San sẻ yêu thương, gieo 'mầm' nhân ái

Cuộc sống vẫn còn nhiều tấm lòng nhân ái đang ngày ngày san sẻ yêu thương, gieo 'mầm' nhân ái với những mảnh đời còn thiếu may mắn.

Bà Hoàng Thị Bích Phượng (trái) đến thăm 2 chị em bà P.T.M. ở KP.4, P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh: N.Sơn

Bà Hoàng Thị Bích Phượng (trái) đến thăm 2 chị em bà P.T.M. ở KP.4, P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh: N.Sơn

Một trong những tấm lòng nhân ái mà chúng tôi muốn nhắc đến là bà Hoàng Thị Bích Phượng (ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa). Nhiều năm nay bà Phượng vẫn cần mẫn cống hiến cho công tác thiện nguyện chỉ với mong muốn mọi người, mọi nhà và toàn xã hội có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

* Người mẹ thứ 2 của những đứa trẻ đặc biệt

Nhìn cô giáo K.P. (ở P.Tân Hòa) tỉ mỉ dạy trẻ mầm non tô màu, múa hát, đọc thơ… ít ai biết rằng cô giáo P. từng có một thời tuổi trẻ ngổ ngáo với những suy nghĩ nông nổi. Gần 10 năm trôi qua, cô P. “cá biệt” ngày nào nay đã trở thành người phụ nữ điềm đạm, chín chắn hơn và đặc biệt với công việc chăm sóc trẻ mầm non, cô P. đang góp một phần sức lực của mình cho sự phát triển của xã hội.

Mỗi lần nhớ lại thuở đôi mươi ấy, cô P. luôn biết ơn những ngày tháng tham gia Nhóm Dream (giấc mơ) do bà Hoàng Thị Bích Phượng lập nên.

Chia sẻ về Nhóm Dream, bà Bích Phượng cho biết, bà đến với công tác gia đình và trẻ em P.Tân Hòa từ năm 1998. Công việc thường xuyên tiếp xúc với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nên bà đã nung nấu ý tưởng thiện nguyện để có thể san sẻ yêu thương cho những mảnh đời kém may mắn. Khoảng năm 2010, bà được cán bộ trẻ em thuộc Sở LĐ-TBXH kết nối với Tổ chức phi chính phủ Plan đang triển khai dự án Ngăn ngừa trẻ em trong độ tuổi vị thành niên và thanh niên vi phạm pháp luật và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng tại Đồng Nai. Với vai trò nhân viên chuyên trách, bà Bích Phượng đã giúp 128 em trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên “đặc biệt” hòa nhập cộng đồng.

Để có được kết quả này, ngoài việc gần gũi, chia sẻ động viên các em, bà Bích Phượng còn dùng quán cà phê của gia đình làm nơi để giải quyết việc làm, tạo không gian để trẻ tụ họp và sinh hoạt. Vào thời điểm cận Tết, để quản lý trẻ “đặc biệt” không vi phạm pháp luật, bà Bích Phượng đến gia đình của từng em vận động cha mẹ cho các em tham gia cắm trại tại quán cà phê của gia đình. Ban đầu chỉ có vài em đồng ý tham gia, dần dần thấy chương trình hay, ý nghĩa nên số lượng đăng ký ngày một tăng thêm. Từ chương trình cắm trại ngày tết, bà Bích Phượng quyết định thành lập Nhóm Dream để thu hút, quản lý, giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho các em.

Cô giáo K.P. cho hay, từ khi tham gia Nhóm Dream, cô nhận ra rằng muốn trở thành một công dân tốt, không có cách nào khác là phải thay đổi chính mình. Với suy nghĩ ấy, cô P. bắt đầu lên TP.HCM học nghề chăm sóc trẻ. Chính sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ đã giúp cô có thêm động lực để hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

* Sống ý nghĩa từng phút, từng giây

Năm 2014, người bạn đời lâm bệnh nặng, đồng thời đây cũng là thời điểm kết thúc dự án Ngăn ngừa trẻ em trong độ tuổi vị thành niên và thanh niên vi phạm pháp luật và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng tại Đồng Nai nên bà Bích Phượng xin nghỉ làm để toàn tâm toàn ý chăm sóc chồng và lo cho gia đình.

Tuy nhiên, với phương châm từng phút, từng giây sống trên đời sao cho ý nghĩa, bà Bích Phượng vẫn tranh thủ tham gia công tác từ thiện xã hội cùng với giáo xứ Tây Hải ở P.Hố Nai. Sau khi chồng qua đời, đại diện giáo xứ Tây Hải thấy bà có tinh thần thiện nguyện nên vận động bà tham gia các chuyến thiện nguyện; quản lý 2 bếp ăn từ thiện (bán cho người dân có hoàn cảnh khó khăn với giá rẻ để có kinh phí duy trì bếp ăn) tại H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa.

Tháng 9-2015, bà Phượng đã thành lập Nhóm thiện nguyện Tâm Đức. Bà cùng với một số người bạn có tấm lòng nhân ái nấu và cấp miễn phí khoảng 300 suất cơm cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vào thứ hai và thứ ba hằng tuần; hỗ trợ 500 phần thức ăn cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 vào ngày thứ tư và thứ sáu hằng tuần.

Bà Phượng chia sẻ, ban đầu khi mới thành lập, mạnh thường quân chưa biết đến nên bà bỏ tiền túi của mình ra cùng với một số người bạn để duy trì bếp ăn. Sau này, trước mỗi hoạt động của nhóm bà đều đăng lên mạng xã hội để kêu gọi sự ủng hộ. Vì vậy, chỉ sau một thời gian hoạt động, Nhóm thiện nguyện Tâm Đức đã huy động được sự ủng hộ lâu dài của một số mạnh thường quân.

Bên cạnh duy trì hoạt động phát cơm, hỗ trợ phần đồ ăn cho bệnh nhân ở các bệnh viện, Nhóm thiện nguyện Tâm Đức còn tham gia tiếp sức cho những người bán vé số trong đợt dịch Covid-19 vừa qua; giải cứu nông sản cho nông dân, đặc biệt nhóm đang hỗ trợ lâu dài cho một số trường hợp bị khuyết tật, bệnh tâm thần trên địa bàn TP.Biên Hòa. Trong đó, có trường hợp của bà P.T.P.D. (ở KP.4, P.Tân Hòa).

Bà P.T.M., chị gái của bà D. cho biết, từ năm 2 tuổi em gái bà bị bỏng xăng, tinh thần hoảng loạn. Cha mẹ đều đã mất, bà M. không lập gia đình mà ở vậy chăm em. Do tinh thần của em gái không ổn định nên bà cũng không thể xin đi làm. Ngoài 600 ngàn đồng/tháng từ nguồn bảo trợ xã hội, bà M. tranh thủ đi mua ve chai, mỗi tháng kiếm thêm vài trăm ngàn đồng. Từ Tết tới nay, nhờ có Nhóm thiện nguyện Tâm Đức hỗ trợ mỗi tháng 300 ngàn đồng, cuộc sống của 2 chị em bà đã thoải mái hơn một chút.

Bà Nguyễn Thụy Hồng Quyên, Phó chủ tịch Hội LHPN P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) nhận xét: “Là Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN P.Tân Hòa, bà Hoàng Thị Bích Phượng luôn làm tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt là trên lĩnh vực từ thiện nhân đạo. Với những việc đã và đang đóng góp cho cộng đồng, bà Bích Phượng xứng đáng là tấm gương sáng cho hội viên phụ nữ noi theo”.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202007/san-se-yeu-thuong-gieo-mam-nhan-ai-3011013/