Sản xuất thành công giống cá bè vẩu

Đề tài sản xuất giống cá bè vẩu của kỹ sư Lê Thị Như Phượng - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phượng Hải Nha Trang vừa đạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 8, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức.

Đề tài sản xuất giống cá bè vẩu của kỹ sư Lê Thị Như Phượng - Giám đốc Công ty TNHH Phượng Hải Nha Trang vừa đạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 8, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức.

Thuần hóa, sản xuất giống thành công

Theo kỹ sư Phượng, cá bè vẩu là đối tượng nuôi ưa thích của ngư dân Khánh Hòa và nhiều tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, gần đây, nguồn lợi cá bè vẩu trong tự nhiên giảm sút mạnh vì tình trạng đánh bắt cạn kiệt. Hơn nữa, cá bè vẩu là đối tượng dễ nuôi, mau lớn, giá cao (130.000 - 170.000 đồng/kg), ăn tạp, thịt trắng, thơm ngon. Vì thế, từ những năm 2012 - 2013, đơn vị đã quan tâm nghiên cứu tiến tới sản xuất giống cá bè vẩu.

 Ương nuôi giống cá bè vẩu.

Ương nuôi giống cá bè vẩu.

Kỹ sư Lê Thị Như Phượng đã 3 lần tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và cấp Trung ương. Trong đó, lần đầu (năm 2015) bà đạt giải ba đề tài sản xuất giống cá gáy; lần 2 (năm 2017) đạt giải nhì cấp tỉnh và cấp Trung ương đề tài cá khế vằn; lần 3 (năm 2019), đề tài cá bè vẩu đạt giải nhì cấp tỉnh và đang chờ kết quả cấp Trung ương.

Tháng 10-2012, đơn vị tiến hành quá trình thuần hóa, tuyển chọn và nuôi vỗ đàn cá bố mẹ, cho thử nghiệm sinh sản nhân tạo. Kết quả, cá bố mẹ đưa vào sinh sản tổng cộng 3 đợt, 36 con. Quá trình sinh sản thu được hơn 45 triệu trứng; tỷ lệ thụ tinh đạt 60%; ấp nở đạt 80% với số lượng cá bột đạt 21,6 triệu con. Năm 2013, đơn vị cung cấp cho thị trường hơn 200.000 cá giống. Từ đó đến nay, công ty xuất bán ổn định hơn 500.000 cá giống/năm.

Tuy sản xuất giống đạt hiệu quả nhưng trong quá trình sản xuất, công ty gặp nhiều khó khăn do trong tự nhiên cá bè vẩu sinh sản khó, đòi hỏi phải có các đặc điểm sinh thái nhất định như: dòng chảy, nhiệt độ, độ mặn…; cá bố mẹ phải có trọng lượng lớn, ít nhất 4 - 6kg/con; sức sinh sản của cá thấp, kích thước trứng, ấu trùng nhỏ nên nếu không dùng kích dục tố rất khó có thể cho cá đẻ. Bên cạnh đó, thức ăn cho giai đoạn đầu sau khi tiêu hao noãn hoàng cũng rất quan trọng. Đơn vị phải nghiên cứu các chuỗi thức ăn cho cá bột và cuối cùng đã tìm ra thức ăn phù hợp cho giai đoạn cá bột là ấu trùng hàu, luân trùng SS, ấu trùng Copepod và Copepoda (giai đoạn cá giống); ngoài ra còn bổ sung thức ăn tổng hợp các cấp độ.

Đa dạng hóa đối tượng nuôi

Bà Phượng cho rằng, thị trường cá bè vẩu rộng mở, được nuôi từ khá lâu. Đặc biệt ở Khánh Hòa, cá bè vẩu được xem như loài bản địa. Thị trường cá giống được nhiều ngư dân các tỉnh, thành từ Ninh Thuận trở ra ưa chuộng. Hiện nay, cá bè vẩu giống bán tại trại có giá 2.000 đồng/con kích cỡ 1cm.

Cá bè vẩu lớn nhanh, một năm có thể đạt trọng lượng 1 - 1,2 kg/con, thức ăn lại đa dạng, dễ nuôi. Hiện nay, thị trường chọn xu hướng nuôi ngắn, chỉ 7 - 8 tháng xuất bán, trọng lượng thương phẩm 700 - 800g, dễ tiêu thụ, giá cao, quay vòng vốn nhanh, tránh được thiệt hại trong mùa mưa bão. Nếu tính tới triển vọng xuất khẩu thì cá bè vẩu càng tiềm năng. Trong điều kiện khí hậu, thời tiết, mùa vụ tại Khánh Hòa có thể sản xuất giống quanh năm, cung cấp nguồn giống dồi dào mà không lo ứ hàng. Theo bà Phượng, việc sản xuất giống cá bè vẩu nhằm tăng thêm đối tượng nuôi mà ngư dân ưa thích, đa dạng hóa các sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/201912/san-xuat-thanh-cong-giong-ca-be-vau-8143228/