Sản xuất liên kết theo chuỗi thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ của đồng bào: Nhìn từ tỉnh Bắc Kạn

Nhờ hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 3 năm nay, tỉnh Bắc Kạn đã hình thành các vùng sản xuất lớn, thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ.

Thay đổi từ quyết sách hợp lý

Để khuyến khích, hỗ trợ người dân, hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, năm 2019, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa. Trong đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại, gia trại chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi, phát triển thị trường...

Vùng trồng bí xanh thơm khoảng 200ha ở huyện Ba Bể mang lại giá trị kinh tế cho bà con

Vùng trồng bí xanh thơm khoảng 200ha ở huyện Ba Bể mang lại giá trị kinh tế cho bà con

Sau hơn ba năm triển khai Nghị quyết, Bắc Kạn đã lựa chọn và phê duyệt được nhiều danh mục dự án liên kết. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Kạn, tính từ năm 2020 tới 2022, tỉnh đã phê duyệt thực hiện 56 dự án hỗ trợ liên kết trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có 51 dự án do các hợp tác xã chủ trì liên kết, làm chủ đầu tư.

Từ liên kết theo chuỗi giá trị, tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa, như: Vùng trồng dong riềng khoảng 1.000ha ở huyện Na Rì, huyện Ba Bể; vùng trồng bí xanh thơm khoảng 200ha ở huyện Ba Bể…

Điển hình tại thôn Khuổi Mòn xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể), nơi đây có 32 hộ dân sinh sống, với 100% đồng bào dân tộc Dao. Năm 2021 thôn được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng gừng quy mô 2ha với 21 hộ tham gia. Cây gừng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của thôn nên sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng củ cao. Xã Thượng Giáo đã chủ động liên kết với đơn vị thu mua củ gừng cho bà con với giá 8.000 đồng/kg.

Theo trưởng thôn Khuổi Mòn - Triệu Văn Trung: Việc triển khai mô hình này tại thôn khá thuận lợi do người dân nơi đây đã có kinh nghiệm trồng gừng từ hàng chục năm nay. Dự án hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn khoa học kỹ thuật càng giúp người dân nâng cao trình độ canh tác, năng cao năng suất, chất lượng củ gừng, tăng thu nhập.

Nâng cao chất lượng; gắn tiêu thụ với yêu cầu thị trường

Được biết, các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai trên địa bàn xã Thượng Giáo cơ bản phát huy hiệu quả, tiêu thụ thuận lợi, một số mô hình không đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường. Vì vậy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân duy trì, mở rộng các mô hình trên cơ sở đã được tập huấn khoa học kỹ thuật và có kinh nghiệm thực hiện mô hình từ năm trước, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.

Hay tại huyện Bạch Thông, qua rà soát, đánh giá thực tế, dự án cơ bản mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Mô hình, dự án hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng mở rộng về quy mô và diện tích. Các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đã ý thức cao xây dựng mô hình sản xuất nông sản an toàn theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung có quy mô lớn. Sự liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông sản an toàn ngày càng chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến chế biến, tiêu thụ gắn với yêu cầu thị trường.

Hiện nay, Bắc Kạn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, các hợp tác xã khi làm chủ đầu tư, được tiếp xúc với cơ chế, chính sách, trực tiếp triển khai, chịu trách nhiệm đã nâng cao năng lực, đáp ứng thị trường. Một số sản phẩm nông sản như: Gạo bao thai, miến dong, gạo khẩu nua lếch, tinh bột nghệ, nano curcumin nghệ, bí xanh thơm, mơ chế biến... đã trở thành hàng hóa, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Bắc Kạn còn có sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan xuất khẩu sang châu Âu.

Tuy nhiên, việc hình thành sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đồng nghĩa phải thay đổi tư duy và tập quán canh tác nhỏ lẻ của đồng bào miền núi. Do đó, bên cạnh việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn trực tiếp và gián tiếp thông qua các hợp tác xã để liên kết sản xuất, thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân thực hiện sản xuất theo hướng tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương như chuối, nghệ, gừng, mơ, thịt lợn hun khói…

Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tạo thuận lợi hành lang pháp lý để tăng cường thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tỉnh cũng sẽ phối hợp với Sở Công Thương và các sở ngành chuyên môn tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực địa phương tới thị trường trong và ngoài nước, đồng thời hướng dẫn các tổ chức kinh tế, cá nhân, hộ gia đình tham gia đăng ký sản phẩm OCOP, huy động, lồng ghép từ nhiều nguồn vốn để thực hiện các dự án liên kết chuỗi giá trị.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-xuat-lien-ket-theo-chuoi-thay-doi-tu-duy-canh-tac-nho-le-cua-dong-bao-nhin-tu-tinh-bac-kan-221182.html