Sản xuất các chương trình biểu diễn thực cảnh: Hay nhưng cần kinh phí

Được đầu tư lớn về tài chính và công sức, các chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh được ra đời trong thời gian qua đang trở thành cầu nối hiệu quả trong việc gắn kết văn hóa và du lịch. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật khá mới mẻ tại Việt Nam này cũng đang đối mặt với vô vàn những thách thức...

Chương trình “Ký ức Hội An” . Ảnh: Nguyễn Cường.

Cầu nối văn hóa và du lịch

Nghệ thuật biểu diễn thực cảnh là loại hình biểu diễn có sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn đỉnh cao với công nghệ kỹ thuật, kỹ xảo hàng đầu tạo nên những hiệu ứng đẹp mắt trên nền bối cảnh sống động với tỷ lệ thực tế.

Trong đó, điểm độc đáo của loại hình này chính là sử dụng hình ảnh, bối cảnh thực tế, tạo cho người xem cảm giác như được sống trong chính những câu chuyện được kể trên sân khấu.

Bên cạnh một phần sân khấu chính là thiên nhiên, cảnh vật cũng có những bối cảnh phải sử dụng đến kỹ thuật dàn dựng sân khấu hiện đại như bàn nâng, cần cẩu... mang đến hiệu ứng bất ngờ cho người xem.

Có thể thấy, với những yêu cầu trên để sản xuất được một chương trình biểu diễn thực cảnh đòi hỏi những tiềm lực cả về tài chính lẫn công sức rất lớn từ các đơn vị nhà sản xuất.

Đơn cử, như chương trình “Tinh hoa Bắc bộ “ra mắt vào đầu năm 2017 không khỏi làm nhiều người ngỡ ngàng. Với sân khấu trên mặt nước rộng 4.300m² và hơn 200 diễn viên chương trình đã thực sự làm nhiều khán giả choáng ngợp ngay khi ra mắt.

Hay mới đây, “Ký ức Hội An” tại Quảng Nam đã tạo nên một kỷ lục mới với không gian biểu diễn lên tới 25.000m², với sự tham gia của gần 500 diễn viên và có khả năng phục vụ 3.300 khán giả.

Tuy nhiên, dù “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” nhưng để tạo ra những chương trình vượt xa giá trị của một sản phẩm văn hóa giải trí đơn thuần hiện đang là những “bài toán” khá đau đầu cho những đơn vị sản xuất.

Chương trình “Ký ức Hội An” sau khi ra mắt đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là những chỉ trích xoay quanh nội dung kịch bản, thiết kế sân khấu, trang phục.

Trong đó, nhiều chuyên gia văn hóa sau khi xem chương trình thẳng thắn chỉ ra việc nội dung chương trình có quá nhiều yếu tố “ngoại lai” đã làm mất đi những giá trị vốn có văn hóa của Hội An…

Hay câu chuyện trước đó về những tranh cãi trong vấn đề bản quyền giữa 2 vở diễn “Thuở ấy xứ Đoài” và “Tinh hoa Bắc Bộ” mà đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.

Nhìn nhận về vấn đề này, NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đánh giá: “Để đầu tư cho văn hóa thì phải có độ lùi đến 20 năm sau, có nghĩa là sẽ không thể thành công ngay được. Do đó, chúng ta không nên bắt một chương trình nghệ thuật gánh vác nhiệm vụ quá nặng nề.”

Cũng theo NSND Quang Vinh trước mắt đề nghị cần có biện pháp ủng hộ những công trình văn hóa như thế này theo cách “cởi trói” tư tưởng. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài, mà hiện nay tại Việt Nam không nhiều doanh nghiệp dám đầu tư.

Chính phủ đang rất quan tâm đến vấn đề kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa, thế nên khi có bất kỳ doanh nghiệp nào dám “liều” đầu tư cho văn hóa thì các địa phương nên ủng hộ trong sự tư vấn về chuyên môn của các cơ quan, ban ngành có liên quan.

