Sáng 15/9: Thế giới ghi nhận hơn 226,6 triệu ca mắc COVID-19

Các nhà khoa học cảnh báo từ nay đến cuối năm, thế giới cần chuẩn bị đối phó với dịch COVID-19 ở cấp độ lớn hơn những gì đã diễn ra.

Một cụ bà được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Haxby (Anh), ngày 22/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một cụ bà được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Haxby (Anh), ngày 22/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 15/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 226.610.777 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.661.441 ca tử vong.

Hơn 203,3 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 18,647 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Indonesia tiếp nhận thêm hơn 1,8 triệu liều vaccine

Tại Đông Nam Á, Indonesia tiếp tục tiếp nhận thêm 1.808.040 liều vaccine phòng COVID-19 dưới dạng thành phẩm của hãng dược phẩm Sinovac (Trung Quốc), nâng tổng số vaccine mà nước này đang có lên hơn 243 triệu liều.

Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Indonesia tiếp nhận vaccine này, sau 9,5 triệu liều vaccine thành phẩm được chia làm 3 lô nhận trong 2 ngày 12 và 13/9.

Indonesia phát động chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 vào ngày 13/1. Tính đến hết ngày 14/9, 74.257.515 người tại nước này đã được tiêm mũi thứ nhất và 42.565.331 người đã hoàn thành liệu trình tiêm vaccine.

Chính phủ Indonesia đang xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu (endemic) để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt bình thường cho người dân.

Xuất phát từ nhận định rằng đại dịch sẽ không thể biến mất trong thời gian ngắn, Chính phủ Indonesia khuyến khích người dân thích nghi và áp dụng các thói quen mới nói trên. Quá trình xây dựng lộ trình có sự tham gia của các bên liên quan và có tham khảo kinh nghiệm của các nước khác.

Lộ trình này sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của dịch bệnh trong nước, với 3 mục tiêu gồm giảm tỷ lệ tử vong xuống khoảng 2%, số bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly dưới ngưỡng 100.000 người và tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 5%.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã công bố 3 chiến lược trọng tâm hiện nay để sống chung với đại dịch COVID-19, bao gồm nâng tỷ lệ bao phủ vaccine, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi; đẩy mạnh xét nghiệm, truy vết, điều trị (3T), trong đó có việc tối ưu hóa các địa điểm cách ly tập trung; và tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc y tế, bao gồm 3M (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, và giữ khoảng cách) và việc thực hiện sàng lọc thông qua ứng dụng PeduliLindungi.

Anh cảnh báo COVID-19 vẫn là nguy cơ

Tại châu Âu, Anh cảnh báo dịch COVID-19 vẫn là một nguy cơ và nước này có thể áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế, thậm chí bao gồm việc áp đặt lệnh phong tỏa vào mùa Thu này.

Kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Anh trong mùa Thu và mùa Đông năm nay, gồm 2 phương án, theo đó Kế hoạch A tiếp tục thúc đẩy chương trình tiêm chủng, khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang, thường xuyên rửa tay và thực hiện xét nghiệm.

Tuy nhiên, trong trường hợp dịch COVID-19 gây áp lực quá lớn lên hệ thống y tế, Kế hoạch B sẽ được kích hoạt, theo đó hộ chiếu vaccine, đeo khẩu trang và làm việc tại nhà sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc.

Theo kế hoạch này, hộ chiếu vaccine sẽ được áp dụng đối với các câu lạc bộ đêm, địa điểm trong nhà với sức chứa hơn 500 người và các cơ sở ngoài trời với hơn 1.000 người và không loại trừ khả năng có thể áp đặt trở lại lệnh phong tỏa. Hiện nay, Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19.

Bỉ: "Tiêm chủng ở các nước đang phát triển là cần thiết hơn"

Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke không ủng hộ việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho người trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền, do hiện không có bằng chứng khoa học nào chứng minh sự cần thiết của việc này.

Ông Vandenbroucke khẳng định việc thúc đẩy tiêm chủng ở các nước đang phát triển là cần thiết hơn và là vấn đề của tình đoàn kết quốc tế.

