San sẻ khó khăn để nhân lên niềm vui hạnh phúc

Nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa gia đình, huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) vừa tổ chức Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu, tạo cơ hội cho các gia đình trên địa bàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình văn hóa.

Bốn thế hệ trong nhà cùng trổ tài

Cụ Nguyễn Thị Tách ở xã Cổ Bi đã bước sang tuổi 81. Khi biết gia đình con gái tham gia Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu, cụ đã nhiệt tình tham gia. Sau lời giới thiệu, cụ Tách cùng con, cháu, chắt bước lên sân khấu. Tuy tuổi cao nhưng cụ biểu diễn rất tự nhiên. Chúng tôi hỏi chuyện mới biết trước đây cụ là hạt nhân văn nghệ của địa phương, từng tham gia hát chèo phục vụ bà con trong vùng. Sau này, con gái cụ là Nguyễn Thị Phin thừa hưởng niềm yêu thích ca hát, tích cực khơi dậy phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Phát huy truyền thống gia đình, cháu trai Trần Anh Tú đã tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cũng tham gia thi. Bà Nguyễn Thị Phin chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống yêu văn nghệ, mỗi khi có dịp thể hiện là cả nhà sẵn sàng lên sân khấu. Cùng với niềm yêu thích văn nghệ, chúng tôi luôn quan tâm giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống, giữ gìn gia đình êm ấm”.

 UBND huyện Gia Lâm trao giấy khen tặng các gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2023.

UBND huyện Gia Lâm trao giấy khen tặng các gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2023.

Là gia đình hai thế hệ, anh Hoàng Văn Vĩnh ở xã Kim Sơn lại chọn cách thể hiện phần thi giản dị nhưng hết sức ý nghĩa. Anh Vĩnh cho biết: “Khi được lãnh đạo xã chọn đi thi, cả nhà trao đổi rất kỹ và quyết định phần năng khiếu là vẽ tranh nhằm phát huy sở trường của các thành viên cũng như tạo dấu ấn riêng trong liên hoan”. Vợ anh là chị Quách Thị Thư, giáo viên mỹ thuật của Trường Tiểu học Kim Sơn. Từ nhỏ, hai con Hoàng Trúc Anh và Hoàng Bảo Hân đã được mẹ dạy vẽ, nhờ đó có khả năng cảm thụ mỹ thuật tốt, từng đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi do nhà trường và địa phương tổ chức. Trong 5 phút, gia đình anh Vĩnh đã hoàn thành bức tranh “Ấm áp tình thân”. Những nét vẽ mộc mạc nhưng toát lên tình cảm gia đình gắn bó yêu thương.

Liên hoan nhận được sự hưởng ứng của 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm. Các địa phương đã lựa chọn gia đình văn hóa tiêu biểu dự thi với những sắc màu riêng. Bà Trần Thanh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Hà Nội, thành viên Ban giám khảo, cho biết: “Mỗi đội thi dù là gia đình hai, ba hay bốn thế hệ nhưng đã phát huy tốt vai trò của từng thành viên và tạo sự gắn kết. Nhiều gia đình có người cao tuổi, các cháu học mầm non, tiểu học cũng lên sân khấu với cách thể hiện tự tin, giản dị như đang sinh hoạt trong gia đình. Thông qua lời ca, tiếng đàn, bức vẽ, câu thơ, các đội đã làm nổi bật nét văn hóa tiêu biểu của gia đình mình cũng như những đóng góp cho địa phương”.

Lan tỏa các giá trị văn hóa

Qua liên hoan cho thấy, gia đình là nơi giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống như ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, kính trên nhường dưới... Mối quan hệ giữa các thế hệ được nuôi dưỡng và bồi đắp bằng tình cảm ruột thịt. Cha mẹ với con, ông bà với cháu luôn gương mẫu, yêu thương, quan tâm chăm lo dạy dỗ; còn con với cha mẹ, cháu với ông bà thì hiếu thảo, lễ phép, biết ơn bậc sinh thành. Gia đình ông Nguyễn Xuân Lưu ở thôn Thượng, xã Dương Hà được xóm làng khen ngợi về việc gìn giữ nếp nhà, luôn bảo ban nhau trong sinh hoạt, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào, tích cực tham gia các hội thi, đã đoạt giải đặc biệt Liên hoan hát ru, hát dân ca do Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội tổ chức.

 Phần dự thi của đội xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) tại liên hoan.

Phần dự thi của đội xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) tại liên hoan.

Gia đình còn là nơi vợ chồng yêu thương, gìn giữ mối quan hệ thủy chung, nghĩa tình; anh chị em hòa thuận, đùm bọc, sẻ chia vui buồn trong cuộc sống. Các mối quan hệ đó được duy trì bền chặt, gắn kết các thành viên. Được tuyên dương là gia đình văn hóa tiêu biểu, chị Vũ Thị Thu Thúy ở xã Trung Mầu chia sẻ: “Với gia đình tôi, để có cuộc sống hạnh phúc thì việc giải quyết hài hòa mối quan hệ trong nhà rất quan trọng. Mọi người cùng nhau san sẻ khó khăn, nhân lên niềm vui để có cuộc sống ấm no”.

Bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Gia Lâm cho biết: “Trong những năm qua, công tác gia đình đã góp phần vào thành công của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện, tỷ lệ gia đình văn hóa những năm gần đây đều đạt trên 95%. Những giá trị quý như truyền thống yêu nước, thủy chung, hiếu học, cần cù lao động được các gia đình giữ gìn và phát huy”. Hằng năm, huyện Gia Lâm biểu dương các gia đình tiêu biểu có thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua, hoạt động từ thiện, nhân đạo, sản xuất kinh doanh giỏi, thực hiện tốt việc chăm sóc người có công, người già và nuôi dạy con cháu, gia đình văn minh, hạnh phúc... từ đó lan tỏa các chuẩn mực giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/san-se-kho-khan-de-nhan-len-niem-vui-hanh-phuc-741326