Sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 - với chủ đề 'Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư' diễn ra ngày 13/7, tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày công nghệ sản xuất ô tô của Vinfast

Việt Nam không thể nằm ngoài “cuộc chơi” 4.0

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang bùng nổ, tác động đến nhiều quốc gia, Chính phủ các nước hết sức quan tâm và đã chủ động ban hành các chiến lược phát triển 4.0 cho riêng mình như Đức (Industrie 4.0), Mỹ (Liên minh Internet công nghiệp), Hàn Quốc (iKorea 4.0), Trung Quốc (Made in China 2025)... Đối với Việt Nam, CMCN 4.0 cũng đang mang lại cơ hội cho nền công nghiệp số hóa giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian xử lí, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, CMCN lần thứ tư cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những đổi mới mạnh mẽ: Xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hóa, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng Khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của CMCN 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn. Nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội.

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh thừa nhận, đối với Việt Nam, CMCN 4.0 cũng đang mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất dịch vụ thông minh, các loại hình dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp thông minh… giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. “Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những đổi mới mạnh mẽ: Xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền kinh tế số, các mô hình sản xuất và dịch vụ thông minh; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng kết nối số, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhìn nhận.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, CMCN 4.0 đang diễn ra trên khắp thế giới, đây là xu hướng không thể thay đổi và trì hoãn. “Tôi đã nghe nhiều chuyên gia nói Việt Nam đã có CMCN 4.0 nhưng ở mức độ thấp, chưa có quy mô và phổ cập", Thủ tướng nhận định.

Theo đó, Thủ tướng nêu 4 vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết để ứng dụng CMCN 4.0 vào gia tăng phát triển tại Việt Nam: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin sẵn sàng cho CMCN 4.0; phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong mọi ngành, lĩnh vực.

Đảng và Nhà nước, địa phương của Việt Nam sẵn sàng lắng nghe những khuyến nghị về CMCN 4.0. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam "đảo chiều" về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo để nâng cao vị thế, đi tắt đón đầu trên trường quốc tế. Vì vậy, đảo chiều trong tư duy và hành động rất quan trọng. Ứng dụng CMCN 4.0 có thành công hay không chính là nhận thức của chúng ta", Thủ tướng nói.

Các bộ, ngành sẵn sàng vào cuộc

Thủ tướng yêu cầu phát triển CMCN 4.0 nhưng cũng phải xử lý mặt trái, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả các cấp, bộ, ngành cần sớm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về việc ứng dụng công nghệ 4.0, ấn định các mục tiêu ưu tiên kèm theo chương trình hành động cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thăm gian hàng của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam

Theo đó, Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ phối hợp với Ban kinh tế Trung ương xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về CMCN 4.0, một nghị quyết khoa học, sát thực tiễn của Việt Nam và gắn CMCN 4.0 với Chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam; sẽ xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 với sự tham gia của các Bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức quốc tế với tốc độ cao và dự kiến cuối năm nay sẽ xây dựng Chiến lược quốc gia để thực hiện Nghị quyết này. Xây dựng Đề án thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia, trong đó, chú trọng hơn nữa việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở Việt Nam. Xây dựng mạng lưới nhân tài, kể cả người Việt và những người quan tâm đến Việt Nam, các chuyên gia giỏi của quốc tế về CMCN 4.0.

Nhấn mạnh khai thác cơ hội của CMCN 4.0 với tầm nhìn chiến lược nhưng phải hành động khẩn trương, tốc độ cao, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc CMCN 4.0; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Báo cáo khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2035; từng Bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động trong đó xác định rõ mục tiêu ưu tiên, các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp.

Thực thi yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công Thương đang là Bộ đi đầu hiện nay trong cải cách và đây cũng là Bộ đầu tiên có một bản báo cáo đánh giá khá chi tiết về mức độ sẵn sàng tiếp cận với CMCN 4.0 của các doanh nghiệp (DN) sản xuất ngành công thương. Bản báo cáo này không bao quát được toàn bộ nền kinh tế về mức độ sẵn sàng trong tiếp cận với CMCN 4.0, nhưng nó chứng minh được một cách rất rõ ràng, CMCN 4.0 có thật và Việt Nam không thể tiếp tục mơ hồ về làn sóng này, như khẳng định của Thủ tướng, phải hành động.

Để đánh giá sự sẵn sàng tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 của các DN ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã phối hợp của Tổ chức phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tiến hành khảo sát đối với 2.659 DN thuộc 17 nhóm ngành của Bộ Công Thương, kết hợp với phỏng vấn sâu tại một số tập đoàn, tổng công ty của Bộ Công Thương và một số DN có mức độ sẵn sàng cao hơn so với nhóm còn lại. Nhiệm vụ này được thực hiện trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2018.

Thủ tướng đối thoại tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0

Kết quả cho thấy, có tới 82% các doanh nghiệp của ngành đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% DN bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên. Điểm trung bình toàn ngành là 0,53 điểm (so với mức 5 điểm), tương đương với mức sẵn sàng đầu tiên là mức 0 hay chưa có sự chuẩn bị nào. 5 ngành có số điểm đánh giá tính sẵn sàng cao nhất là dầu khí, sản phẩm điện tử, sản xuất xe có động cơ, điện - khí đốt - nước, và hóa chất. Đáng lưu ý, 3 ngành chủ lực của ngành Công Thương là cơ khí, dệt, may và da giày là những ngành có điểm đánh giá thấp nhất. Tuy nhiên, trừ các DN ngành dầu khí có sự bứt phá so với các ngành khác, sự khác biệt giữa các ngành nêu trên và các ngành còn lại không lớn và cả 17 nhóm ngành ưu tiên khảo sát đều thuộc nhóm đứng ngoài cuộc CMCN 4.0.

Với kết quả đánh giá này, về mặt định hướng và chính sách, thời gian tới ngành Công Thương đang tập trung đưa ra các giải pháp trọng tâm phát triển CMCN 4.0.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngày 10/11/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã Phê duyệt kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ chính được ngành Công Thương đặt ưu tiên hàng đầu với mục tiêu đổi mới các ngành sản xuất với các công nghệ đột phá từ cuộc CMCN 4.0 đó là hỗ trợ DN tiếp cận và nhanh chóng hấp thu, phát triển các công nghệ của CMCN 4.0; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng triển khai các công nghệ của CMCN 4.0 vào trong quá trình sản xuất của DN; xây dựng mô hình chuyển đổi số, phát triển nhà máy số trong các ngành có tiềm năng.

Bên cạnh đó, CMCN 4.0 đã sớm trở thành một trong những nội dung yêu cầu trong các chương trình KH&CN cấp Bộ, trọng điểm cấp Bộ và cấp quốc gia. Nhiều nhiệm vụ KH&CN liên quan đến các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 đã được tổ chức KH&CN trong ngành đề xuất triển khai thực hiện trong năm 2018. Các nội dung nghiên cứu hỗ trợ, triển khai ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 đối với DN ngành Công Thương đã trở thành một trong những nội dung ưu tiên nằm trong Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 754/QĐ-TTg ngày 31/5/2017

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay Bộ Công Thương đang tích cực tìm kiếm trao đổi thông tin với các DN trong nước và nước ngoài để phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên các công nghệ nền tảng của CMCN 4.0. Đây sẽ trở thành những mô hình thí điểm, thành công và tạo sự lan tỏa cho các DN sản xuất trong ngành Công Thương.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/san-sang-vuot-qua-thach-thuc-de-nam-bat-co-hoi-nhanh-chong-buoc-len-con-tau-40-105937.html