ương và địa phương.

Song song đó, cần tập trung áp dụng các biện pháp vật lý, cơ giới, sinh học theo quan điểm của FAO để đảm bảo giảm chi phí SX, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; chỉ sử dụng thuốc BVTV hóa học ở nơi sâu có mật độ cao, có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất. Khuyến cáo DN đăng ký thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu theo quy định pháp luật hiện hành, ưu tiên thuốc BVTV sinh học...

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/san-sang-ung-pho-phong-chong-sau-keo-mua-thu-post240560.html