Biết sai để sửa sai

Một chương trình biểu diễn thực cảnh cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các chuyên gia văn hóa trong vai trò cố vấn. Đơn cử sau những sai sót, mới đây BTC chương trình “Ký ức Hội An” đã phải “thỉnh” các chuyên gia văn hóa hỗ trợ, góp ý để hoàn thiện phiên bản mới với những phương án tối ưu nhất.

Đánh giá về việc sản xuất các chương trình biểu diễn thực cảnh, theo nhạc sĩ Quốc Trung: “Một sản phẩm cần gọi đúng tên, gọi đúng chỗ, đúng đối tượng mà tôi cho rằng nó vốn là một sản phẩm văn hóa du lịch. Nhưng khi xem xong tôi cảm nhận nó vượt lên trên một sản phẩm văn hóa du lịch vì nó hấp dẫn và có tính nghệ thuật cao”.

Cũng theo nhạc sĩ nếu là sản phẩm du lịch văn hóa thì đánh giá phải từ phía khán giả. Nếu là sản phẩm mang tính nghệ thuật thì đánh giá từ phía tác giả…

Một sản phẩm văn hóa du lịch, liều lượng văn hóa cũng nên ở mức độ nhất định để khách du lịch có thể cảm nhận. Họ đi du lịch có nhiều thứ để xem, nghe chứ không phải chỉ nghiên cứu văn hóa. Trong một tiếng đồng hồ không nên đặt nhiệm vụ quá lớn cho một chương trình giải trí. Muốn sản phẩm mang tính quốc tế phải dùng con người có đẳng cấp quốc tế. Chúng ta không nên tự ti việc sử dụng đạo diễn hay êkíp nước ngoài.

“Tôi không muốn phủ nhận nghệ sĩ Việt Nam, nhưng trong điều kiện giao lưu nghệ thuật mà chúng ta còn hạn chế ở công nghệ, kỹ năng, ngôn ngữ thể hiện… thì việc dùng ê-kíp nước ngoài là dễ hiểu” - nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Đồng quan điểm, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cố vấn lịch sử chương trình “Ký ức Hội An” cho rằng chúng ta, đặc biệt là những người dân Hội An có thể và nên tự hào vì “Ký ức Hội An” là sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, du lịch mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, với những nhu cầu ngày càng khắt khe từ công chúng, chương trình có thể phải có một thời gian “chạy roda” dài mà nhà đầu tư phải chấp nhận, để hướng đến mục tiêu tính điêu luyện ngày càng cao.

Bên cạnh đó, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm trong tư vấn định hướng phát triển nội dung kịch bản cho “Ký ức Hội An” và chia sẻ một nguyên lý trong sáng tạo nhằm quảng bá lịch sử, văn hóa của một quốc gia như Hàn Quốc rằng “Nguyên lý hàng đầu là làm đẹp tổ tiên chứ không thể nhân danh bất kỳ điều gì mà làm xấu xí đi được”.

Nhìn chung, với các chương trình biểu diễn thực cảnh dù được đầu tư lớn về âm thanh, ánh sáng tới sân khấu, diễn viên, song đây là loại hình nghệ thuật mới nên có những đêm diễn, khán giả chỉ bằng một phần nhỏ diễn viên trên sân khấu.

“Vạn sự khởi đầu nan” sẽ mở ra một hướng đi mới chắc hẳn không bao giờ dễ dàng. Ở đó, với người làm nghệ thuật cũng như du lịch đều mong muốn chương trình biểu diễn thực cảnh hoàn thiện sẽ đem đến sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, góp phần thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, để biết sai và sửa sai cũng không nên gượng ép khiên cưỡng và đòi hỏi thay đổi theo ý kiến chủ quan của mỗi người. Đặc biệt, nhà sản xuất không được phép “đẽo cày giữa đường” mà cần tự tin và kiên trì với những ý tưởng về một chương trình văn hóa giải trí mang tinh thần thời đại và niềm tự hào dân tộc.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/san-xuat-cac-chuong-trinh-bieu-dien-thuc-canh-hay-nhung-can-kinh-phi-tintuc410390