Sản xuất, kinh doanh 'sạch' vẫn chết

Trong khi cả xã hội gồng mình chống chọi với vấn nạn thực phẩm bẩn thì nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh 'sạch' không thể trụ vững trước đòi hỏi hơi ích kỷ của người tiêu dùng: 'ngon, bổ rẻ'. Tiền nào của ấy nên thực ra chẳng có gì ngon, bổ mà lại rẻ.

Tại cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Hùng Vương (Tp Đông Hà – Quảng Trị), cách đây 3 năm, anh Hùng đón đầu xu thế khi thấy cơn bão thực phẩm bẩn hoành hành dữ dội. Anh thuê mặt bằng mở cửa hàng gắn mác thực phẩm an toàn, ban đầu cửa hàng có quy mô khá lớn, hoạt động như một siêu thị mini.

Thời gian đầu buôn bán thuận lợi, khách hàng chủ yếu là cư dân thành thị có thu nhập cao, chịu bỏ ra gấp rưỡi, gấp đôi để mua mớ rau, miếng thịt tương đương được bày bán ngoài chợ. Nhưng đến hiện tại quy mô của hàng chỉ còn lại phân nửa, không biết còn cầm cự được thêm ngày nào.

Sau khi thực phẩm bẩn làm “nóng” nghị trường Quốc hội, chiến dịch chống thực phẩm bẩn được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Kết quả chưa rõ hình hài, thực phẩm không biết có “sạch” hơn hay không, nhưng thông tin về thực phẩm mất an toàn dường như lắng xuống, lượng khách đến với cửa hàng “sạch” vơi vai dần. Người tiêu dùng vẫn “ngựa quen đường cũ”, thích tạt vào vỉa hè, bên hông chợ thoải mái trả giá hơn là đỗ xe ngay ngắn trước cửa hàng máy lạnh, giá niêm yết.

Chuyện trò với ông chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm “sạch” làm tôi nhớ lại câu chuyện cười ra nước mắt cách đây mấy năm. Năm 2014, ông Lý Minh Chánh, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Sóc Trăng quyết định đầu tư 35 tỷ đồng xây dựng lò giết mổ tập trung hiện đại nhất Miền Tây sau khi nghe lời mời chào hấp dẫn từ UBND Thành phố Sóc Trăng.

Lò giết mổ gia cầm tập trung hoàn thành ngay sau đó không lâu, có diện tích hơn 12 ha, nằm cách xa khu dân cư, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Công suất giết mổ mỗi ngày 800 con heo, 300 trâu, bò và 3.000 con gia cầm.

Mặc dù lò giết mổ của ông Chánh đưa vào hoạt động nhưng hầu hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ và các lò giết mổ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong khu dân cư vẫn không bị “quy hoạch” như cam kết của tỉnh. Các lò mổ lậu còn chơi chiêu hạ giá giết mổ ở mức thấp, nên có ngày không khách hàng nào đem heo, bò, gà, vịt… đến lò giết mổ của ông thuê.

Lò giết mổ gia súc gia cầm tập trung hiện đại, lớn nhất miền Tây đã đóng cửa.

Vì thế, lò mổ hiện đại chỉ hoạt động 10% công suất, doanh thu khoảng 2 triệu đồng/ngày, trong khi để tồn tại thì phải đạt doanh thu trên 22 triệu đồng/ngày. Hoạt động 6 tháng, tài sản ông Chánh “bốc hơi” 4 tỷ đồng, đến nay lò giết mổ tập trung hiện đại nhất Tây Nam Bộ đã đóng cửa.

Hóa ra, nguồn gốc thực phẩm bẩn không ở đâu đó quá xa xôi, chúng ta thường tỏ ra giận dữ những kẻ đầu độc đồng loại bằng hóa chất, nhưng chính chúng ta chưa đủ nhiệt thành để trấn áp loại tội phạm giết người âm thầm kia. Chúng ta muốn cái sạch hơn, an toàn hơn nhưng không chịu từ bỏ thói quen “tạt ngang”, “bổ dọc”, chúng ta chưa văn minh đến mức chấp nhận ngon, bổ là phải chịu chi thêm một khoản.

Ở nơi có những con người phải chịu trách nhiệm, cái lò mổ của doanh nhân Miền Tây là ví dụ điển hình, ông Chánh có lẽ chẳng bao giờ quay lại con đường làm thực phẩm sạch, những lò mổ lậu kia sẽ còn ăn rơ, bám rễ rất sâu nơi có những con người buông bỏ trách nhiệm với cộng đồng.

Trong khi đó ở phân khúc hạng sang, người tiêu dùng trong nước chi hàng triệu đô để mua thịt bò, cá, rau củ quả từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, người dân các thành phố lớn phát sốt với những cây trồng, vật nuôi mang về từ vùng thâm sơn cùng cốc. Thị trường thực phẩm sạch đang còn bỏ ngỏ.

Bỏ ngoài tai tiếng thở dài bất lực của toàn xã hội, những người sản xuất kinh doanh buôn bán thực phẩm bẩn vẫn cứ sống khỏe. Chống “bẩn” nhưng cái “sạch” chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/san-xuat-kinh-doanh-sach-van-chet-127767.html