Sản xuất Trung Quốc bất ngờ tăng trưởng mạnh

Chỉ số PMI của ngành phi sản xuất Trung Quốc tháng 6/2022 cũng cao hơn, lên mức 54,7 điểm so với mức 47,8 điểm của tháng 5/2022, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Ảnh: WSJ

Ảnh: WSJ

Hoạt động sản xuất tại các nhà máy tháng 6/2022 tăng trưởng lần đầu tiên trong 6 tháng, theo kết quả khảo sát của chỉ số chủ chốt vào ngày thứ Năm. Tình hình tại các nhà máy của Trung Quốc sáng sủa hơn sau khi các thành phố thoát khỏi tình trạng phong tỏa do COVID-19.

Theo báo Nikkei, chỉ số PMI của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc trong tháng này tăng lên mức 50,2 điểm từ mức 49,6 điểm của tháng 5/2022, như vậy đây là tháng đầu tiên chỉ số này tăng trưởng tính từ tháng 2/2022. Ngưỡng trên 50 phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Tất cả các chỉ số phụ đều vượt ngưỡng trên ngoại trừ chỉ số giá hàng hóa nguyên liệu thô và thất nghiệp vốn được tính toán ở ngưỡng 48,1 và 48,7 điểm.

Chỉ số PMI của ngành phi sản xuất Trung Quốc tháng 6/2022 cũng cao hơn, lên mức 54,7 điểm so với mức 47,8 điểm của tháng 5/2022, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Chỉ số của ngành phi sản xuất Trung Quốc như vậy lên cao nhất tính từ tháng 6/2022, chỉ số này được hỗ trợ bởi tăng trưởng của ngành sản xuất và dịch vụ.

“Chỉ số PMI chính thức cho thấy quá trình phục hồi nhanh của ngành dịch vụ trong tháng này sau khi các biện pháp phong tỏa do COVID-19 được gỡ bỏ đi. Tuy nhiên thực tế này phản ánh cho cú huých quan trọng từ quá trình mở cửa, và chúng tôi nghi ngờ về khả năng liệu động lực này có thể được duy trì lâu hay không”, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capital Economics – ông Julian Evans-Pritchard phân tích.

Diễn biến chỉ số hoạt động kinh doanh mới nhất có thể coi như bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang dần phục hồi sau khi chính sách không COVID-19 của Trung Quốc gây ra cú sốc mới đến tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc đã đưa ra nhiều động thái cứng rắn nhất nhằm ứng phó với các đợt bùng dịch COVID-19. Các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn bộ các thành phố trong năm nay đã gây tổn hại đến tăng trưởng tiêu dùng người dân bởi hàng triệu người bị giới hạn tại nhà. Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng chịu cú sốc khi mà nhiều nhà máy bị đóng cửa và chuỗi cung ứng chịu tác động.

Trong tháng này, đợt phong tỏa thành phố Thượng Hải kéo dài 2 tháng kết thúc, cuộc sống của 25 triệu người trước đó bị giới hạn chỉ trong các ngôi nhà của họ, sự vận hành của các nhà máy gần như không thể diễn ra bình thường.

Ngày thứ Ba tuần này, Trung Quốc đã chính thức giảm một nửa thời gian quy định cách ly đối với người đi du lịch khi mà số lượng các ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Kinh và Thượng Hải rơi xuống ngưỡng 2 con số. Giới chức Trung Quốc phát đi thông điệp rằng Trung Quốc đã vượt qua đỉnh dịch tồi tệ nhất tính từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Dù vậy, chính phủ Trung Quốc cảnh báo rằng quá trình phục hồi vẫn còn khá mong manh và tình trạng thất nghiệp, trong đó có việc người trẻ thất nghiệp nhiều kỷ lục, vẫn đáng lo ngại.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố: “Kinh tế nói chung đã phục hồi, nhưng nền tảng chưa vững vàng. Nhiệm vụ ổn định việc làm hiện vẫn vô cùng khó khăn”.

Các doanh nghiệp ngoại tại Trung Quốc công bố điều kiện kinh doanh cải thiện, tuy nhiên khẳng định hoạt động tuyển và giữ chân nhân tài hiện vẫn là thách thức do nhiều bất ổn liên quan đến các biện pháp hạn chế đi lại thời kỳ đại dịch mà Bắc Kinh áp dụng

Trong cuộc khảo sát nhanh thực hiện vào tuần trước của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, 46% người trả lời phàn nàn về các thách thức liên quan đến sản xuất do hạn chế nguồn cung và nhân lực, giảm đáng kể từ mức 59% của tháng 5/2022. Tuy nhiên 14% trong tổng số 102 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết doanh nhân nước ngoài từ chối đến Trung Quốc hoặc có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc, tỷ lệ này cao đáng kể so với con số 12% vào tháng 5/2022.

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/san-xuat-trung-quoc-bat-ngo-tang-truong-manh-349380.html