Sản xuất lúa phát triển nhờ ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao tại các HTX nông nghiệp ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã đem lại một số kết quả bước đầu, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các HTX đã triển khai chuyển đổi số với việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất lúa để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng.

Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Lăng đã hỗ trợ trên 40 HTX trên địa bàn huyện, mỗi HTX xây dựng 1 điểm trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone với quy mô 10 ha. Trong đó, huyện hỗ trợ 450 ngàn đồng/ha chi phí vận hành drone, các HTX và nông dân chịu chi phí thuốc.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong HTX

Theo ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, việc sử dụng drone phun thuốc bảo vệ thực vật, là một trong những động thái của huyện trong việc từng bước chuyển đổi số tại các HTX nông nghiệp.

Trong thời gian tới, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX trong việc mua máy, phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có từ 30 - 50 thiết bị nhằm chủ động trong việc phun thuốc BVTV cho phần lớn diện tích trồng lúa và các loại cây trồng khác.

Nhiều mô hình HTX ứng dụng quy trình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Các HTX đã ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào trong sản xuất, thúc đẩy sự phát triển và chuyển đổi số dần dần để giảm chi phí, nâng cao năng lực và thu nhập trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, các HTX sử dụng máy móc hiện đại để duy trì sản xuất và sử dụng các ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý và theo dõi trong khâu sản xuất hàng hóa...

Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX Kim Long, xã Hải Quế cho biết: Việc sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật theo cánh đồng lớn, quy mô từ 20 - 30 ha không chỉ nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo sức khỏe cho nông dân, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân công.

Được đưa vào sử dụng từ năm 2012 với việc liên kết cùng một công ty để đưa vào sử dụng thiết bị drone phun thuốc bảo vệ thực vật cho diện tích lúa của HTX. Việc sử dụng thiết bị bay không người lái sẽ nâng cao sản xuất lao động, tiết kiệm thời gian, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và giải quyết tình trạng thiếu nhân công khi mùa vụ đến.

“Nhiều ha lúa ở huyện Hải Lăng đã ứng dụng drone vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được niêm yết giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như Postmart… Cụ thể, huyện phối hợp với Hội nông dân tỉnh Quảng Trị và Bưu điện tỉnh Quảng Trị đưa 30 sản phẩm đặc sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam”, ông Dương Viết Hải cho hay.

Ứng dụng công nghệ gắn với sản xuất xanh

Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX Kim Long chia sẻ, trước năm 2017, thành viên HTX sản xuất theo lối truyền thống, việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón thường xuyên xảy ra, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, thị trường đầu ra bấp bênh.

Các HTX đã và đang nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ, đem lại hiệu quả vượt trội.

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, HTX Kim Long bắt đầu triển khai mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, đem lại hiệu quả vượt trội về kinh tế và môi trường sinh thái.

“Trên đồng ruộng, chúng tôi đưa vào sản xuất nhiều bộ giống lúa chất lượng cao và không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng phân hữu cơ. Đối với vùng cát, chúng tôi quy hoạch vùng chuyên canh các loại cây trồng như ớt, dưa hấu, dưa gang theo hướng sạch và hữu cơ. Nhìn chung, các loại cây trồng theo hướng hữu cơ đem lại chất lượng cao và được người tiêu dùng ưa chuộng...”, ông Phước nhấn mạnh.

Hiện, HTX Kim Long là một trong 8 HTX trên địa bàn huyện Hải Lăng được chọn để phát triển mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ, thân thiện môi trường.

Tham gia thực hiện mô hình này, các thành viên HTX được huyện hỗ trợ một nửa chi phí mua phân bón, hỗ trợ thủ tục, chi phí thực hiện đăng ký mã vạch cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, các HTX được hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác để đóng gói sản phẩm, hỗ trợ tham gia các hội chợ nông sản… để quảng bá thương hiệu, tìm kiếm các đối tác uy tín, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các hộ thành viên, nông dân liên kết.

Với những kết quả khả quan đạt được, HTX Kim Long cùng các HTX khác trên địa bàn đang tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ; khuyến khích thành viên, nông dân sử dụng phân phân bón hữu cơ vi sinh thay thế cho phân bón vô cơ. Đồng thời, từng bước thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững.

Ông Nguyễn Trí, thôn Kim Long, xã Hải Quế, một hộ dân thực hiện mô hình phấn khởi nói: "Nhà tôi làm 3,5 sào lúa hữu cơ. Trước đây vùng đất này bón phân đạm và NPK nhiều nên đất bị chai cứng, lúa cằn cỗi, gần thu hoạch mưa là đổ ngã. Nhưng nay nhờ làm theo kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn trồng lúa hữu cơ nên cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, khỏe mạnh, cứng cây".

Cũng theo ông Trí, sản xuất theo quy trình hữu cơ, thân thiện môi trường, năng suất lúa đạt bình quân 6,4 - 7,5 tấn/ha, dù không quá vượt trội so với canh tác truyền thống nhưng chất lượng sản phẩm cao, thị trường ổn định, giá bán cao hơn 25 - 30%.

Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: Qua kiểm tra đánh giá, mô hình lúa hữu cơ trên địa bàn huyện bước đầu cho thấy rất triển vọng. Việc áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ Sepon và sử dụng chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc lên men nên đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, có cá, ốc, cua đồng cùng sinh sống trên ruộng lúa.

"Hiện nay, huyện Hải Lăng đã có quy hoạch các vùng sản xuất lúa hữu cơ để tiếp tục nhân rộng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích lúa hữu cơ cho các xã còn lại trên địa bàn huyện", ông Hải cho biết.

Kim Yến

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/san-xuat-lua-phat-trien-nho-ung-dung-cong-nghe-cao-1090913.html