Bỉ dự kiến trong tuần sau sẽ gửi giấy mời tiêm mũi thứ 3 cho 350.000-400.000 công dân Bỉ. Đây là những đối tượng có hệ thống miễn dịch suy giảm, như bệnh nhân HIV hoặc ung thư.

Những người này sẽ được tiêm mũi vaccine thứ 3 tại các trung tâm tiêm chủng, ngoại trừ 2 trường hợp là bệnh nhân nằm liệt giường sẽ được phục vụ bởi các đội tiêm chủng lưu động và bệnh nhân lọc máu sẽ được tiêm mũi thứ 3 ở trung tâm lọc máu.

Mỹ: Vận động các bang áp dụng tiêm vaccine bắt buộc

Tại châu Mỹ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang vận động các nhà lãnh đạo bang và địa phương áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccine COVID-19.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden thông báo áp đặt các quy định nghiêm ngặt, theo đó bắt buộc tiêm vaccine đối với toàn bộ nhân viên liên bang, nhân viên của các tập đoàn lớn và các nhà thầu liên bang.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại California (Mỹ), ngày 16/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Biden khẳng định các biện pháp mới là sự cần thiết để thúc đẩy một bộ phận nhỏ dân số của Mỹ đi tiêm chủng, dù đây không phải là một giải pháp khắc phục nhanh chóng.

Chile tiêm chủng cho trẻ em từ 6-11 tuổi

Chính phủ Chile đã chính thức khởi động chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 sau khi đã được cơ quan y tế có thẩm quyền chấp thuận kế hoạch này cách đây 1 tuần.

Dự kiến đến cuối tháng này cơ quan y tế sẽ tổ chức tiêm đại trà cho tất cả trẻ em trong độ tuổi trên tại tất cả các trường học trên cả nước.

Đến nay, Chile đã tiêm mũi vaccine thứ nhất cho khoảng 1,6 triệu trẻ vị thành niên từ 12-18 tuổi và khoảng 600.000 trẻ trong độ tuổi này đã hoàn tất 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Cùng với đó, các nhà khoa học nước này cũng đang đẩy nhanh chương trình nghiên cứu để có thể đề xuất việc tiêm chủng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Chương trình tiêm chủng toàn dân được Chile khởi động từ hồi đầu tháng 3 và đến nay đã đạt được kết quả đáng khích lệ với việc 87% dân số, khoảng 15 trong tổng số 19 triệu dân, đã hoàn tất các mũi tiêm cần thiết và một số lượng lớn người dân cũng đã bắ đầu được tiêm mũi tăng cường.

Theo thống kê chính thức, đến nay Chile đã ghi nhận 1,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 37.237 trường hợp tử vong.

Các nhà khoa học cảnh báo từ nay đến cuối năm, thế giới cần chuẩn bị đối phó với dịch COVID-19 ở cấp độ lớn hơn những gì đã diễn ra và dịch bệnh sẽ chỉ chấm dứt sau khi tất cả người dân đều hoặc đã nhiễm bệnh, hoặc đã tiêm đủ vaccine.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách và Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ), ông Michael Osterholm, dự báo thế giới rất dễ chứng kiến đợt bùng phát mới vào mùa Thu và mùa Đông.

Khi hàng tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận vaccine và ít có cơ hội để loại trừ virus, thế giới trong vài tháng tới có thể sẽ phải đối diện với các ổ dịch trong lớp học, trên các phương tiện công cộng và nơi làm việc, khi các nước quyết tâm đẩy nhanh tiến độ mở cửa nền kinh tế.

Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh, vẫn sẽ nhóm người thuộc diện dễ bị tổn thương trước virus SARS CoV-2. Đó là trẻ sơ sinh, những người chưa thể tiêm vaccine hoặc không muốn tiêm vaccine hay những người đã tiêm nhưng lại rơi vào nhiễm đột phá do suy giảm lớp bảo vệ.

Giới chuyên gia tin tưởng tiêm chủng giúp giảm nguy cơ tử vong, diễn tiến bệnh nặng và là chìa khóa then chốt./.

Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/sang-159-the-gioi-ghi-nhan-hon-2266-trieu-ca-mac-covid19/740836.vnp