San sẻ hành trình về quê ăn tết

Sau ngày 23 tháng Chạp với phong tục đưa ông Táo về trời, thì người Việt có thói quen định lượng thời gian theo âm lịch đến khoảnh khắc giao thừa.

Điều ấy chứng tỏ cái Tết cổ truyền đã trở thành một di sản văn hóa bền vững. Thế nhưng, bây giờ mỗi dịp Tết là một phen chộn rộn đi lại hãi hùng đối với những người tha hương cầu thực. Do đặc thù phát triển riêng, TPHCM và vài tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương thu hút một lực lượng lao động từ khắp cả nước đổ về mưu sinh lập nghiệp. Và mỗi lúc cánh én báo tin xuân thì họ lại có hối hả trở lại quê nhà. Đó là một nhu cầu đáng trân trọng, dẫu điều ấy có trực tiếp tạo ra một đợt di chuyển chen chúc nhất và ngột ngạt nhất trong năm.

Hiện tại, đã có không ít người thay đổi quan niệm Tết. Nhất là giới thu nhập cao, thường dùng những ngày Tết để du lịch ở những thiên đường nghỉ dưỡng. Đại bộ phận người Việt hôm nay vẫn xác định Tết là cơ hội để quay lại nơi chôn nhau cắt rốn, với mái nhà hương khói tổ tiên, với mảnh vườn rơm rạ thơ ấu. Chốn lam lũ và gieo neo sau lũy tre xanh lặng lẽ, vẫn đang âm thầm nuôi dưỡng đức tin và phẩm giá cho bao con người Việt Nam. Vì vậy, hành trình về quê ăn Tết là một hành trình kỳ diệu, không thể nào ngăn cản, không thể nào xóa nhòa.

Dù ngành hàng không đã tăng hàng ngàn chuyến bay, dù ngành đường sắt đã tăng hàng trăm chuyến tàu, thì tình trạng khan hiếm vé dịp Tết vẫn xảy ra. Những hành vi tiêu cực như nâng giá, cò mồi, khuất tất vẫn tái diễn thường xuyên. Riêng tại Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây, cao điểm từ 24 tháng Chạp đến 29 tháng Chạp, có hàng trăm ngàn lượt khách đi các tỉnh mỗi ngày. Hầu hết đối tượng chọn phương tiện xe khách đều có thu nhập thấp. Phần đông trong số họ, đã làm việc cơ cực cả năm, chỉ mong được về quê ăn Tết với bà con chòm xóm. Mỗi tấm vé mà họ vất vả cầm được trên tay bằng tâm trạng hồi hộp, có cả mồ hôi và nước mắt. Làm sao giảm bớt nhọc nhằn của người nghèo về quê ăn Tết, là một nỗi băn khoăn không dành cho riêng ai!

Bên cạnh quyết tâm ngăn chặn những thủ đoạn trục lợi từ khao khát về quê ăn Tết của đồng bào, nhiều tổ chức đã xây dựng những chương trình hỗ trợ hợp lý. Năm nay, chương trình “Chuyến xe mùa xuân” của Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM đã tặng vé xe Tết cho 2.500 sinh viên miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài ra, những doanh nghiệp ở Đồng Nai và Bình Dương cũng thiết kế “Chuyến xe sum vầy” để đưa hơn một vạn công nhân ở các khu công nghiệp về quê ăn Tết. Còn những người kiếm sống tạm bợ như bán vé số hoặc giúp việc nhà, cũng có “Chuyến xe nghĩa tình” của những mạnh thường quân sắp xếp đưa về các tỉnh từ Khánh Hòa đến Quảng Bình. Nếu những mô hình này được nhân rộng, không chỉ làm giảm áp lực xã hội về giao thông dịp Tết, mà còn chứng minh người Việt biết nghĩ về nhau trong ngày Tết nguyên đán – ngày Tết đoàn viên của dân tộc.

LÊ THIẾU NHƠN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/san-se-hanh-trinh-ve-que-an-tet-post235972.html