Sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân ở huyện Gio Linh đạt kết quả cao

Với sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo huyện Gio Linh, các địa phương, đơn vị liên quan; sự nỗ lực, quyết tâm của nông dân trong thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo tổ chức lao động sản xuất; cùng với diễn biến thời tiết khá thuận lợi nên sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2022-2023 đạt được kết quả cao, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Được mùa lúa vụ đông xuân 2022-2023 ở huyện Gio Linh -Ảnh: MĐ

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Nguyễn Văn Thức cho biết, vụ lúa đông xuân vừa qua trên địa bàn huyện đã được mùa, được giá. Trên diện tích gieo trồng lúa 4.863,45 ha, năng suất ước đạt 60 tạ/ha, sản lượng ước đạt 30.153,4 tấn. Diện tích trồng cây lạc 193 ha, năng suất ước đạt 23 tạ/ha, sản lượng ước đạt 443,9 tấn. Đậu các loại có diện tích 82,28 ha, năng suất ước đạt 12,4 tạ/ha, sản lượng ước đạt 102 tấn…

Về cây tiêu, có diện tích 370 ha, trong đó có 311,6 ha đã cho thu hoạch. Duy trì chăm sóc diện tích cây cao su với 3.626,8 ha, trong đó diện tích cho khai thác 3.519,6 ha. Về lĩnh vực chăn nuôi, đến tháng 5/2023, toàn huyện có đàn trâu 2.688 con, đàn bò 7.756 con, đàn lợn 23.832 con, đàn gia cầm 469.000 con.

Ở lĩnh vực thủy sản, toàn huyện có 862 tàu thuyền cơ giới khai thác thủy sản và dịch vụ, với tổng công suất 101.590 CV. Sản lượng khai thác đến tháng 5/2023 ước đạt 6.500 tấn. Diện tích nuôi thủy sản đạt 510 ha, sản lượng nuôi trồng 450 tấn.

Đến nay toàn huyện có 11 trang trại đạt chuẩn theo quy định, với vốn đầu tư sản xuất gần 50 tỉ đồng và có trên 600 mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng kinh tế trang trại. 35 HTX, với 2.796 thành viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới đáp ứng yêu cầu của thị trường. Có 95 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 6.113 thành viên; các tổ hợp tác đã góp phần liên kết, hỗ trợ cho nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ và liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai thực hiện có hiệu quả. Ngay từ đầu vụ, công tác giống được ưu tiên trong quá trình chỉ đạo sản xuất. Bộ giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày năng suất cao được ưu tiên đưa vào sản xuất.

Các địa phương đã sử dụng nguồn kinh phí từ Nghị định 62/NĐ-CP để hỗ trợ cho người dân đưa diện tích sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đạt trên 90%. Trình diễn một số giống mới và đã đạt kết quả khá tốt phù hợp với điều kiện canh tác và chống chịu được với thời tiết bất lợi như: TBR225, Bắc Hương 9, ĐB6, HD9... bước đầu đánh giá rất phù hợp với điều kiện sản xuất vụ đông xuân và có thể sản xuất cho cả hai vụ.

Điển hình như giống lúa TBR 225 cho năng suất 70 tạ/ha sản xuất ở xã Gio Châu, giống HD 9 cho năng suất 72 tạ/ha (giống ngắn ngày) sản xuất tại xã Gio Mỹ; giống Bắc Hương 9 cho năng suất 70 tạ/ha sản xuất tại xã Trung Hải. Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT và các ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ động liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng diện tích lúa hữu cơ, lúa VietGap...

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Phan Văn Hòa cho biết, để vụ sản xuất đông xuân 2022-2023 đạt được kết quả cao, UBND huyện tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và chính quyền các xã, thị trấn tổ chức sản xuất hiệu quả, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, có sự liên kết với doanh nghiệp... tạo sản phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, tạo thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ các các xã, thị trấn, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp để bố trí lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, trên cơ sở lịch thời vụ của huyện.

Huyện đã tổng kết đánh giá vụ đông xuân để đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Trước mắt là tập trung cho sản xuất vụ hè thu 2023, huyện đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, động viên người dân, doanh nghiệp thực hiện một số mô hình nông nghiệp mới có quy mô, áp dụng công nghệ cao.

Nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm gắn với công tác tiêm phòng và an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi; thực hiện đồng bộ các biện pháp chống hạn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý trên diện tích đất thiếu nước; khuyến khích, động viên ngư dân cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ, phát triển tàu đánh bắt xa bờ, nâng cao sản lượng khai thác hải sản…

Đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương, hợp tác xã sâu sát đồng hành, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho nông dân, phấn đấu sản xuất vụ hè thu đạt kết quả cao, từng bước nâng cao đời sống cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/san-xuat-nong-nghiep-vu-dong-xuan-o-huyen-gio-linh-dat-ket-qua-cao/177510.htm